Vận tải hành khách vắng lặng, người dân đắn đo cân nhắc chuyện về quê

17:31 | 20/01/2022
(LĐTĐ) Trước đây, cách ngày nghỉ Tết Nguyên đán khoảng độ 1 tháng, việc canh mua vé tàu, xe dường như trở thành “nhiệm vụ” quen thuộc của những người con xa xứ. Thế nhưng, năm nay, dù đã bước sang nửa cuối tháng 12 (âm lịch) nhưng hầu hết mọi người vẫn khá thờ ơ với vé Tết.
Người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn chuyện về quê đón Tết Nam Định không cách ly những người từ vùng dịch về quê ăn Tết

Vé tàu xe ế ẩm

Mặc dù chỉ còn hơn 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày gần đây, lượng khách tới ga Hà Nội mua vé về quê khá thưa thớt. Tại các phòng đợi và quầy bán vé, số lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Trần Thị Thanh Hương, Phó Trạm trưởng Trạm Kinh doanh vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, dù đã mở bán vé tàu Tết từ lâu nhưng số lượng khách tới ga mua vé rất ít .

Vận tải hành khách vắng lặng, người dân đắn đo cân nhắc chuyện về quê
Tại phòng bán vé ga Hà Nội chỉ có lác đã 6,7 người tới mua vé.

Lý giải về tình trạng vắng khách này, theo bà Hương, vốn dĩ vận tải đường sắt vào dịp trước Tết thường chỉ đông khách chiều từ miền Nam ra miền Trung, miền Bắc. Còn từ Hà Nội đi chủ yếu là khách về các tỉnh gần như: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Đông nhất là khách đi Nghệ An. Ngoài nguyên nhân trên, bà Hương cho rằng việc một số người dân đã về quê từ nhiều tháng trước hay tâm lý e ngại việc nhiều tỉnh thành sẽ thay đổi cấp độ dịch và thay đổi quy định cách ly cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho lượng khách sụt giảm.

Cùng với ga tàu, những ngày này không khí tại các bến xe cũng khá ảm đạm. Tại Bến xe Giáp Bát, dù đã được bến xe tạo mọi điều kiện tốt nhất và hỗ trợ mọi mặt nhưng số lượng xe ra vào bến không thay đổi, người tới mua vé xe ít.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho hay, ngay từ đầu tháng 1, Bến xe đã xây dựng kế hoạch phục vụ trong Tết Nhâm Dần 2022. Song, đến thời điểm hiện tại, lượng xe hoạt động tại bến chỉ bằng 30% so với ngày thường. Lượng khách đi lại và sử dụng phương tiện vận tải là xe khách cũng chỉ chiếm khoảng 10-15%.

“Ngày trước, mỗi dịp Tết đến, người dân ra bến xe để về quê rất đông. Lo sợ thiếu vé, các nhà xe và bến phải tăng cường vài trăm lượt đến cả nghìn lượt/ngày. Nhưng bây giờ tình trạng trên đã không còn, khách chỉ cần tới bến là có thể mua được vé, kể cả Tết âm lịch”, ông Tùng nói. Đồng thời, ông cũng cho biết dù khách ít hay nhiều thì Bến xe Giáp Bát vẫn yêu cầu các nhà xe phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch như: Khách phải quét mã QR khai báo di chuyển, đo thân nhiệt trước khi lên xe...

Vận tải hành khách vắng lặng, người dân đắn đo cân nhắc chuyện về quê
Các nhà xe phải ghi lại danh tính, địa chỉ của hành khách và nộp lại cho bến xe để phục vụ công tác truy vết.

Còn về phía Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty nhận định, dự kiến lượng khách đi lại qua các bến trong kỳ nghỉ lễ, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không đông do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo ông Toàn, dự kiến trong các ngày 21, 22 và ngày 26 - 29 tháng Chạp, lượng khách trên các bến xe sẽ tăng 300% so với ngày thường, tuy nhiên, do những ngày qua, lượng hành khách thấp nên dù số lượng khách tăng lên thì cũng sẽ không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành tại các bến xe và bình quân lượt khách trên xe sẽ chỉ đạt 50% tải trọng thiết kế.

