Mong xuân mới bình yên

13:31 | 30/01/2022
(LĐTĐ) Những ngày cuối năm, nhiều lao động tự do phải dốc sức làm việc để trang trải cuộc sống. Dù rất vất vả, nhưng họ vẫn gắng sức làm việc, chỉ mong các con và cha mẹ có cuộc sống tốt hơn, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Gần 173 ngàn lao động tự do được hỗ trợ an sinh Thanh Hóa: Lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ

Thấp thỏm “ngóng” Tết về

Mỗi năm Tết đến, trong lòng mỗi người lại thấy hân hoan, rạo rực. Dù khi lớn lên, Tết đi cùng bao nỗi lo toan và những gánh nặng trên vai, nhưng khi năm mới cận kề, ai cũng tạm gác lại tất cả bộn bề cuộc sống để tận hưởng không khí mùa xuân yên bình, ấm áp. Trong năm qua, cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đều cố gắng nén lòng, cùng nhau vượt qua dịch bệnh với bao nhiêu mất mát, bao nhiêu hy sinh. Từ “sum vầy” chưa bao giờ ý nghĩa hơn lúc này.

Mong xuân mới bình yên
Người lao động tự do trông đào, quất những ngày cận Tết. Ảnh: Phương Ngân

Suốt hai tháng cuối năm, anh Nguyễn Văn Ngọc (quê ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã phải vắt sức để làm việc. Là lao động tự do làm nghề thợ xây trên địa bàn Hà Nội, mỗi ngày, anh Ngọc đều đi từ sáng sớm đến tận khuya mới về phòng trọ kể cả thứ bảy, chủ nhật. Trước đó, trải qua hơn 2 tháng nghỉ việc không lương do các công trình xây dựng ngừng hoạt động để phòng chống dịch, kinh tế gia đình anh Ngọc đã kiệt quệ bởi anh là lao động chính trong nhà. Do vậy, dù rất vất vả nhưng anh vẫn gắng sức làm việc chỉ mong các con và cha mẹ có cuộc sống tốt hơn.

Mặc dù, quê nhà chỉ cách Hà Nội khoảng 100km nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên suốt nửa năm anh Ngọc chưa về thăm nhà. Anh chia sẻ, năm 2021 là một năm thực sự vất vả của anh cũng như nhiều lao động tự do khác. Khi dịch bùng phát, anh mắc kẹt tại Thủ đô suốt 2 tháng, số tiền dành dụm suốt từ đầu năm cũng đành phải tiêu hết.

Dạo quanh Thủ đô, chứng kiến cảnh những người làm thuê các ngày giáp Tết này mới thấu hiểu phần nào sự vất vả, lo toan cho cái Tết của họ. Tết Nguyên đán đang đến gần, những người làm thuê tìm Tết nơi đô thị cũng đang chạy đua cùng thời gian với mong ước giản dị, làm sao dịch Covid-19 ổn định, ngày Tất niên có mâm cỗ để thờ cúng tổ tiên và có được những chiếc bánh chưng, quần áo mới cho con ngày Tết.

Vì vậy, ngay sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách, thích ứng an toàn với dịch Covid-19, anh Ngọc lao ngay vào công việc bất kể ngày đêm. May mắn là dịp cuối năm nhiều việc nên thu nhập của anh cũng tạm ổn. “Sau những tháng ngày quằn quại trong dịch bệnh, chứng kiến sự mong manh của cuộc sống, tôi càng thấy cần hơn sự gắn kết của gia đình và hiểu hơn ý nghĩa của từ sum họp”, anh Ngọc bày tỏ.

Còn chị Nguyễn Thị Lan (45 tuổi) từ Hưng Yên lên Hà Nội làm nghề bốc vác ở chợ Long Biên đã gần chục năm nay. Chị Lan cho biết, năm nay, dịch bệnh liên miên, cánh bốc vác như chị cũng ít việc hơn. Hai năm trở lại đây, sức khỏe thuyên giảm, dịch bệnh ảnh hưởng nên mọi chi tiêu chị phải “thắt lưng buộc bụng” vì ở quê còn hai con đang đi học, chồng thì bị tai biến, nằm liệt giường nhiều năm, chi phí rất tốn kém. Chị Lan tâm tình: “Chỉ mong những ngày cuối năm, hôm nào cũng được thuê kéo hàng để có chút vốn lo cho con ăn học và hơn hết Tết năm nay được đủ đầy hơn”.

