Những chuyến tàu đoàn viên

13:57 | 31/01/2022
(LĐTĐ) Hành trình trở về quê hương sum họp cùng gia đình trên những chuyến tàu Bắc - Nam với thanh âm “xình xịch” từ lâu đã trở thành niềm mong mỏi của nhiều người con xa xứ. Sân ga thấp thoáng cành đào hồng thắm, cây mai vàng khiến ai trải qua đều cảm thấy bồi hồi mỗi dịp Tết đến.
Tết với những công nhân lao động ở thành phố mang tên Bác Trao 2.000 suất quà cho đoàn viên, người lao động khó khăn

Bồi hồi sân ga ngày cuối năm

Tết là để trở về, đó là tâm niệm và ước vọng của những người con xa quê. Nhiều người nói, muốn cảm nhận không khí Tết như thế nào thì cứ đến ga tàu, bến xe những ngày cuối năm sẽ thấy được điều đó. Thường thì bắt đầu từ khoảng 20 tháng Chạp cho đến đêm 30 Tết trước khi chuyến tàu cuối cùng rời bến, các nhà ga của Hà Nội lúc nào cũng tấp nập người.

Những chuyến tàu đoàn viên
Muốn cảm nhận không khí Tết rộn ràng như thế nào thì cứ đến ga tàu, bến xe những ngày cuối năm.

Có lẽ vì thế, chuyến tàu cuối năm bao giờ cũng là chuyến đi nhiều cảm xúc nhất. Người người nườm nượp bước lên một chuyến tàu, bỏ lại thành phố ồn ào và hướng đến những cánh đồng quê ngào ngạt mùi đồng ruộng, những ngọn đồi hiu hiu gió thổi hay những thị trấn vắng lặng.

Ai cũng mong cho tàu nhanh về đến ga để đoàn tụ với người thân, để lại được hít thở cái bầu không khí thân thuộc của quê hương mà bao lâu nay khi đi xa vẫn nhớ. Và ở miền quê nào đó, có những đứa trẻ háo hức chờ cha mẹ trở về với bộ quần áo mới. Có những người chồng, người vợ đợi bên mâm cơm tất niên, những ông bố bà mẹ mái tóc bạc phơ ngóng con sau một năm bươn chải, làm việc ở nơi cách xa hàng trăm ki-lô-mét.

Với đặc thù công việc, tôi có cơ hội chứng kiến hành trình của một vài chuyến tàu Tết từ Hà Nội đi về các tỉnh. Chuyến đi nào cũng để lại ấn tượng và kỷ niệm không thể quên, mãi đến tận sau này cũng vẫn vậy. Trong mỗi câu chuyện, tôi như cảm nhận được sự bồi hồi, khắc khoải và nhớ thương, được sum vầy cùng gia đình đón Tết là một điều rất đỗi thiêng liêng.

Những chuyến tàu đoàn viên

Tôi nhớ đến chú Nguyễn Hữu Hòa (quê Quảng Bình), người mà tôi đã gặp cách đây 2 năm tại ga Giáp Bát. Ra Hà Nội được gần 10 năm, chú Hòa làm lao động tự do, ai thuê gì làm nấy.

Đúng 29 tháng Chạp năm đó, mặc nguyên bộ đồ bảo hộ lao động, chú vội vàng ra ga để đón chuyến tàu trưa. Có mặt từ sáng sớm, giống như bao người xa quê hương khác, tay chú lỉnh kỉnh đồ đạc.

“Năm nào tôi cũng về quê bằng tàu vì muốn tiết kiệm chi phí. Vì hoàn cảnh nên phải chọn xa quê hương thôi, đi rồi mới thấy không đâu bằng nhà mình cả. Cố kiếm thêm chút thu nhập nên tôi làm đến tận đêm 28 Tết, không kịp ngủ gì cả mà vội ra ga luôn. Đi tàu phải mất gần 10 tiếng. Nhớ gia đình lắm, ngóng từng phút từng giây tàu thông báo khởi hành”, chú Hòa nói.

Trên gương mặt khắc khổ, chai sạm vì cả năm lao động vất vả, ánh mắt chú Hòa trở nên lấp lánh hơn bao giờ hết khi chỉ vào túi bánh kẹo ngon mời họ hàng, cái váy, cái áo khoác cho 2 đứa con.

