Nhớ xôi ngũ sắc Tây bắc

14:05 | 03/02/2022
(LĐTĐ) Xôi ngũ sắc được biết đến là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của người dân tộc Thái ở Tây Bắc. Đặc biệt, món ăn này không chỉ thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, mà còn tượng trưng cho âm dương ngũ hành, tình đoàn kết cộng đồng và cầu mong cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Nơi… góc trời Tây Bắc Hảo vị sơn cước Tây Bắc trong mâm cỗ Tết Mường Thanh

Dẻo, thơm “ngũ sắc” đại ngàn

Những ngày cuối năm, may mắn được ghé thăm Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam (tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đúng vào dịp nơi đây tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với những nghi thức văn hóa truyền thống, điều khiến chúng tôi không thể rời mắt đó chính là sự phong phú, đa dạng từ các món ăn đặc sản tại khu vực ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong đó có món xôi ngũ sắc - món ẩm thực truyền thống của người dân tộc Thái ở Tây Bắc.

Xôi ngũ sắc thường được đựng trong các Ép khảu (vật dụng được đan bằng tre, nứa).
Xôi ngũ sắc thường được đựng trong các Ép khảu (vật dụng được đan bằng tre, nứa).

Chia sẻ về món ăn mang đậm truyền thống dân tộc mình, chị Lò Thị Tóm - Trưởng nhóm dân tộc Thái tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam, cho biết, món xôi ngũ sắc của người dân tộc Thái không biết có từ khi nào, chỉ biết rằng, từ khi lớn lên chị Tóm đã được ăn, được học làm món xôi ngũ sắc truyền thống này từ ông bà, cha mẹ.

“Ngày bé, vào mỗi dịp lễ, Tết của người đồng báo dân tộc Thái, hay Tết Nguyên đán… tôi vẫn thường cùng mẹ làm xôi ngũ sắc, vừa là để cúng lễ tổ tiên, vừa là để thiết đãi khách. Hiện nay, màu sắc, hương vị món xôi ngũ sắc này vẫn được chúng tôi giữ nguyên hồn cốt xưa và gìn giữ nét đẹp văn hóa của tổ tiên để lại”, chị Tóm tâm sự.

Nhớ xôi ngũ sắc Tây bắc
Để xôi được thơm, dẻo, người Thái thường đồ xôi bằng các chõ bằng gỗ.

Người Thái vốn nổi tiếng bởi sự cầu kỳ trong chế biến món ăn và sự tinh tế, độc đáo luôn được đưa vào văn hóa ẩm thực. Bởi thế, để tạo ra mâm xôi ngũ sắc bắt mắt về hình thức, hấp dẫn vị giác, theo chị Lò Thị Tóm, các bước chuẩn bị, tiến hành nấu, đồ xôi, tạo khối, cách trình bày, đặt xôi trên mâm cỗ vị trí ra sao… đều cần sự khéo léo, cẩn thận, chu đáo.

Đặc biệt, để có được món xôi ngũ sắc mềm, dẻo, khâu chọn gạo là bước đầu tiên quan trọng mang tính chất quyết định kết quả của món xôi. Theo đó, gạo được dùng để làm xôi ngũ sắc chủ yếu vẫn là nếp nương trồng trên núi, trên nương rẫy, hạt to, tròn, căng mây mẩy, đều hạt không gẫy vụn, bạc bụng…

Xôi ngũ sắc thường có 5 màu là: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Chị Tóm cho biết, để tạo nên màu đỏ của xôi, người dân thường dùng lá cơm nếp đỏ giã nát, đun sôi, ngâm khoảng 30 phút cho mau thôi ra nước, sau đó lọc bỏ lá rồi đổ gạo vào ngâm. Với màu tím, thì thường sẽ sử dụng lá cơm nếp tím; màu xanh sử dùng màu tự nhiên của lá dứa; màu vàng thì thường người dân sẽ sử dụng nghệ tươi, giã nát và lọc lấy nước…

“Gạo thường được ngâm qua đêm, hay ít nhất cũng phải được ngâm từ 2 - 3 giờ, sau đó vớt ra để ráo nước. Quá trình đồ xôi phải giữ lửa đều các góc, vừa lửa, không to quá, không nhỏ quá, đượm than để xôi chín dẻo, thơm đậm. Điều thú vị là, khi đồ xôi phải dùng chõ gỗ bởi khi được đồ, xôi sẽ dẻo, không bị nhão.

