Nhân rộng việc thu phí không dừng: Phạt nghiêm kết hợp với khắc phục những hạn chế

22:22 | 22/01/2022
(LĐTĐ) Thời gian gần đây, hệ thống hạ tầng thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ toàn quốc đã dần hoàn thiện. Đáng chú ý, cùng với công tác tuyên truyền, thời gian sắp tới ô tô “đi lạc” vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) tại các trạm thu phí sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Viettel là nhà cung cấp đầu tiên ở Việt Nam làm chủ toàn bộ hệ thống thu phí không dừng Chuẩn bị kiểm tra dự án thu phí không dừng ETC trên toàn quốc Thu phí tự động không dừng: Gỡ “nút thắt” thói quen của người dân

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo đó, hình thức thu phí ETC là việc áp dụng công nghệ hiện đại, thu phí không dừng trên các trục đường quốc lộ. Hình thức thu phí này giúp tiết kiệm thời gian cho người tham gia giao thông, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, hình thức này cũng giúp tiết kiệm cho nhà đầu tư BOT trong chi phí in vé, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì khu vực trạm thu phí, đồng thời tránh được thất thoát.

Hiện nay, ở hầu hết các trạm thu phí đều bố trí làn đường riêng dành cho các phương tiện thanh toán không dừng, có biển chỉ dẫn và vạch kẻ riêng. Tuy vậy, nhiều tài xế dù chưa đăng ký và dán thẻ ETC nhưng vẫn cố tình hoặc thiếu quan sát nên đã đi vào làn đường này.

Nhân rộng việc thu phí không dừng: Phạt nghiêm kết hợp với khắc phục những hạn chế
Mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện lưu thông qua Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh: M.Phương)

Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình là ví dụ. Theo ghi nhận, tuyến luôn có lưu lượng phương tiện qua đông, trường hợp lái xe chưa đăng ký và dán thẻ ETC nhưng vẫn cố tình hoặc thiếu quan sát đi vào làn ETC sẽ gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người và phương tiện khác. Cụ thể, phương tiện đi nhầm làn sẽ phải lùi lại và di chuyển sang làn thu phí thủ công. Quá trình này ảnh hưởng đến nhiều phương tiện khác.

Bởi vậy, hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm. Cụ thể, căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng bao gồm 2 trường hợp: Xe không gắn thẻ đầu cuối; hoặc xe gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn ETC.

Nếu thuộc một trong 2 trường hợp trên mà vẫn cố tình đi vào làn thu phí không dừng ETC tại các trạm thu phí, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng. Ngoài ra người thực hiện hành vi này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Đáng chú ý, Nghị định 123 cũng quy định xử phạt đối với hành vi trốn tránh, không trả tiền qua trạm thu phí. Cụ thể, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi lưu thông qua các trạm thu phí.

Sớm khắc phục bất cập

Trước những ưu điểm của hình thức thu phí ETC, tại Quyết định 2269/QĐ-BGTVT năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu cao mục tiêu cơ bản đến 2025 sẽ triển khai thu phí ETC tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.

Về phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua đánh giá, đến hết năm 2021, có hơn 2,3 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng, chiếm hơn 51% số lượng phương tiện. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%. Lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí đạt được khoảng 40-70% lưu lượng xe qua trạm thu phí.

Để tiếp tục triển khai, hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đôn đốc các nhà đầu tư BOT các dự án do Bộ Giao thông vận tải và địa phương để chỉ đạo các nhà đầu tư BOT lắp đặt các làn ETC còn lại trong quý 1/2022.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị các địa phương tổ chức vận hành trạm thu phí theo đúng yêu cầu của Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ là mỗi trạm chỉ duy trì tối đa 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông, đồng thời tuyên truyền, yêu cầu chủ phương tiện trên địa bàn phải dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng, bảo đảm đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ để sử dụng dịch vụ ETC.

Nhân rộng việc thu phí không dừng: Phạt nghiêm kết hợp với khắc phục những hạn chế
Các phương tiện nối đuôi nhau qua trạm thu phí. (Ảnh: M.Phương)

Ở góc độ người sử dụng dịch vụ, anh Đinh Hữu Hải (quận Hoàng Mai) chia sẻ, bản thân hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí. Theo anh Hải, đây là phương án hợp lý, dần hiện đại hóa thủ tục và tránh việc tiếp xúc giữa nhân viên thu phí với lái xe, nhất là trong thời điểm dịch bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc nhiều. Anh Hải cũng kiến nghị cần phạt nặng với những xe không dán tem ETC nhưng lại đi vào làn ETC.

Tương tự, anh P.V.L., một tài xế cho biết bản thân cũng rất ủng hộ việc thu phí không dừng. Tuy nhiên, theo anh L., để không gây ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ, các đơn vị quản lý phải đảm bảo máy móc nhận diện chip và biển số chuẩn để phục vụ thu phí. “Xe tôi biển 30G mà toàn bị đọc thành 30C. Dán chip từ lúc mới mua xe mà 10 lần đi qua thì máy móc chỉ nhận đúng 1 lần, mà lại nhận ở đầu vào xong đầu ra không nhận” - anh L. chia sẻ.

Để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC, ở góc độ chuyên gia, GS.TS Từ Sỹ Sùa - giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC, trước hết các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh dịch vụ của mình bảo đảm thuận tiện, lợi ích cho người sử dụng; khẩn trương khắc phục triệt để những bất cập trong vận hành hệ thống.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Theo đó, dự kiến từ ngày 5/5/2022 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chỉ thu phí tự động không dừng và từ chối xe ô tô không dán thẻ ETC qua trạm thu phí. Cùng với đó, Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tuyên truyền cho chủ phương tiện; phối hợp với các cơ quan chức năng phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thí điểm để không ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại của người dân.

Đ.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này