Chuyện 19 phụ nữ làm sạch môi trường trong khu phong tỏa

11:00 | 04/02/2022
(LĐTĐ) Chỉ nghĩ đến phải vào khu vực cách ly, nhiều người đã e dè sợ lây nhiễm. Ấy vậy mà 20 cán bộ, công nhân của Xí nghiệp Môi trường đô thị chi nhánh Đống Đa đã tự nguyện vào ở trong khu cách ly để làm sạch vệ sinh môi trường cho khu vực bị phong tỏa.
Hà Nội cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế Cần đặc biệt quan tâm đến công lao động nhập cư đang cư trú ở khu vực bị phong tỏa, cách ly

“Lao” vào khu cách ly

Chiều muộn ngày 21/8, nhận được quyết định thành lập vùng cách ly y tế trên toàn bộ hai phường Văn Miếu và Văn Chương để phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban nhân dân quận Đống Đa, Ban lãnh đạo Xí nghiệp Môi trường đô thị chi nhánh Đống Đa (thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội-URENCO) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với toàn bộ cán bộ, công nhân xí nghiệp đang làm việc tại hai phường Văn Miếu, Văn Chương.

Chuyện 19 phụ nữ làm sạch môi trường trong khu phong tỏa
Những bữa ăn hết sức giản đơn của các công nhân môi trường trong vùng phong tỏa.

Tại cuộc họp, các cán bộ, công nhân đã nghe thông báo về tình hình dịch trên địa bàn các phường và bàn về kế hoạch “5 tại chỗ” để thực hiện “mục tiêu kép” là vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo phòng, chống dịch cho khu vực cách ly.

Tại cuộc họp này, 20 cán bộ, công nhân môi trường của Xí nghiệp môi trường đô thị chi nhánh Đống Đa đã tình nguyện vào làm việc và sinh hoạt trong khu vực phong tỏa. Tất cả cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường có một đêm ở nhà để thu xếp, chuẩn bị đồ đạc và sáng sớm hôm sau di chuyển vào khu cách ly làm việc.

Nhớ lại những ngày đặc biệt đó, chị Đỗ Quỳnh Điệp, Tổ phó Tổ sản xuất thu gom rác kiêm Tổ trưởng Công đoàn của Xí nghiệp cho biết, trong số các cán bộ, công nhân môi trường tự nguyện vào khu cách ly làm việc thì có tới 19 phụ nữ, chỉ có một trường hợp là nam.

Như “mệnh lệnh” từ trái tim và trách nhiệm với nghề, 20 cán bộ, công nhân môi trường của Xí nghiệp Môi trường đô thị chi nhánh Đống Đa đã tình nguyện vào làm việc và sinh hoạt trong khu vực phong tỏa với suy nghĩ: “Không để rác ứ đọng gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh từ rác”.

Theo chị Điệp, phần lớn các chị em làm việc tại trong khu cách ly đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị Trang quê ở Nam Định. Chị Trang lấy chồng và có 4 con nhỏ. Cả gia đình thuê nhà ở trọ tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.

Với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng, bình thường di chuyển từ Ngọc Hồi đến Văn Chương làm việc đã vất vả, trong khu vực cách ly lại thêm nhiều áp lực về thu gom rác thải và rủi ro dịch bệnh, nhưng chị Trang vẫn tự nguyện vào làm việc với lý do đó là nơi chị đã quen thuộc địa bàn. Thứ hai là chị không đành lòng chuyển đến chỗ làm khác khi khối lượng rác thải hàng ngày ở đây rất lớn và nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết giành phần ai?”

“Cũng phải thừa nhận là quyết định trên được đưa ra cũng không phải dễ dàng, bởi không ai muốn xa nhà, bỏ con cái để đi vào vùng dịch 14 ngày. Nhưng bằng cái tâm và tình yêu với nghề nghiệp, tất cả chị em môi trường chúng tôi đều tự nguyện vào khu cách ly cũng là địa bàn mà mình đã gắn bó nhiều năm để đảm bảo an toàn cho thành phố. Chúng tôi xác định là luôn phải đảm bảo công việc vệ sinh môi trường, không bao giờ được bỏ rác”.

