Người xa xứ nhớ Tết

13:31 | 30/01/2022
(LĐTĐ) Ở thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mỗi lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài đều có những tâm trạng, cảm xúc riêng nhưng đa phần đều có chung nỗi nhớ gia đình, nhớ hương vị Tết Việt. Có người chọn tăng ca để vơi nỗi nhớ nhà, nhiều người lại đón Tết cùng gia đình qua màn hình điện thoại hoặc quây quần bên đồng hương để cùng nhau đón giao thừa.
Việt kiều Mỹ thực hiện cách ly như thế nào khi về TP. HCM dịp Tết? Mong bà con Việt kiều tích cực đóng góp xây dựng quê hương

Sang thành phố Ikeda, tỉnh Osaka (Nhật Bản) làm việc cho một công ty chuyên sản xuất ô tô từ năm 2018, Phạm Văn Đạt (quê Bắc Giang) đã quen với cảnh xa nhà. Nhưng cứ đến dịp Tết cổ truyền của dân tộc, cảm giác nhớ nhà, nhớ hương vị Tết lại cồn cào như lần đầu tiên đón Tết ở xứ người.

Tụ họp, cùng nhau chuẩn bị mâm cơm Tất niên mang hương vị Việt là cách giúp những lao động Việt Nam tại Nhật Bản vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị Tết.
Tụ họp, cùng nhau chuẩn bị mâm cơm Tất niên mang hương vị Việt là cách giúp những lao động Việt Nam tại Nhật Bản vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị Tết.

Đạt kể, mặc dù là nước châu Á nhưng ở Nhật Bản lại đón Tết theo lịch phương Tây. Vì thế, vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc thì ở Nhật Bản mọi hoạt động vẫn diễn ra như thường lệ. Với những lao động Việt ở đây, bên cạnh việc duy trì nhịp sống thường ngày thì trong những ngày Tết, ai nấy đều hướng về quê hương, cố gắng thu xếp công việc, dành thời gian để cùng nhau tụ họp, tổ chức các hoạt động mang đậm phong vị Tết cổ truyền.

“Năm nay, ba ngày Tết cổ truyền của dân tộc lại vào các ngày giữa tuần nên tôi và các đồng hương trong cùng công ty dự định sẽ xin nghỉ phép khoảng 2 - 3 ngày để cùng nhau góp tiền đi chợ mua nguyên liệu làm thịt đông, gói giò, bánh chưng, bày mâm ngũ quả rồi chuẩn bị tươm tất một mâm cỗ tất niên. Thời gian còn lại sẽ dành để chúc Tết người thân, bạn bè và đi lễ chùa đầu năm. Ai đã từng đón Tết mà không có người thân bên cạnh chắc sẽ hiểu cảm giác có một chút trống trải, cô đơn, nhất là trong khoảnh khắc giao thừa, khi mà những tràng pháo hoa bắt đầu bung nở trên bầu trời và âm thanh của những bản nhạc chúc mừng năm mới vang lên. Nhưng những lao động xa quê chúng tôi vẫn động viên nhau cùng vượt qua, cố gắng vài năm để tích lũy chút vốn, sau trở về quê hương làm ăn, sinh sống tốt hơn”, Đạt tâm sự.

Là người có nhiều năm làm việc ở Hàn Quốc, Trần Thị Lan (quê Thái Bình) công nhân của một nhà máy điện tử ở thành phố Incheon, đã 5 lần đón năm mới ở đây. Lan tâm sự: “Xa quê bao nhiêu năm, ngày thường bận bịu công việc còn đỡ, chứ năm hết, Tết đến là nhớ nhà da diết, lúc nào cũng hướng về quê hương, muốn về ngay để đi chợ hoa mua đào, quất rồi trang trí nhà cửa, đêm 30 ngồi đón giao thừa cùng gia đình… tuy nhiên không thể, vì chỉ nghỉ Tết được 3 ngày. Nhưng nhờ có Smartphone và mạng Internet nên chỉ cần livestream qua Facebook là có thể đón Tết cùng với gia đình. Tôi thường gọi điện qua Facebook hoặc Zalo cho người thân của mình để được nhìn thấy nhau và chúc nhau những lời chúc tốt lành nhân dịp đầu năm mới. Khi gọi trực tiếp như thế, tôi cũng cảm nhận được không khí Tết ở quê nhà và cảm thấy ấm áp hơn”.

