Xuân nơi phố cổ

08:31 | 02/02/2022
(LĐTĐ) Đón Tết ở phố Cổ bao giờ cũng là niềm say mê, háo hức của nhiều người Hà Nội, bởi nơi đây có những nét riêng ai đi xa cũng nhớ, ai chưa đến cũng muốn một lần ghé qua.
Những người thợ giữ nghề nơi phố cổ Câu chuyện phố cổ Hà Nội

Từ xưa đến nay, phố cổ Hà Nội còn gọi là khu phố nghề, tập trung buôn bán các vật dụng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, nhất là vào dịp cuối năm. Phố cổ Hà Nội đã thay đổi nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn đó những bản sắc riêng, những không khí rất riêng vào những ngày giáp Tết mà không nơi nào có được.

Sinh ra và lớn lên ở trong khu phố Cổ, chứng kiến biết bao sự thay đổi của đất nước, Thủ đô nhưng mỗi khi nhắc đến cái Tết của người Hà Nội, ông Nguyễn Thái An (sinh năm 1943) đều không giấu được cảm xúc của mình. “Tôi là người đã từng trải qua ít nhất 2 thời kì thay đổi trong Tết của người Hà Nội, đó là Tết của thời bao cấp và cái Tết của hiện tại. Ở mỗi thời điểm, gia đình tôi có một cách ăn Tết khác nhau. Thế nhưng trong bất cứ thời điểm nào, cái “vị” Tết luôn được tôi và gia đình nâng niu nắm giữ”, ông An tâm sự.

Trong ký ức người dân phố cổ, “vị Tết” nơi đây có những nét rất riêng khiến ai đi xa cũng nhớ, ai chưa đến một lần cũng muốn ghé qua.
Trong ký ức người dân phố cổ, “vị Tết” nơi đây có những nét rất riêng khiến ai đi xa cũng nhớ, ai chưa đến một lần cũng muốn ghé qua.

Theo ông An, ký ức về Tết cả xưa lẫn nay đều vẫn luôn đẹp như vậy. Với ông, Tết bắt đầu báo hiệu từ khi xuất hiện những quầy bán tranh Tết trên phố Hàng Bồ. Ở đó bày biện đủ các loại tranh như Đông Hồ gà, lợn, nét tươi trong, tranh Hàng Trống mang đậm nét dân gian đặc trưng của một dân tộc văn hóa. Hình ảnh những ông đồ mặc áo the, đầu chít khăn khiến phố Hàng Bồ khác hẳn thường ngày. Hòa lẫn với mùi mực, giấy mới là thứ mùi hương thơm ngát của hương thẻ, hương trầm, hương vòng, hòa quyện với mùi nến thơm.

Tiếp đó là việc mua sắm, trang trí nhà cửa, cũng như bao gia đình phố Hàng Đào, bố mẹ ông đặt dưới vườn hoa Nhật Tân một cành đào đẹp, trang trí ở khoảng sân giếng trời và một cây quất để trong phòng khách. Đặc biệt, trên ban thờ không thể thiếu một cành đào nhỏ. “Chiều 30 Tết, bố mẹ tôi cùng nhau dọn dẹp ban thờ. Ông bà giải thích phải tự tay dọn dẹp, bày biện ban thờ mới tỏ được lòng thành kính với tổ tiên. Ghi nhớ lời dạy, cho đến nay gia đình tôi vẫn giữ nguyên “nếp” cũ ấy”, ông An chia sẻ.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay nếp sống xưa vẫn được ông An cùng con cháu cố gắng gìn giữ. Ngôi nhà hiện tại chỉ có hai vợ chồng ông An và người em gái út ở. Vào mỗi dịp lễ Tết, mọi thành viên trong đại gia đình đều thu xếp về quây quần bên mâm cỗ gia đình. Ông An cũng cho rằng, ở mỗi thời kì thì phong vị của Tết đều có sự thay đổi. “Tôi cho rằng việc giữ Tết xưa còn là giữ văn hóa, truyền thống, nếp sống, sự hiếu khách của người Hà Nội chứ không nhất thiết phải giữ nguyên cách ăn Tết”, ông An chia sẻ.