Không chỉ riêng chị Lan mà đa phần lao động bốc vác tại chợ đầu mối Long Biên đều là người dân nghèo ở các tỉnh ven Thành phố. Cuộc sống quê nhà quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không đủ ăn nên phải khăn gói tha hương đến vùng đất đô thị để mưu sinh bằng nghề cửu vạn. Họ thường là phụ nữ độ tuổi trung niên, bề ngoài có vẻ yếu ớt nhưng có thể kéo cả tải hàng xuyên đêm. Giữa biển người mênh mông, ai cũng mong được “bán sức” để có chút tiền lo cho gia đình, nhất là vào mỗi dịp cuối năm.

Mong Tết bình an và sum họp

Dạo quanh Thủ đô, chứng kiến cảnh những người làm thuê ngày giáp Tết mới thấu hiểu phần nào sự vất vả, lo toan. Từ sáng sớm, những lao động tự do đổ về ngồi đợi ở các vỉa hè, góc phố hoặc ngã ba, ngã tư với hy vọng có người thuê làm việc, kiếm ít tiền mua bánh kẹo và mua quần áo mới cho con ngày Tết. Năm nay, dịch Covid-19 làm suy giảm kinh tế, giá cả thị trường tăng cao nên việc người dân Thành phố bỏ tiền ra thuê người dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa hay giúp việc những ngày cuối năm cũng không còn nhiều như trước.

Mong xuân mới bình yên
Chị Lê Thị Tuyết (quê Thanh Hóa) chuyển sang bán hoa, cây cảnh những ngày cận Tết. Ảnh: K.T

Mặc dù khó khăn nhưng chị Lê Thị Tuyết (Thanh Hóa) cũng như nhiều người lao động khác vẫn phải bám trụ lại Thủ đô. Khi được hỏi về mong ước trong dịp Tết đến, xuân về, chị Tuyết không giấu nổi xúc động: “Tết đến, tôi chỉ mong được cùng chồng và các con về quê sum họp cùng ông bà, người thân trong gia đình. Cứ nghĩ đến cảnh mọi người được quây quần bên nhau, cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, cùng nhau đón giao thừa và trao nhau những lời chúc mừng năm mới tôi lại thấy nôn nao”.

Càng đến những ngày cuối năm, những lao động tự do như anh Ngọc, chị Lan hay chị Tuyết chỉ mong muốn tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát. Theo chị Tuyết, dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng khi không đi làm chị cũng chỉ ở nhà trọ, ít ra ngoài để tránh tiếp xúc, bảo đảm an toàn cho bản thân, duy trì công việc để có thu nhập. “Mấy ngày nay, Thanh Hoá quê tôi tình hình dịch bệnh rất phức tạp. Vợ chồng tôi ở xa, lo nhất là các con, bố mẹ ở quê, chỉ mong dịch bệnh được kiểm soát để vợ chồng tôi về quê an toàn. Đặc biệt, tôi mong mỏi một năm mới không còn những tổn thất do đại dịch gây ra, đất nước dần dần gượng dậy và vươn lên mạnh mẽ, người người có thêm niềm tin vào cuộc sống, biết sẻ chia, yêu thương nhiều hơn”, chị Tuyết bày tỏ.

Dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, Tết cổ truyền năm nay chắc chắn không thể giống Tết xưa. Thế nhưng, người lao động nào cũng mong muốn rằng, trong mỗi ngôi nhà vẫn sẽ nhiều bánh mứt và hoa. Vẫn sẽ thơm mùi Tết mới và dưới lớp khẩu trang kia vẫn đầy ắp những nụ cười của ngày Tết đoàn viên.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này