Người xa xứ nhớ Tết

Theo lời Lan, vào dịp Tết các năm trước, những lao động Việt tại đây cũng tụ họp để cùng nhau tổ chức đón Tết. Người thì cắt giấy hoặc gắn hoa nhựa để tạo ra những cành đào, cành mai, người thì gói bánh chưng, chuẩn bị mâm ngũ quả, mâm cỗ tất niên. Đêm giao thừa, tất cả cùng phá cỗ, lì xì và chúc mừng nhau. Nhưng 2 năm trở lại đây, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc mọi người tụ họp cùng nhau để đón Tết cũng bị hạn chế, chỉ gọi điện hoặc chúc mừng nhau trên nhóm Zalo. Năm nay, sẽ căn cứ vào tình hình dịch và quy định của chính quyền địa phương, nếu được lại tổ chức để mọi người cảm nhận được không khí Tết và vơi đi nỗi nhớ nhà, đó cũng là dịp để mọi người giao lưu, cải thiện đời sống tinh thần, tái tạo sức lao động.

Những người ở quê biết người thân không về ăn Tết được nhưng vẫn đau đáu ngóng trông, còn những người đi xa thì rưng rưng nhớ Tết quê nhà. Với họ, bên cạnh việc duy trì nhịp sống thường ngày thì trong những ngày Tết cố gắng thu xếp công việc, dành thời gian để cùng nhau đoàn viên, tổ chức các hoạt động mang đậm phong vị Tết cổ truyền.

Lê Thị Sen (quê Lâm Đồng) đang làm việc tại thành phố Brisbane, thuộc bang Queensland (Australia) chia sẻ: “Ở đây có nhiều người Việt sinh sống và có cả khu chợ Việt với đủ các món ăn mang hương vị đặc trưng quê nhà từ bánh đa nem, giò lụa, hạt dưa, bao lì xì, trái cây các loại để bày mâm ngũ quả, cho đến bánh mứt, câu đối, đèn lồng. Đặc biệt, mâm cỗ Tết của người Việt nơi đây mang đậm dấu ấn quê nhà với những món ăn quen thuộc như gà luộc, giò lụa và bánh chưng, bánh tét… Ngày Tết, tôi thường cùng bạn bè là người Việt đi chúc tết, lễ chùa và sum họp, quây quần bên nhau nên cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà”.

Nhiều lao động Việt ở nước ngoài chọn cách quây quần bên nhau cùng đón Tết, còn với Nguyễn Văn Trường (quê Nam Định), đang làm việc tại tỉnh Hyogo (Nhật Bản) lại chọn phương án làm tăng ca để vơi nỗi nhớ nhà. Trường chia sẻ: “Vì ở Nhật Bản chỉ đón Tết Dương lịch nên vào dịp Tết Âm lịch mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, chúng tôi vẫn đi làm. Tết năm nay là năm thứ 4 tôi đón Tết ở đây, 3 năm trước tôi đều tăng ca vào các ngày Tết cổ truyền của dân tộc và năm nay có lẽ cũng thế. Quyết định làm tăng ca, một phần để có thêm thu nhập nhưng quan trọng hơn là nó giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà. Bởi nơi tôi đang làm việc, có rất ít lao động là người Việt Nam nên không có điều kiện tụ họp trong ngày Tết. Nếu những ngày này không đi làm, tôi cũng không biết làm gì ngoài việc gọi cho gia đình, nhưng không thể gọi suốt được. Mặc dù dành phần lớn thời gian để làm việc nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng hướng về quê hương, thèm cảm giác được quây quần bên gia đình, được chúc tụng nhau trong ngày đầu năm mới”.

Cho dù không được đón Tết cùng gia đình, không được tận hưởng trọn vẹn hương vị Tết cổ truyền của dân tộc nhưng trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trái tim những người con xa quê luôn hướng về gia đình, về quê hương với nỗi nhớ khôn nguôi. Với họ, mùa Xuân chỉ thực sự đẹp và ý nghĩa khi thành quả lao động của mình không chỉ giúp gia đình có cuộc sống sung túc hơn mà còn góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này