Giữ lửa niềm tin

11:00 | 04/02/2022
(LĐTĐ) Để người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cán bộ Công đoàn Thủ đô không quản vất vả, thậm chí là cả nguy cơ lây nhiễm dịch, ngày đêm túc trực hỗ trợ, sát cánh cùng đoàn viên, NLĐ lúc họ khó khăn nhất.
Nâng cao vai trò Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội thăm, tặng quà công nhân không về quê đón Tết

NLĐ “lao đao” giữa cơn bão dịch

Ảnh hưởng của đại dịch với tốc độ lây lan nhanh chóng đã tác động sâu, mạnh mẽ tới việc làm, đời sống của công nhân lao động (CNLĐ). Đặc biệt, đã có một số ca mắc Covid-19 là CNLĐ dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ, ảnh hưởng nặng nề. Điển hình như tại Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI Việt Nam (Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long). Ngay khi phát hiện ca mắc Covid-19, hơn 1.600 công nhân làm việc ca sáng đã được cách ly tạm thời tại Công ty để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, những trường hợp tiếp xúc và liên quan đến ca mắc Covid-19 được đưa đi cách ly tập trung và cách ly tại nhiều điểm khác nhau để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến trao "Túi An sinh Công đoàn" cho công nhân lao động Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thủy lợi sông Đáy. 	Ảnh: Lương Hằng
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến trao "Túi An sinh Công đoàn" cho công nhân lao động Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển thủy lợi sông Đáy. Ảnh: Lương Hằng

Hay như tại Công ty TNHH Thời trang STAR có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) có khoảng trên 6.000 CNLĐ đang làm việc. Ngay khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên từ ngày 26/7, Công ty đã phải tạm dừng hoạt động một thời gian để phòng, chống dịch Covid-19.

Chia sẻ về những khó khăn mà Công ty TNHH Thời trang STAR gặp phải trong thời điểm thực hiện cách ly vì dịch Covid-19, bà Đào Thị Lan Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, việc các dây chuyền tạm ngừng hoạt động khiến Công ty bị ảnh hưởng lớn về kinh tế, đặc biệt là không sản xuất kịp các đơn hàng cho đối tác. Nếu như đối tác không thông cảm, Công ty sẽ bị chịu phạt, hoặc phải chuyển hàng bằng đường hàng không (chi phí vận chuyển gấp 10 lần so với đường biển). Cũng theo bà Lan Anh, do phải tạm dừng sản xuất, khiến thu nhập của NLĐ cũng bị ảnh hưởng vì không được hưởng lương hiệu suất, tăng ca…

Cùng với sự phát triển kinh tế, Thủ đô cũng là nơi tập trung đông lao động tự do đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Anh Nguyễn Thế Ngọc (quê Thanh Hóa), người lao động tự do làm nghề xây dựng tại địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) cho biết, sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, những NLĐ tự do như anh bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Đội chúng tôi có đến 19 người, do thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi không có việc làm; công việc tạm dừng, nhưng mỗi ngày chúng tôi chỉ được chủ thầu hỗ trợ 25.000 đồng/1 người/ngày. Mức hỗ trợ như vậy thật sự không đủ đối với NLĐ, trong khi đó, chúng tôi cũng không có bất cứ khoản tiền dự trữ nào nên đời sống gặp nhiều khó khăn”, anh Ngọc bộc bạch.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thấu hiểu những khó khăn và để kịp thời chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã thành lập Tổ ứng phó khẩn cấp và ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhằm giúp người lao động yên tâm “Ai ở đâu ở đấy”, cùng Thành phố phòng, chống dịch hiệu quả, LĐLĐ Thành phố đã tổ chức những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để vận chuyển các “Túi An sinh Công đoàn” đến các khu cách ly, khu bị phong tỏa và khu nhà trọ để trực tiếp hỗ trợ theo nhu cầu của NLĐ.

Từ ngày 27/4 đến ngày 10/12, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi từ nguồn ngân sách Công đoàn để chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tổ chức thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu, ủng hộ “Quỹ vắc xin”, “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” Thành phố... với số tiền hơn 92,4 tỷ đồng.

Trong đó, LĐLĐ Thành phố chi hơn 39,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho 70.701 NLĐ; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chi hơn 31,2 tỷ đồng để hỗ trợ 67.669 NLĐ và 2.098 doanh nghiệp có “Tổ An toàn Covid-19”; Công đoàn cơ sở hỗ trợ 17.440 người với số tiền hơn 21,4 tỷ đồng.

Tại các điểm đến trao hỗ trợ, lãnh đạo LĐLĐ Thành phố đã thăm hỏi đời sống, việc làm và chia sẻ với những khó khăn của NLĐ; đồng thời, động viên NLĐ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giữ gìn sức khỏe, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cố gắng vượt qua khó khăn để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “không để đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn mà không nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn”, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công bố số điện thoại đường dây nóng 24/24/7 (qua các nhóm Zalo Công đoàn) để tiếp nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của NLĐ và Công đoàn cơ sở; ưu tiên nguồn tài chính Công đoàn và kêu gọi từ nguồn xã hội hóa để tăng cường các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp bằng kinh phí, lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho đoàn viên, NLĐ.

Cùng đó, LĐLĐ Thành phố đề nghị mỗi LĐLĐ quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức ít nhất 1 “Siêu thị 0 đồng” tại những nơi tập trung đông lao động hoặc bố trí ít nhất 1 chuyến “Xe siêu thị 0 đồng” thường trực hàng ngày để kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ; phối hợp với các doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và chính quyền cơ sở, thôn, tổ dân phố rà soát NLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương kêu gọi, vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê trọ, đồng hành, chia sẻ khó khăn với NLĐ để cùng chung tay thực hiện mục tiêu sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh...

Có thể nói, chính những chỉ đạo kịp thời của LĐLĐ Thành phố và sự vào cuộc tích cực của các cấp Công đoàn Thủ đô đã góp phần ổn định đời sống cho đoàn viên, NLĐ. Với những việc làm thiết thực, cụ thể, những cán bộ mang trên mình màu áo xanh Công đoàn đang ngày càng khẳng định hơn nữa niềm tin với đoàn viên, NLĐ.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này