Người dân “chưa dám” về quê

Có thể thấy, thực trạng vắng lặng của các ga tàu, bến xe trong những ngày qua đã phần nào phản ánh được tâm trạng băng khoăn, lo lắng của người dân trong những ngày cận Tết. Đa số người dân khi được hỏi cho biết, họ khá e dè với các quy định phòng, chống dịch của các địa phương cũng như sợ rằng bản thân đang ở vùng dịch trở khi về quê sẽ là nguy cơ lớn cho gia đình cũng như hàng xóm.

Vận tải hành khách vắng lặng, người dân đắn đo cân nhắc chuyện về quê
Các quầy bán vé tại các bến xe vắng lặng vì nhiều người dân còn chần chừ, chưa quyết định được nên về hay ở.

Đơn cử như với chị Lê Hồng Minh (27 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, vừa qua Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh có văn bản hướng dẫn cách ly F1, người từ địa phương khác về. Tại nơi chị sinh sống hiện nay dịch ở cấp độ nguy cơ cao (cấp độ 3) được khuyến cáo người dân cam kết cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày trở về địa phương. Bên cạnh đó, cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc test nhanh trong ngày đầu.

“Đã lâu rồi chưa được về quê nên mình rất muốn được trở về dịp này. Tuy nhiên, khi đọc thông tin trên mình có chút lo lắng. Tại nơi mình làm việc hết ngày 27 Tết mới được nghỉ. Nếu trở về cách ly tại nhà 7 ngày thì cũng là thời điểm hết Tết. Do vậy, muốn về quê đoàn tụ sum họp gia đình, mình phải xin nghỉ trước 7 ngày. Tuy nhiên, cuối năm lại là thời điểm rất nhiều việc nên xin nghỉ phép cũng rất khó. Mình phải làm cam kết với cơ quan, xin nghỉ phép nhưng vẫn phải làm trực tuyến từ xa để đảm bảo công việc”, chị Minh cho biết.

Vận tải hành khách vắng lặng, người dân đắn đo cân nhắc chuyện về quê
Nhiều chiếc xe buộc phải "lăn bánh" dù chỉ có vài 3 hành khách.

Cùng tâm trạng lo lắng như chị Minh, chị Phạm Lan Anh (Ba Đình) đến nay vẫn chưa dám đặt vé sớm để về quê ăn Tết. Sinh sống và làm việc tại khu vực được xếp vào vùng cam (tương đương cấp độ 3) khi số ca mắc Covid-19 mới liên tục tăng cao nên chị vô cùng băn khoăn. “Vừa qua, thành phố Thanh Hóa có thư ngỏ khuyên người dân hạn chế về quê đón Tết nếu không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cả năm chỉ có 1 dịp được sum họp quây quần bên gia đình, nếu không về thì sẽ rất buồn”, chị Lan Anh nói.

Còn chị Phan Minh Hạnh (Đống Đa) cho biết, chị cùng các em mình đều rất mong ngóng ngày về quê, tuy nhiên cả 3 chị em đều chưa ai đặt vé tàu xe sớm cả mà phải đợi tới hôm 28/1 (tức 27 âm lịch) xem quy định phòng, chống dịch tại địa phương có gì thay đổi không rồi mới quyết định.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco), tính đến ngày 13/1/2022, toàn ngành Đường sắt đã bán được hơn 41.000 vé. Cụ thể, vé bán cho hành khách đi tàu Thống Nhất từ ngày 20/1 - 13/2 là hơn 28.500 vé; vé tàu khu đoạn là hơn 12.700 vé. Ngoài số vé đã bán, thanh toán thành công, còn lượng lớn vé đặt chỗ qua web, qua các ứng dụng bán vé trên điện thoại.

Trong đó, các đoàn tàu do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn quản lý bán được hơn 25.200 vé tàu Thống Nhất và khoảng 11.200 vé tàu khu đoạn. Các đoàn tàu do Haraco quản lý bán được gần 16.000 vé tàu Thống Nhất và hơn 1.500 vé tàu khu đoạn. Số vé bán ra tính đến thời điểm hiện tại chỉ gần bằng 50% số vé được bán ra năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện tại, nhu cầu vé tàu tết của người dân đang tăng dần, lượng vé bán ra mỗi ngày tăng khoảng 2.000 vé.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này