Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

19:20 | 02/02/2022
(LĐTĐ) Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ… là những quyết sách, định hướng lớn thành phố Hà Nội sẽ tập trung thực hiện hoặc trình cấp có thẩm quyền trong năm 2022 nhằm phát triển bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị Một Hà Nội phát triển, một Thủ đô nghĩa tình Hà Nội: Phát triển thị trường lao động theo hướng bền vững

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

Việc điều chỉnh quy hoạch chung là cần thiết do 10 năm qua, một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Ngoài ra, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng đã có sự điều chỉnh, ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển thủ đô.

Để điều chỉnh quy hoạch chung, Hà Nội sẽ tập trung rà soát tình hình lập, triển khai các quy hoạch liên quan, các dự án đầu tư và đánh hiện trạng dân số cũng như khả năng phát triển; các tác động, hiệu quả của việc thực hiện quy hoạch được duyệt trước đây. Hà Nội cũng sẽ rà soát các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và toàn thành phố; đánh giá các tồn tại, bất cập và nguyên nhân; phân tích những yếu tố mới trong quá trình triển khai quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu xây dựng phát triển thủ đô sắp tới.

Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo sự liên kết Vùng để phát triển kinh tế.

Lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua cuối năm 2012, với mong muốn là một đạo luật quan trọng có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành không cao, khó đi vào cuộc sống.

Đạo luật này được cho còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung, chưa đưa ra những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (như ùn tắc giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học ra khỏi khu trung tâm), hoặc những vấn đề mới phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển thủ đô. Luật cũng chưa có những quy định mang tính đặc thù, vượt trội đúng với vị trí, vai trò của thủ đô...

Từ kết quả tổng kết, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Dự án này được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết 10 năm trước, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng chưa triển khai. Ngày 20/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 có chiều dài 111,2 km, điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Hà Nội đã chủ động phối hợp với bốn tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để thống nhất báo cáo Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư, hình thức đầu tư cũng như một số cơ chế, chính sách liên quan đến tuyến đường Vành đai 4. Đến nay, các địa phương đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đang được Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước xem xét làm cơ sở trình Quốc hội.

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Hà Nội có gần 1.600 chung cư cũ, nhiều nhất cả nước, xây dựng những năm 1960-1999. Đến nay chỉ 19 nhà được cải tạo xây mới (đạt 1,2%). Nguyên nhân là nhà cũ khó giải tỏa, nhà xây mới bị khống chế độ cao, mật độ xây dựng, người dân ở tầng một thiếu hợp tác... Để giải “bài toán” này, tháng 12/2021, Hà Nội đã ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ” với kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển lớn.

Theo đó, trong năm nay Hà Nội sẽ tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy gom tái định cư chung cư cũ và xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ. Dự kiến, việc triển khai cải tạo chung cư cũ chia thành bốn đợt. Đợt một (2021 - 2025) lựa chọn cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ gồm: 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, khu nhà chung cư Bộ Tư pháp, phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình).

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng rà soát bổ sung các khu, nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (có phát sinh trong quá trình kiểm định) trên địa bàn; xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV/2022, Thành phố có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, chuẩn bị đầu tư trong quý I/2023 và khởi công trong quý II/2023. Với các chung cư cũ còn lại (đợt 2, đợt 3, đợt 4), Hà Nội triển khai song song theo kế hoạch trong những năm tiếp theo; khu, nhóm, nhà chung cư nào hoàn thành kiểm định, quy hoạch và đủ điều kiện triển khai thì ưu tiên thực hiện trước.

Quản lý và phát triển đô thị bài bản, hiệu quả

Để quản lý và phát triển đô thị bài bản, hiệu quả, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt một loạt đồ án quy hoạch. Trong đó đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên, Xuân Mai;... phấn đấu hoàn thành trong quý II/2022; Hoàn thành xây dựng Chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2040; Triển khai đầu tư xây dựng một số khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.

Tăng cường quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý trật tự xây dựng; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải, logistics; Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tăng cường quản lý trật tự giao thông, giảm ùng tắc giao thông. Đặc biệt, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng, Hà Nội sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

HOÀNG MY

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này