Thật vậy, trong các câu chuyện của những người dân phố Cổ, “vị Tết” nơi đây có những nét rất riêng khiến ai đi xa cũng nhớ, ai chưa đến một lần cũng muốn ghé qua. Càng vào những ngày giáp Tết, xung quanh các tuyến phố chuyên kinh doanh các mặt hàng truyền thống như: Hàng Mã, Hàng Trống, Hàng Lược, khu vực chợ Đồng Xuân… tập kết, biết bao nhiêu những mặt hàng đặc sản phong phú, đa dạng ở khắp các vùng đất nước được mang về để đáp ứng cho nhu cầu mua sắm ngày Tết của các gia đình Hà Nội giàu bản sắc văn hóa.

Với người dân phố Cổ, yếu tố “văn hóa, tâm linh” dường như là một việc làm thiêng liêng, quen thuộc. Chính vì vậy, dù khó khăn hay bận rộn đến mấy, người dân phố Cổ đều dành thời gian, công sức và tiền bạc để mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, thắp nén tâm nhang nơi Đền, Chùa, Miếu mạo. Việc cúng lễ Thần, Phật, cúng giỗ Tổ tiên nhân dịp đầu năm mới là công việc không thể thiếu để cầu mong quốc thái, dân an, cầu mong cho mọi người có cuộc sống no ấm, an khang, thịnh vượng.

Đặc biệt, phố Cổ cũng sở hữu một chợ hoa Tết chỉ mở duy nhất 1 lần trong năm. Theo đó, từ ngày 23 âm lịch cho đến 30 Tết, khu vực Phố Hàng Lược sẽ được tô điểm bằng hàng ngàn những cành đào Nhật Tân, những chậu quất Tứ Liên, Nghi Tàm. Rồi vô vàn các loại hoa Tết như Thược dược, Lay ơn, hoa Cúc, Hải đường của hai làng hoa nổi tiếng Hà Nội là Ngọc Hà và Hữu Tiệp được người dân đem ra bày bán tại đây. Tất cả mọi thứ, khiến không khí của “khu chợ” mang hương vị rất riêng với những ai vẫn luôn hoài niệm cái Tết xưa.

Ngày nay, mặc dù Tết ở phố Cổ không thể giữ được hết những nét đa dạng, phong phú khi xưa nhưng dư vị Tết nơi phố Cổ thì còn mãi. Bà Nguyễn Thị Hiền (85 tuổi), chủ một cửa hàng bán dụng cụ âm nhạc dân tộc trên phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm vẫn vô cùng xúc động khi nhắc đến Tết nơi phố Cổ. Theo bà Hiền, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động chào mừng Tết Nguyên đán không được nhộn nhịp, náo nhiệt như xưa. Tết có phần tĩnh lặng hơn, nhưng không khí Tết thì vẫn hiện diện trong từng căn nhà, góc phố.

“Ngay từ những ngày giáp Tết khoảng 1 tháng, trên các con phồ nghề, hàng Tết vẫn đổ về với quần áo, rượu, thuốc, chè, mộc nhĩ, măng miến, bóng… để sau đó lại tỏa mang theo “mùa xuân” đến muôn nơi. Dù bây giờ, cuộc sống dư dả hơn, người người nhà nhà chẳng thiếu thứ gì, dù mùng 1, 2 Tết đã có hàng bán nhưng tâm lý thích dư dả, đủ đầy nên mỗi nhà vẫn chuẩn bị nhiều đồ cho 3 ngày Tết”, bà Hiền chia sẻ.

Năm nay, người dân Hà Nội đã dần thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19, do vậy tùy theo điều kiện, các hoạt động mua bán, chuẩn bị cho Tết vào những ngày cuối năm tại phố Cổ vẫn diễn ra bình thường. Vừa mừng vì vẫn có thể đi nhiều, mua nhiều nhưng cũng thoáng chút băn khoăn vì đông người như vậy, nhỡ ra có chút sơ sảy nào thì thật mất vui. Chính vì vậy, giữa các luồng thông tin háo hức, hối hả trong ngày giáp Tết, đan xen vào đó vẫn là những bản tin về thông điệp 5K, về nhắc nhở an toàn phòng, chống dịch bệnh để góp phần cùng nhân dân có một cái Tết vui vẻ, an toàn.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này