Tất cả rộn lên một niềm hy vọng về Tết sum vầy. “Xin kính mời các hành khách đi trên chuyến tàu SE9 khởi hành lúc 14h25 đến khu vực soát vé để chuẩn bị lên tàu”, những thông báo liên tục được nhắc đi nhắc lại trên loa, chú Hòa chăm chú lắng nghe rồi nhanh chóng hòa lẫn vào dòng người tất bật chuẩn bị lại hành lý tư trang cho một chuyến đi dài.

Ước vọng mùa Xuân

Giống như mọi năm, Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến gần cũng là lúc những người xa quê đau đáu trở về. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuyến đi của mỗi người dường như mang nặng tâm tư hơn.

Ngành đường sắt đã chính thức mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022 qua mạng, nhà ga, tổng đài và các đại lý. Lịch chạy tàu Tết Nhâm Dần 2022 được tính từ ngày 20/1 đến hết ngày 13/2 và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn trước Tết từ ngày 20 đến ngày 29/1 (18 đến 27 tháng Chạp năm Tân Sửu). Giai đoạn trong Tết, từ 30/1 đến ngày 3/2 (28 tháng Chạp năm Tân Sửu đến mùng 3 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Giai đoạn sau Tết từ ngày 4 đến 13/2 (mùng 4 tháng Giêng đến ngày 13 tháng Giêng năm Nhâm Dần).

Đắn đo mãi mới đặt xong vé tàu Tết chặng Hà Nội - Đà Nẵng ngày 26 tháng Chạp, chị Phạm Hồng Nhung vừa mừng, vừa lo.

Giữa bao bộn bề suy nghĩ, chị Nhung bày tỏ chỉ ước mình có thể về nhà an toàn và đúng lịch. “Do ảnh hưởng của dịch nên một năm nay tôi chưa về, vì thế điều mong ước bây giờ là dịch bệnh được đẩy lùi để ai cũng có một cái Tết ấm áp, yên vui.

Đặt vé xong, chỉ nghĩ đến khoảnh khắc tàu lăn bánh thôi là cảm giác háo hức, bồi hồi len lỏi, mong ngóng đan xen trong tâm trí. Dù nhà cách ga Đà Nẵng hơn chục cây số, nhưng năm nào bố tôi cũng luôn chờ tôi ở nơi cuối nhà ga, nhìn thấy tôi là mỉm cười hạnh phúc, khoảnh khắc ấy đã thấy mùa Xuân đến…”, chị Nhung chia sẻ.

Bên cạnh hàng trăm, hàng nghìn hành khách mong mỏi chờ được gặp gia đình mình, còn có những người phải tạm gác lại nỗi niềm riêng để hoàn thành nốt công việc. Họ không màng đến bất cứ lợi ích hay sự đền đáp nào, chỉ mong được đóng góp một chút sức mình để khiến cho ai ai cũng có thể đón một cái Tết trọn vẹn đúng nghĩa.

Làm nghề lái tàu từ năm 1988, anh Nguyễn Lê Huỳnh (nhân viên lái tàu - Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) không thể nhớ hết mình đã có bao cái Tết đón giao thừa trên tàu. Anh kể, không khí chuyến tàu cuối năm đi xuyên giao thừa lạ lắm, càng đến giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ - năm mới, anh em trong tổ tàu, nhân viên với hành khách… như tình cảm hơn, thân quen hơn.

Hồi đầu mới bắt đầu công việc anh cũng không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân. Sau hơn 30 năm theo nghề, anh Huỳnh đã quen dần và yêu nhiệm vụ này.

Khi nghe anh chia sẻ về công việc, chúng tôi cảm nhận được anh có một niềm tự hào khó diễn tả thành lời khi đã góp phần đưa hành khách khắp mọi miền đất nước về nhà đoàn tụ cùng người thân. Tết Nhâm Dần đang đến, anh Huỳnh cũng háo hức với những cuộc gặp mặt ngày đoàn viên đang gần hơn bởi những chuyến tàu mang tên hạnh phúc.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này