Theo chị Điệp, trong số các lực lượng quan trọng tuyến đầu chống dịch, sau lực lượng y tế, vũ trang, công an sẽ là lực lượng vệ sinh môi trường. Bởi lẽ, môi trường là hơi thở, là sự sống nên luôn cần phải xanh, sạch đẹp. Chị Điệp cho rằng trong khu vực cách ly, hàng ngày không thể thiếu “đội quân áo xanh môi trường”.

Giữ cho vùng phong tỏa luôn sạch, đẹp

Chia sẻ về công việc những ngày trong khu vực cách ly, chị Điệp cho biết công nhân môi trường hàng ngày đối diện với rác, với đủ thứ mùi ô nhiễm đã khó chịu. Dưới cái nắng oi gắt cùng bộ độ bảo hộ kín từ đầu dến chân di chuyển từ sáng đến trưa, chiều đến tối, hơi thở ra che kín cả kính mắt; chưa kể bao thứ hóa chất từ việc phun thuốc khử khuẩn… lại càng vất vả hơn. “Thực sự là giống như chiếc lò xông khói, nóng và mệt lắm!” chị Điệp chia sẻ.

Chuyện 19 phụ nữ làm sạch môi trường trong khu phong tỏa
Ngoài việc thu gom, vận chuyển, các công nhân môi trường còn phải khử khuẩn rác thải để tránh lây lan dịch bệnh.

Chị Điệp cũng cho hay, trong những ngày bình thường, khi chưa cách ly, người dân trên địa bàn sẽ đưa rác ra đổ ở một điểm tập kết rác cố định. Còn khi cả Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, người dân không ra khỏi nhà nên vứt rác trước cổng. Vì thế mà thời gian của “đội quân áo xanh môi trường” cho công việc từ thu gom rác đến các bước phun thuốc khử khuẩn không chỉ tăng gấp đôi mà còn tăng gấp 3 lần.

Ở trong vùng phong tỏa, chỗ nghỉ của các công nhân là tại các phòng học của Trường Trung học cơ sở Huy Văn và Trường Tiểu học cơ sở Lý Thường Kiệt. Hàng ngày, các công nhân thu gom rác thải chia ca làm cả ngày và đêm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Xí nghiệp cho biết, trong thời gian cách ly, hai chợ Ngô Sỹ Liên và Văn Chương tạm ngừng hoạt động, các nhà hàng, quán ăn cũng đóng cửa tuân thủ quy định giãn cách… nên rác tại các khu vực đó giảm một phần. Tuy nhiên, khối lượng rác sinh hoạt của 1.460 hộ với 4.750 nhân khẩu trong khu vực cách ly rất lớn, trung bình trên 40 tấn/ngày. Do đó, mỗi công nhân phải vận chuyển hơn 2 tấn/ngày, lại không có người dân hỗ trợ nên công việc rất vất vả.

Khó khăn hơn là để thu gom rác tại các khu vực cách ly, các công nhân đều phải đảm bảo trang bị đồ bảo hộ y tế và thiết bị phòng, chống dịch. Trước khi thu gom phải đeo bình phun thuốc khử khuẩn, sau đó xúc lên xe gom, phủ bạt che kín; khi cẩu lên xe lớn phun khử khuẩn lần nữa để đảm bảo tuyệt đối an toàn. Do đó, họ luôn luôn phải tiếp xúc với các hóa chất khử khuẩn. Thế nhưng, họ luôn hoàn thành tốt công việc một cách cần mẫn mà chẳng một câu than thở. Bởi đơn giản, họ chính là những “chiến binh” bảo vệ môi trường!

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này