Chuyện của những người “đếm gió đo mưa”

11:26 | 31/01/2022
(LĐTĐ) Giữa cái im ắng của đất trời bao trùm bởi sương mù dày đặc, không có một tiếng động nào ngoài tiếng chim hót líu lo, chỉ có tiếng bước chân của những quan trắc viên Trạm khí tượng Sa Pa vang lên rõ mồn một. Họ chính là những người ngày đêm chống chọi với gió rét để gắn bó với nghề “đếm gió, đo mưa” suốt 365 ngày mỗi năm, giúp chúng ta biết thời tiết nắng hay mưa, lạnh hay nóng.
Tết của những người “bắt mạch” trời Nâng cao năng lực mạng lưới trạm khí tượng phục vụ chất lượng dự báo

Lặng lẽ giữa núi rừng

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp lên Trạm khí tượng Sa Pa (thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai). 5h sáng, chúng tôi bắt xe ôm xuất phát từ thành phố Lào Cai lên Trạm. Theo dự báo thời tiết ngày hôm đó, nhiệt độ Sa Pa ở mức dưới 10 độ, sương lạnh của vùng đất có độ cao trung bình khoảng 1.500-1.600m so với mặt nước biển thấm vào từng lớp áo, từng cơn gió lạnh tê tái như cứa vào da thịt, mang đến một cảm giác buổi sớm vùng cao thật đặc biệt. Đường lên Trạm khá dốc, vòng vèo và trơn trượt, cái lạnh khiến đường lên không hề dễ dàng.

“Đến nơi rồi cháu”, bác xe ôm chỉ tay về hướng ngọn đồi ẩn nấp trong màn sương dày đặc. Sau hơn một giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi đã thấy thấp thoáng trong mây, ngôi nhà dinh Thống sứ Bắc Kỳ xưa, được xây bằng đá từ thời Pháp, giờ là Trạm khí tượng Sa Pa. Đón chúng tôi là chị Phạm Thị Vân Anh, Trạm Trưởng Trạm khí tượng Sa Pa.

Chuyện của những người “đếm gió đo mưa”
Quan trắc viên đang thực hiện nhiệm vụ.

Như các quan trắc viên khác mà tôi từng gặp, chị Vân Anh điềm đạm, ít nói, với nụ cười duyên dáng, có lẽ đó là đặc thù nghề nghiệp đã tạo cho họ tính cách như vậy. Chị Vân Anh dẫn tôi đi tham quan một vòng, Trạm khí tượng nằm trên lưng chừng đồi.

Khoảng đất rất rộng, nhiều cây cối càng làm cho không gian ở đây thêm phần tĩnh lặng. “Không gian tĩnh lặng như này liệu có lúc nào sôi động không chị?”, tôi hỏi. “Có chứ. Lúc mưa gào, gió thét, lúc chim muông gọi bầy, tiếng dế kêu khi đêm xuống. Nhiều lúc thèm nghe tiếng còi xe máy, tiếng cười đùa, huyên náo của phố phường… mà ở đây không bao giờ có”, Trạm trưởng trạm khí tượng Sa Pa, chia sẻ.

13h, chị Vân Anh dẫn chúng tôi lên vườn quan trắc để tận mắt chứng kiến một “ốp” làm việc. Vừa lúi húi kiểm tra dụng cụ đo đạc, chị Vân Anh vừa nói, trình tự quan trắc thường gồm các công đoạn trước giờ tròn từ 11 đến 15 phút, đúng giờ tròn và sau quan trắc, với những việc như quan trắc gió, xác định trạng thái mặt đất, nhiệt độ mặt đất, xác định mây, đọc nhiệt kế khô, xác định thời tiết hiện tại, thời tiết đã qua, quan trắc khí áp…

Tất cả đều được tiến hành rất nhanh để hoàn chỉnh số liệu, thảo mã điện để kịp chuyển số liệu không chậm quá 5 phút sau giờ tròn cho Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai, rồi đến Đài Khí tượng thủy văn Việt Bắc và chuyển tiếp về trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, để các chuyên gia phân tích thành bản tin dự báo thời tiết hàng ngày…

Chỉ tay về chiếc xe máy đã cũ, chị Vân Anh tâm sự, chiếc xe ấy đã cùng chị gắn bó trên đoạn đường từ nhà lên trạm gần 40km. Đoạn đường ấy thân thuộc đến nỗi chị có thể nhớ được có bao nhiêu khúc cua, bao nhiêu ổ gà. Còn nhớ, ngày mới về Trạm nhận công tác, có lần đi xe lên dốc không quen, cộng với việc cóng tay vì lạnh, chị đã ngã nằm ngay giữa dốc.

