Hà Nam tăng cường liên kết tạo động lực phát triển

08:32 | 02/02/2022
(LĐTĐ) Là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh Hà Nam, có vị trí quan trọng trong phát triển Vùng Thủ đô. Nhân dịp năm mới 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng đã dành cho báo Lao động Thủ đô cuộc phỏng vấn về những chủ trương, kế hoạch, giải pháp của tỉnh nhằm góp phần phát triển Vùng Thủ đô. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tặng quà Tết cho công nhân lao động tỉnh Hà Nam 150 y, bác sĩ tỉnh Hà Nam "chia lửa" cùng huyện Ứng Hòa

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội và những lợi thế tiềm năng của mình, tỉnh Hà Nam có chủ trương, kế hoạch như thế nào để góp phần thực hiện quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội?

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Tỉnh Hà Nam có diện tích 900km2, dân số hơn 86 vạn người. Được xác định là một tỉnh thuộc Vùng Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, vì vậy, trong xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Nam luôn tuân thủ chặt chẽ định hướng phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các quy hoạch Vùng.

Hà Nam tăng cường liên kết  tạo động lực phát triển
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam.

Để thực hiện quy hoạch Vùng Thủ đô, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã đưa ra nhiều chủ trương, kế hoạch triển khai. Cụ thể, tỉnh đang xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, xác định quan điểm phát triển của tỉnh là Quy hoạch tỉnh phải phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Đồng thời xác định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh dựa vào khai thác các vị thế về vị trí địa lý của tỉnh liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội để Hà Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện. Trong đó, tập trung phát triển 4 động lực tăng trưởng quan trọng: Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; đô thị; dịch vụ (du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế) và nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

Mục tiêu chung đặt ra là đến năm 2025 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ; đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 10,7%; duy trì khoảng 12%/năm giai đoạn 2026-2030…

Thời gian tới, để vượt lên khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam xác định phải tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo; triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực để vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Phóng viên: Trong Quyết định số 768/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ định hướng phát triển không gian Vùng, trong đó xác định tỉnh Hà Nam phát triển về y tế và giáo dục đào tạo, du lịch quốc gia, dịch vụ trung chuyển hàng hóa; phát triển thành phố Phủ Lý trở thành Trung tâm cấp Vùng về y tế và giáo dục đào tạo phía Nam của Vùng Thủ đô Hà Nội. Xin đồng chí cho biết, tỉnh Hà Nam có những giải pháp gì để thực hiện Quyết định số 768/QĐ-TTg? Đồng thời, tỉnh có kiến nghị gì để góp phần thực hiện thành công Vùng Thủ đô Hà Nội đúng kế hoạch?

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng: Để thực hiện Quyết định số 768/QĐ-TTg, góp phần xây dựng thành công Vùng Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Nam đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường liên kết Vùng, coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững.

Hà Nam tăng cường liên kết  tạo động lực phát triển
Một góc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Thứ hai, phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển khu công nghệ cao, các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại; củng cố, tăng cường mạng lưới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối Hà Nam với các tỉnh trong Vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng; khai thác hiệu quả năng lực cụm cảng Yên Lệnh; thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa tỉnh Hà Nam với các địa phương trong Vùng, đặc biệt là thành phố Hà Nội.

Thứ ba, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bảo đảm môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất công nghiệp nội Vùng và liên Vùng; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phối hợp, tạo điều kiện để các bệnh viện Trung ương, các cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, các trường đại học, trường đào tạo nghề có thương hiệu triển khai đầu tư, đi vào hoạt động; huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, đặc biệt là Khu Đại học Nam Cao, Khu du lịch Tam Chúc, Khu trung tâm Y tế chất lượng cao...; từng bước đưa Hà Nam trở thành trung tâm cấp vùng về đào tạo nguồn nhân lực và du lịch.

Thứ tư, tập trung phát triển đô thị, tạo động lực cho Vùng, góp phần thu hút, tăng dân số cơ học của tỉnh; trong đó, phấn đấu xây dựng huyện Kim Bảng là đô thị loại IV và thành lập thị xã Kim Bảng trước năm 2025; thành phố Phủ Lý là đô thị loại I, thị xã Duy Tiên đạt tiêu chí đô thị loại III trước năm 2030.

Thứ năm, xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp chế biến; phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trong xây dựng và triển khai các phương án kiểm soát ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy…

Để giúp tỉnh triển khai có hiệu quả các giải pháp trên, chúng tôi mong muốn được Trung ương quan tâm bố trí nguồn lực để sớm hoàn thành một số tuyến đường giao thông liên kết Vùng theo quy hoạch; quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và công nghệ tiên tiến vào đầu tư tại tỉnh; chỉ đạo các địa phương liên quan thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Dịch bệnh Covid-19 đang đặt ra rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam sẽ cố gắng, nỗ lực để cùng với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô cùng nhau xây dựng nên một Vùng Thủ đô phát triển bền vững, tạo động lực, tác động lan tỏa liên Vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !

HẢI LÝ (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này