Cơ hội tái cấu trúc kinh tế toàn cầu

10:30 | 02/02/2022
(LĐTĐ) Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu bị tổn thất nặng nề suốt gần 2 năm qua và dự báo dư chấn sẽ còn kéo dài ít nhất vài ba năm, thậm chí lâu hơn thế. Song chính đại dịch cũng giúp các nhà hoạch định chính sách của mỗi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu tái cơ cấu lại nền kinh tế để thích ứng với mọi tình huống.
Kinh tế toàn cầu đang bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái rõ rệt Kinh tế toàn cầu sẽ hồi sinh bất chấp khủng hoảng Covid-19 Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 4.500 tỷ USD nếu không giúp các nước nghèo chống Covid

Cơ cấu lại các chuỗi cung ứng và lao động

Thế giới đang đối diện cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái giữa những năm 1930 và không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây. Dịch bệnh khiến nền kinh tế toàn cầu bị giảm cả tổng cầu và tổng cung xã hội, làm chậm nhịp độ tăng trưởng, làm gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu lâu hơn dự kiến; cũng như làm tăng khó khăn cho các Chính phủ trước áp lực lạm phát, nợ xấu, nợ công và đảm bảo an sinh xã hội ở hầu hết các quốc gia, cả nước phát triển, cũng như kém phát triển nhất thế giới.

Cơ hội tái cấu trúc kinh tế toàn cầu
Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2020-2022, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với mức mất thu nhập lũy kế khoảng 13 nghìn tỷ USD. Nếu nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng như vào đầu những năm 2000 (khoảng 3,5% mỗi năm) thì phải đến năm 2030 mới có thể lấy lại mức trước đại dịch. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, GDP toàn cầu tăng trưởng âm 4,2-4,4% và năm 2021 dự báo tăng trưởng khoảng 5,9% và năm 2022 là 4,9%....

Tuy nhiên, xét góc độ tích cực, đại dịch sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thế giới theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong mỗi nước; tái định hình và dịch chuyển một số chuỗi sản xuất quốc tế trở lại chính quốc hoặc rời khỏi những vùng bị dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến.

Về lĩnh vực lao động, dịch bệnh và quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng đe dọa và làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, giảm việc làm, giảm thu nhập, tăng thất nghiệp, bất bình đẳng và nghèo đói trên toàn cầu nói chung và khu vực các nước đang phát triển nói riêng. Ước tính của ILO cho thấy tỷ lệ việc làm trên dân số toàn cầu giảm từ 57,6% năm 2019 xuống 54,9% năm 2020; giờ làm việc ở các nước đều suy giảm trong năm 2020-2021 và quá trình phục hồi không chắc chắn, không đồng đều giữa các ngành và nền kinh tế là một vấn đề đáng lo ngại cho các nhóm lao động thế giới.

Vì vậy, nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các giới, nhóm tuổi và các thành phần trong xã hội (nhất là đối với nhóm lao động có kỹ năng thấp và thanh niên) là kịch bản chung của kinh tế thế giới tới đây. Riêng năm 2021, thế giới đã có thêm khoảng 65-75 triệu người thất nghiệp và rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực. Do đó, đây cũng chính là cơ hội tái cơ cấu lại thị trường lao động toàn cầu.

Thúc đẩy kinh tế số, doanh nghiệp số, Chính phủ số và xã hội số

Trên bình diện số hóa, cả nhân loại đang bước vào kỷ nguyên công nghệ thông tin và tiến tới số hóa mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, đại dịch Covid-19 sẽ càng góp phần thúc đẩy nhanh quá trình này. Đơn cử, trong đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến lưu lượng truy cập Internet. Cụ thể, băng thông Internet toàn cầu đã tăng 35% vào năm 2020, mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ năm 2013.