“Nói thế thôi, làm mãi cũng quen, công việc dù thầm lặng, nhưng chẳng ai không gắn bó với nghề. Đến phiên trực, không ai quên nhiệm vụ. Dù công việc đặc thù, dù cuộc sống gia đình của một số chị em còn khó khăn, song nhiều năm qua, cán bộ của Trạm đều hoàn thành tốt công việc được Đài Việt Bắc và Trạm giao”, chị Vân Anh tâm sự.

Tết ở ngôi nhà thứ hai

Tết là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, người thân, nhưng với những người “đếm gió, đo mưa” ở trạm khí tượng thì ngày Tết không khác ngày thường. Độ khắt khe của công việc không cho phép các quan trắc viên bỏ sót bất cứ khung giờ nào thuộc bất cứ ngày nào nên mỗi cán bộ ở Trạm đều đã coi đây là ngôi nhà thứ 2.

Chuyện của những người “đếm gió đo mưa”
Quan trắc viên đo đạc nhiệt độ mặt đất.

Chị Vân Anh cho biết, vào dịp Tết, chị cố gắng chuẩn bị mua sắm cho gia đình sớm hơn, chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa thật sớm rồi chị lên Trạm, lặng lẽ làm công việc của mình và đón thời khắc chuyển giao năm mới tại nơi làm việc.

“Còn nhớ trước đây hơn 1 năm, khi nhận được tin mình phải lên trạm Sa Pa nhận nhiệm vụ, năm đón Tết trên Trạm lần đầu tiên với thật nhiều cảm xúc. Giao thừa không được quây quần bên người thân, không được nhận lì xì mừng tuổi và lời chúc từ những người thân trong gia đình, không được nghe tiếng chuông nhà thờ ngoài thị trấn vang vọng khiến mình cảm thấy chạnh lòng, nhớ nhà”, chị Vân Anh chia sẻ.

Trạm khí tượng Sa Pa có 4 cán bộ luân phiên thay ca làm việc. Những quan trắc viên tại Trạm kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề và cả những kỷ niệm, biến cố không thể nào quên trong cuộc đời.

Anh Hoàng Duy Hậu, là người có hơn 6 năm gắn bó với nơi này. Anh Hậu kể, công việc tại Trạm cứ lặp đi lặp lại như máy, trực, thức, ghi chép, phát báo. Mọi việc cứ âm thầm, lặng lẽ, lặp đi lặp lại như chiếc đồng hồ quay qua từng ngày tháng, đôi lúc các chị em trong Trạm còn đùa với nhau rằng mình giống như người… tự kỷ. Một năm đủ 365 ngày.

Hỏi anh Hậu khi nào lập gia đình, anh cười ngại ngùng: “Ở nơi heo hút này, Tết lại cặm cụi với mấy chiếc máy đo đạc, chuyện gia đình, tôi chưa nghĩ tới. Khi nào có duyên sẽ gặp bạn tri kỷ, không thì cứ sống trọn với nghề”.

Trời đã về chiều, tạm biệt những quan trắc viên Trạm khí tượng Sa Pa, chúng tôi lại lên xe trở về Thủ đô với phố phường náo nhiệt, lung linh ánh đèn. Mưa phùn lất phất, hai bên đường, những cây đào cổ thụ đang khoác lên mình những bộ “cánh mới”. Hình ảnh những đồng bào người H’Mông địu cành đào xuống thị trấn Sa Pa như báo hiệu một mùa Xuân mới đang về với tràn trề ước vọng.

Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này