Đặc biệt, tùy theo số lượng xôi, người đồ xôi có thể đồ riêng từng loại màu, hoặc đồ chung các loại màu trong cùng một chõ. Khi đồ chung, người dân sẽ dùng vỉ bằng nan tre để ngăn cách giữa các lớp xôi”, chị Lò Thị Tó chia sẻ.

Tượng trưng cho tình yêu, cuộc sống no ấm, hạnh phúc…

Theo quan niệm của người Thái, xôi ngũ sắc không chỉ thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, mà còn tượng trưng cho âm dương ngũ hành, tình đoàn kết cộng đồng và cầu mong cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Bởi thế, bên cạnh sự cầu kỳ của các khâu chuẩn bị, khi xôi chín, cách trang trí mâm xôi ngũ sắc được người Thái xem là phần khá quan trọng. Theo đó, mâm xôi ngũ sắc thường được trang trí nhiều nhất theo kiểu mâm xôi hình hoa ban 5 cánh, mỗi cánh ban là một màu khác nhau; tiếp theo là hình ruộng bậc thang, hình quần tụ của núi...

“Với món xôi ngũ sắc, ở Tây Bắc, nhiều dân tộc cũng làm món xôi này nhưng ít màu hơn, riêng người Thái đen và Thái trắng thì luôn làm đầy đủ 5 màu trừ khi gia đình nào đó có chuyện buồn. Khi đó, người Thái tuyệt đối sẽ không sử dụng màu tím để làm xôi ngũ sắc. Xôi ngũ sắc không chỉ đơn giản là món ăn, mà còn mang ý nghĩa của đất trời và tình người sâu nặng”.

(Chị Vì Thị Miên - Phụ trách mảng dệt, ẩm thực dân tộc Thái tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Đặc biệt, ý nghĩa của các màu trong mâm xôi ngũ sắc thể giá trị nhân sinh rất lớn. Cụ thể, theo người Thái, xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng sống, cho những ước mơ; xôi màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ và phồn thịnh; xôi màu xanh tượng trưng cho màu của núi rừng đại ngàn Tây Bắc, màu của bầu trời xanh bao la và xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung...

Chính những ý nghĩa nhân sinh đó, mâm xôi ngũ sắc thường được bày ở trung tâm mâm cỗ vừa là tạo mầu sắc đẹp hơn, vừa ẩn chứa nhiều giá trị tâm linh. Đặc biệt, nó còn thể hiện sự trang trọng, tôn kính trong mâm cúng dâng lên ông bà, tổ tiên, ngày lễ, Tết, ngày hội mùa…

Xôi ngũ sắc sau khi chế biến thường được ăn kèm với thịt nướng, cá nướng, gà nướng, hoạc đơn giản là ăn cùng muối vừng... Trước đây, người dân tộc Thái thường làm xôi ngũ sắc vào những ngày hội lớn, ngày lễ, Tết hay cưới hỏi… nhưng hiện nay, món ẩm thực truyền thống này đã trở thành phổ biến trong đời sống và là niềm tự hào của người Thái.

Ngày nay, việc làm xôi ngũ sắc cũng đơn giản hơn vì có nhiều loại gạo, nhiều loại màu, nhưng theo chị Miên, chị Tó, với người Thái thì xôi ngũ sắc vẫn là một lễ vật ẩm thực đặc sắc, linh thiêng trong các ngày lễ, Tết và trong các nghi thức cúng bái. Bởi, ẩm thực này vẫn mang đậm nét văn hoá từ ngàn đời xưa và sẽ còn được gìn giữ, truyền lại cho con, cháu sau này.

Tuấn Minh - Hồng Nhung

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này