Người ta ước tính rằng khoảng 80% lưu lượng truy cập Internet liên quan đến video, mạng xã hội và chơi game. Lưu lượng dữ liệu toàn cầu hàng tháng dự kiến sẽ tăng từ 230 exabyte vào năm 2020 lên 780 exabyte vào năm 2026. Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế số, thể hiện qua lượng dữ liệu cực lớn được luân chuyển trên hệ thống Internet. Một dự báo cho rằng lưu lượng truy cập Giao thức Internet (IP) toàn cầu vào năm 2022 - trong nước và quốc tế - sẽ vượt tất cả lưu lượng Internet năm 2016.

Đại dịch khiến mỗi quốc gia, cộng đồng và cá nhân đều có trải nghiệm sâu sắc và tăng cảm thông nhau hơn khi hiểu rằng, không một ai, không một quốc gia nào được an toàn, khi cộng đồng và các nước khác chưa an toàn. Dịch bệnh tạo áp lực và động lực thúc đẩy các nỗ lực xây dựng, củng cố vững chắc, phối hợp thường xuyên hơn các thể chế và các nguồn lực quốc gia và quốc tế, để tăng năng lực chống chịu, dự báo, phòng chống dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu kịp thời và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Quy mô của thị trường IoT toàn cầu là 308,97 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường dự kiến sẽ tăng từ 381,30 tỷ USD vào năm 2021 và lên 1,85 nghìn tỷ USD vào năm 2028, và tăng trưởng hàng năm sẽ là 25,4% trong giai đoạn 2021-2028. Chi tiêu trên toàn thế giới cho IoT đã bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, mặc dù dự kiến sẽ quay trở lại mức tăng trưởng hai con số trong trung và dài hạn, đạt mức hàng năm tốc độ tăng trưởng 11,3%.

Trung Quốc, Mỹ và Tây Âu sẽ chiếm khoảng 3/4 tổng chi tiêu cho IoT. Mặc dù ban đầu ba khu vực sẽ có tổng chi tiêu tương tự nhau, nhưng chi tiêu của Trung Quốc sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn hai khu vực còn lại - tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13,4%, so với 9,0% và 11,4% - khiến nước này trở thành quốc gia dẫn đầu về đầu tư IoT. Tăng trưởng chi tiêu IoT hàng năm nhanh nhất sẽ là ở Trung Đông và Bắc Phi (19,0%), Trung và Đông Âu (17,6%) và Mỹ Latinh (15,8%).

Đông Nam Á là một trong những thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới, do dân số trẻ, tốc độ sử dụng điện thoại thông minh và tốc độ đô thị hóa nhanh, cũng như tầng lớp trung lưu đang phát triển. Nền kinh tế Internet của Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, sau khi đã có thêm 60 triệu người dùng Internet mới kể từ khi bắt đầu xảy ra đại Covid-19, nâng tổng số lên 440 triệu người đang sử dụng Internet, với hàng chục triệu người tham gia mua sắm trực tuyến và giao hàng thực phẩm…

Ngành công nghiệp trực tuyến ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng ước tính khoảng 174 tỷ USD vào cuối năm 2021 lên 360 tỷ USD vào năm 2025 và 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng trong thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm, khi người tiêu dùng ở nhà chuyển sang sử dụng Internet.

Cơ hội đổi mới thể chế

Đại dịch cho thấy, không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới; nền kinh tế toàn cầu siêu kết nối ngày nay, được đặc trưng bởi các liên kết thương mại sâu rộng, đã khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc và cuộc tấn công từ thiên nhiên.

Thương mại có thể làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia và khả năng tiếp xúc với các mối nguy, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền các mối nguy đó thông qua các liên kết kinh tế, tài chính, vận tải và kỹ thuật số. Đồng thời, thế giới ngày nay đang đặt ra yêu cầu phối hợp hài hoà, sử dụng đồng thời cả bàn tay Nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình Nhà nước kiểu mới, với sự coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, sự hợp tác toàn cầu nhiều hơn, nhằm đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các nguồn lực, tăng cường dự báo, thông tin, giữ vững lòng tin, hài hòa lợi ích, tránh cực đoan trong nhận thức và hành động vượt qua khủng hoảng...

Tiến sĩ NGUYỄN MINH PHONG

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này