Giá sữa dồn dập tăng

10:06 | 18/02/2014
LĐTĐ - Theo nhận định của các đại lý sữa trên địa bàn TP Hà Nội, chưa bao giờ giá sữa lại tăng dồn dập như hiện nay, dù sữa bột cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi đã được đưa vào diện bình ổn giá. Vậy câu hỏi đặt ra là giá sữa có thực sự được bình ổn khi mà việc tăng giá vẫn diễn ra?

Sữa nội, sữa ngoại đều tăng

Theo thông tin của nhiều người tiêu dùng, sau Tết Nguyên đán, giá sữa trên thị trường lại tiếp tục tăng giá. Chị Nguyễn Thị Nội, chủ đại lý sữa trên đường Đê La Thành, cho biết: Trong số các hãng sữa có thông báo tăng giá, hãng sữa Mead Johnson, Abbott tăng nhiều nhất, cụ thể hồi tháng 1 đã tăng khoảng 4 - 10% và sẽ tiếp tục tăng vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 tới. Không chỉ có hãng sữa này mà ít nhất 5 hãng sữa khác cũng đồng loạt thông báo tới các đại lý sẽ chính thức tăng từ 6 – 18% trong thời gian tới.

Khảo sát tại phố Hàng Buồm, một số đại lý sữa cho biết, nếu theo thông báo của một số hãng sữa sẽ tăng vào tháng 3 tới, giá sữa Enfa grow 3A+ loại hộp 900g sẽ có giá 880.000 đồng thay vì mức 835.000 đồng trước đó. Enfamama A+ Vanila DHA sẽ tăng từ mức 205.000 đồng lên mức 225.000 đồng/hộp.

Giá sữa cứ tăng mãi

Chủ một đại lý sữa trên phố Bạch Mai cũng khẳng định, nhiều hãng sữa đã tăng giá, cụ thể sữa bột Lactogen Gold 3 loại 900g dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên đang từ 285.000 đồng, nay vọt lên 305.600 đồng/hộp. Lactogen loại hộp 400 g tăng từ 94.000 đồng lên 102.000 đồng. Như vậy, tính ra từ đầu năm Giáp Ngọ đến nay, sữa đã tăng giá 2 lần liên tiếp. Trước đó vào ngày 1/1/2014 giá nhiều dòng sản phẩm sữa bột nhập khẩu của hãng Mead Johnson và Abbott đã tăng  thêm 4-7%.

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm sữa ngoại nhập, đợt tăng giá sữa này đã lan rộng ra các mặt hàng sữa nội. Thị trường sữa mấy ngày gần đây lại tiếp tục bị chao đảo khi đại gia sữa nội Vinamilk vừa bồi thêm cú tăng giá 6%, khiến cả đại lý và người dân đều liêu xiêu.

Nhiều đại lý cũng cho biết, hiện nay, hãng sữa nào cũng tăng giá, cao thì 10%, nếu họ chỉ tăng 5 – 6% thì sẽ có đợt tăng tiếp lần 2 thậm chí đến lần 3, khi nào đủ 10 – 12% họ mới dừng. Giá sữa cứ nhảy múa thế này, riêng việc giải thích với những khách hàng quen đã đủ mệt.

Càng bình ổn, càng dễ tăng giá

Sữa là mặt hàng đã đưa vào diện bình ổn giá được 2 tháng nay, tuy nhiên nhiều người hoài nghi, sữa có thực sự được bình ổn khi mà giá cứ dồn dập tăng như hiện nay? Phản ứng tăng giá của các hãng sữa phải chăng cho thấy sự bất lực trong quản lý giá, hay việc tăng giá được chấp nhận là hợp lý?

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bất kì đợt tăng giá nào, nguyên nhân tăng giá mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa đưa ra là: giá nhập khẩu nguyên hộp tăng, giá vốn hàng bán thay đổi, chi phí bán hàng, chi phí quản lí doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí tiền  lương…tăng, vì thế nên DN đành phải tăng giá. Tuy nhiên, không có DN nào thừa nhận một trong những nguyên nhân lớn của việc tăng giá là do chi phí hoa hồng, quảng cáo cao.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc quản lí giá sữa, đưa sữa vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá được quy định tại Thông tư 30 của Bộ Y tế, tuy nhiên thông tư này chỉ yêu cầu các DN kê khai giá, nhưng lại chưa kiểm soát được giá sữa nhập khẩu hay giá thành sản phẩm sau sản xuất. Thêm vào đó, Luật Giá hiện đang cho phép DN cho phép các DN sữa được tăng giá từ 15 – 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu là 15 ngày. Như thế, nếu mỗi tháng DN tăng 2 lần thì cũng không sai luật.

Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, rõ ràng là bất cập, bởi vì Thông tư 30 chỉ là cơ sơ pháp lý để DN đăng ký giá chứ không phải là cơ chế để Nhà nước kiểm soát giá của DN. Rõ ràng đây chỉ là hình thức chứ không mang tính hiệu quả. Thậm chí, nhờ có Thông tư 30, được đưa vào mặt hàng bình ổn, giá sữa lại càng dễ tăng hơn, vì nó đã được hợp lý hóa bằng cách chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng là đã đủ trách nhiệm, sau đó tha hồ tăng giá với cái cớ đã đăng ký, đã được chấp nhận, mà không sợ bị ai “tuýt còi”.

Không phải chỉ trong lúc này việc quản lí giá sữa, thị trường sữa mới dậy sóng, trong vài năm gần đây người dân đã than vãn về việc giá sữa quá cao và cần điều chỉnh lại cách quản lí giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để quản lí được giá sữa theo đúng chuẩn là mặt hàng bình ổn giá, chúng ta cần có quy chuẩn về quản  lí.

Mai Hương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này