Tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin pháp luật

11:00 | 21/01/2022
(LĐTĐ) Năm 2021, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, kết quả công tác Tư pháp đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền Thành phố, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Trong đó, việc thực hiện các quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt kết quả tốt.
Hướng dẫn, hỗ trợ để các xã, phường, thị trấn xây dựng đơn vị đạt chuẩn tiếp cận pháp luật Hà Nội: 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

558/579 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn

Để được công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các đơn vị được đánh giá trên 5 tiêu chí, gồm: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các quận, huyện, thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác này. Căn cứ vào các tiêu chí đánh giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện của cấp trên, các đơn vị đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch xây dựng, đánh giá gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin pháp luật
Ủy ban nhân dân phường Văn Miếu tổ chức đối thoại về giải quyết thủ tục hành chính với người dân.

Theo báo cáo của 30/30 quận, huyện, thị xã, có 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020, đạt tỷ lệ 96,37% (cao hơn năm 2019: có 546/584 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 93,5 %).

Trong đó, nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100% như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Trì, Thanh Xuân, Sơn Tây, Thường Tín.

Bên cạnh đó, một số quận, huyện có số xã, phường được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn thấp. Các xã, phường, thị trấn không đạt phần lớn do có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra, một số ít do không đạt điểm số theo quy định.

Chú trọng công khai

Tại quận Nam Từ Liêm, ngay từ đầu năm, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận ban hành kế hoạch, đôn đốc 10 phường xây dựng kế hoạch thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật và triển khai thực hiện. Trên cơ sở đánh giá khách quan, minh bạch, Ủy ban nhân dân quận đã công nhận 10/10 phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020.

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin pháp luật
Quận Ba Đình tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2021.

Kết quả đánh giá tiếp cận pháp luật năm 2020, quận Ba Đình có 14/14 phường đạt chuẩn. Bà Lê Thị Thu Hà - Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình, cho hay, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành phố và hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật quận Ba Đình, đã chủ động ban hành các công văn hướng dẫn thực hiện rà soát, thống kê các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật. Phòng Tư pháp quận cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các phòng, ngành, các đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, Ủy ban nhân dân các phường trên địa bàn đã chủ động xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân. Đồng thời, phân công cán bộ tham mưu thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật cho người dân.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn, đến nay sau 5 năm triển khai đánh giá, 14/14 phường trên địa bàn quận Ba Đình đều đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đặc biệt, nhận thức về nhiệm vụ xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức ở các phường ngày càng được nâng lên.

Trong thực hiện quy chế dân chủ, mọi công việc, chủ trương của các phường đều được công khai để người dân theo dõi, nắm bắt và giám sát việc thực hiện. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, phát huy được vai trò của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Các phường cũng quan tâm đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính. Đến nay, hầu hết thủ tục, hồ sơ của người dân được giải quyết trước và đúng thời gian quy định, không có hồ sơ tồn đọng...

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin pháp luật
Niêm yết đầy đủ, công khai thông tin để người dân tiếp cận dễ dàng.

Tuyên truyền cần đơn giản, dễ hiểu

Là một người dân, bà Nguyễn Hồng Phương (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: ”Với các thông tin về pháp luật, tôi mong muốn được tuyên truyền, phổ biến thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, niêm yết thông tin ở những nơi dễ tiếp cận. Nếu có thể, tôi nghĩ chính quyền nên niêm yết các thủ tục hành chính thông thường như khai sinh, khai tử, kết hôn... ngay tại các ”Cầu thang pháp luật” ở các khu chung cư, nhà văn hóa của Tổ dân phố, hoặc in thành các tờ rơi, tờ gấp, phát cho từng hộ gia đình thì sẽ thuận tiện hơn cho người dân chúng tôi”...

Mới đây, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm đánh giá quá trình thực hiện quy định về xã phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nói về vấn đề tiếp cận thông tin của người dân, bà Nguyễn Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, các xã, phường phải ban hành quy chế cung cấp thông tin nội bộ, trong đó quy định rõ đầu mối và trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức xã, phường hiểu rõ loại thông tin nào phải cung cấp, phải công khai, bằng hình thức nào, thời hạn cung cấp… Đồng thời, cần tăng cường cung cấp thông tin qua mạng và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này