Bộ Tư pháp và Bộ Công an tiếp tục phối hợp trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật

10:28 | 27/01/2022
(LĐTĐ) Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, lãnh đạo Bộ Công an xác định quan hệ phối hợp với Bộ Tư pháp là một quan hệ trọng tâm bởi một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện theo đúng đường lối của Đảng, yêu cầu của đất nước, nguyện vọng của nhân dân.
Kiên quyết kéo giảm các loại tội phạm Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp Kỳ 2: Đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp nhằm bảo vệ quyền con người

Bộ Tư pháp và Bộ Công an vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác năm 2021 và nhiệm vụ phối hợp trọng tâm năm 2022. Dự và chỉ đạo Hội nghị có Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, năm 2021 là một năm đầy thách thức với đất nước nói chung, với 2 Bộ, ngành nói riêng nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, hai Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra trong năm 2021.

Trong suốt thời gian qua, công tác phối hợp giữa hai Bộ, ngành ngày càng chặt chẽ, đã và đang phát huy tác dụng lớn, tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của hai Bộ, ngành.

Bộ Tư pháp và Bộ Công an tiếp tục phối hợp trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác phối hợp năm 2021, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an kịp thời thẩm định các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Cảnh sát cơ động. Phối hợp hoàn thiện đề nghị xây dựng: Luật Bảo đảm, trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác.

Cuối năm 2021, Bộ Tư pháp đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an hoàn thiện quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh về sản phẩm dịch vụ an ninh mạng trong Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật mới được Quốc hội thông qua.

Trong công tác thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC; tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp người phải thi hành án cố tình trốn tránh, chống đối, không chấp hành án; phối hợp giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm về tham nhũng, kinh tế; tổ chức THADS trong các vụ án hình sự đối với các phạm nhân…

Đồng thời, hai Bộ phối hợp góp ý xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để triển khai trong toàn hệ thống chính trị.

Hai Bộ cũng phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em; triển khai thử nghiệm các dịch vụ cấp, hủy, xác nhận sử dụng, gỡ số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; xác minh hồ sơ xin thôi, nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam; tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; giải quyết khó khăn về trưng cầu giám định tư pháp; công tác quản lý và tổ chức các hoạt động luật sư…

Bên cạnh những kết quả đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, qua thực tiễn phối hợp cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong việc kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; việc đẩy nhanh tiến độ xác minh trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Năm 2022, hai Bộ sẽ tiếp tục triển khai phối hợp chặt chẽ, toàn diện các lĩnh vực công tác. Trong đó, tập trung hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Cảnh sát cơ động; Luật Bảo đảm, trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển quy phạm pháp luật; thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TW về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, kịp thời…

Bộ Tư pháp và Bộ Công an tiếp tục phối hợp trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật
Lãnh đạo hai Bộ chụp ảnh lưu niệm

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Bộ Công an sớm hoàn thiện và mở các dịch vụ kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; trường hợp cần chỉnh lý thông tin thì căn cứ vào thông tin gốc từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp mong muốn hai Bên phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật; hướng dẫn thực hiện bảo đảm thực hiện an ninh mạng; thực hiện tốt Tiểu Đề án 2 “giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về nước”…

Kết luận Hội nghị, Đại tướng Tô Lâm cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Tư pháp và nhấn mạnh trong thời gian tới, hai Bộ, ngành cần phối hợp xây dựng nền tư pháp hoàn chỉnh, trong đó có cả những yêu cầu về cải cách tư pháp theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, đúng định hướng cải cách tư pháp, phục vụ lợi ích quốc gia.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, lãnh đạo Bộ Công an xác định quan hệ phối hợp với Bộ Tư pháp là một quan hệ trọng tâm bởi một xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện theo đúng đường lối của Đảng, yêu cầu của đất nước, nguyện vọng của nhân dân.

Cho rằng khối lượng công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn rất nhiều, cuộc sống lại luôn thay đổi, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạng yêu cầu cải cách pháp luật, tháo gỡ được các vướng mắc thể chế, bảo đảm công tác quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị hai Bộ, ngành tiếp tục trao đổi, thảo luận, thống nhất được các vấn đề liên quan đến công tác phối hợp và phát huy truyền thống gắn bó, đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục đồng hành, kiên trì xử lý các công việc của Bộ, ngành Công an đã và đang đề xuất, trong đó sớm thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này