Hồi sinh sau “cơn bão lớn”

11:01 | 04/02/2022
(LĐTĐ) Bằng sự cố gắng, hy sinh không mệt mỏi của lực lượng tuyến đầu, nhất là đội ngũ nhân viên y tế, sau 4 tháng giãn cách xã hội liên tục vì dịch Covid-19 với không biết bao mất mát, đau thương, thành phố Hồ Chí Minh đã thành công đẩy lùi dịch bệnh, từng bước đưa đời sống trở về nhịp sinh hoạt bình thường.
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công bố 10 hoạt động, sự kiện nổi bật nhất 2021 Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị giảm oxy công nghiệp để đảm bảo cung ứng oxy y tế Thành phố Hồ Chí Minh xin hỗ trợ khẩn 3.000 bác sĩ, điều dưỡng để chống dịch

Sự đổ bộ của “giặc” Covid-19

Những ngày cuối tháng 5/2021, thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh nắng trong không khí đầu hè. Thành phố vẫn xuất hiện những ca bệnh mới, nhưng số lượng không quá lo ngại. Trên đường, dòng người vội vã với đời sống mưu sinh, Thành phố kinh tế hàng đầu đất nước vẫn sôi động trong nhịp phát triển vốn có.

Hồi sinh sau “cơn bão lớn”
Người dân nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thế nhưng khi ngành Y tế vừa tiễn đội quân chuyên nghiệp lên đường hỗ trợ tỉnh bạn, thì “cơn bão” lớn cũng quét qua và bắt đầu tàn phá Thành phố chỉ vài ngày sau đó.Thời điểm này Covid-19 đã tấn công vào tỉnh Bắc Giang, với tinh thần “cả nước vì Bắc Giang”, sáng 26/5, 13 thành viên Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tức tốc lên đường tới Bắc Giang để “chia lửa” cùng các đồng nghiệp. Họ đều là những người có năng lực chuyên môn cao, từng chi viện cho các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam trong những đợt dịch Covid-19 trước đây.

Một đêm gần cuối tháng 5, ổ dịch lớn đầu tiên được phát hiện, 13 người sinh hoạt chung giáo phái truyền giáo Phục Hưng đóng tại hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công (phường 3, quận Gò Vấp) dương tính với Covid-19, trong đó có 3 người đã có xét nghiệm khẳng định, 10 người nghi nhiễm.

Ngành Y tế Thành phố huy động lực lượng của cả khối điều trị và dự phòng tham gia điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm. Tính đến trưa 1/6, từ ổ dịch này đã lây lan ra khắp nơi, với hơn 200 người nhiễm (F0).

Thành phố thần tốc truy vết người liên quan, không khí vội vàng, sục sôi nhưng không phải của nhịp sống kinh tế hối hả vốn có, mà là của một cuộc chiến.

Chuỗi ngày dài giãn cách xã hội

Từ 0h ngày 31/5, toàn thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15+, tức là thực hiện đầy đủ Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp. Người dân (nhất là người trên 60 tuổi) chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết.

Đến ngày 9/7, trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, toàn Thành phố áp dụng Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra đường. Thành phố triển khai kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại 12 chốt, trạm kiểm soát ở các cửa ngõ.

Hồi sinh sau “cơn bão lớn”
Ngành Y tế thành phố thực hiện “thần tốc xét nghiệm – thần tốc truy vết” trên diện rộng

Cả Thành phố như chiến trường với đủ rào chắn, chốt canh khắp mọi ngả. Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là chiến sĩ trong pháo đài ấy. Ấy vậy mà vi rút vẫn len lỏi vào từng ngóc ngách, tấn công từng pháo đài. Biết bao gia đình chịu cảnh mất mát, ly tan.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021 được xem là đỉnh dịch của thành phố Hồ Chí Minh khi phải đối mặt với hàng nghìn ca F0 mỗi ngày, số ca khỏi bệnh thấp, số bệnh nhân chuyển nặng tăng quá nhanh, trong khi độ phủ vắc xin còn thấp.

Đứng trước tình thế ấy, từ 0 giờ ngày 23/8, thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Ai ở đâu ở yên đó," siết chặt chống dịch ở mức độ cao nhất để kịp thời triển khai xét nghiệm, điều trị. Khoảng thời gian này chính là cơ hội để Thành phố có thể khống chế dịch.

Các chiến sĩ công an, quân đội được huy động lên đường chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh, thiết lập các chốt kiểm soát người đi lại, vận chuyển lương thực thực phẩm và xây dựng vận hành các trạm y tế lưu động.

Những nỗi đau đọng mãi

Tháng 8/2021, thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn đau thương nhất vì dịch Covid-19. Số ca mắc lần lượt từ hàng trăm lên hàng nghìn ca và liên tục duy trì ở 4 con số. Ở đỉnh dịch, có những ngày ghi nhận 340 ca tử vong, nhiều ngày liên tục ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới.

Mặc dù từ tháng 7, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đổi công năng điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 trở thành Trung tâm hồi sức Covid-19 với quy mô 1.000 giường. Thành phố cũng áp dụng mô hình tháp điều trị 4 tầng: 30.000 giường điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng; 2.500 giường điều trị F0 có triệu chứng; 3.000 giường điều trị F0 có triệu chứng và có bệnh nền; 1.200 giường hồi sức bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Hồi sinh sau “cơn bão lớn”
Đội ngũ nhân viên y tế ngày đêm chăm sóc cho các ca bệnh nặng, có nhiều thời điểm quá tải.

Những con số giường bệnh chuẩn bị kể trên cho thấy việc đánh giá nguy cơ đã không kịp với tốc độ của dịch bệnh. Số lượng bệnh nhân ghi nhận đến tháng 9 đã gấp 10 lần so với số giường chuẩn bị được.

Thành phố đã có gần 500.000 ca mắc Covid-19, với 19.485 ca tử vong (tính đến ngày 25/12/2021). Một con số nói lên mức độ đau thương không gì kể xiết sau khi dịch bệnh quét ngang qua, bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh ly tán, mất mát người thân mà không kịp gặp gỡ lần cuối.

Cả nước vì miền Nam thương yêu

Bắt đầu từ ngày 30/6 và cao điểm từ 21/8, thành phố Hồ Chí Minh đã đón khoảng 17.000 y bác sĩ, học viên y khoa từ tất cả các bệnh viện từ trung ương đến các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương...

Toàn bộ thiết bị từ Trung tâm hồi sức Covid-19 tại Bắc Giang được chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Các y, bác sĩ chi viện mang theo hàng trăm tấn thiết bị y tế, trang phục bảo hộ.

Hồi sinh sau “cơn bão lớn”
Lực lượng công an, quân đội được huy động để hỗ trợ người dân tối đa khi bị giãn cách

Cuối tháng 7, Bộ Y tế quyết định thành lập 3 Trung tâm Hồi sức tích cực mới do các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế phụ trách tại thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh Trung tâm Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách có từ trước đó.

Bệnh viện Bạch Mai đã gửi vào thành phố Hồ Chí Minh 500 y, bác sĩ, trên 1.000 học viên Cao đẳng Y Bạch Mai. Từ cuối tháng 7, đoàn 600 y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh. Chưa kể đến hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ công an và quân đội được huy động hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch.

“Hơn 2 tháng từ lúc bắt đầu bùng dịch, gần 30.000 y, bác sĩ, nhân viên đã đến và đi vào tâm dịch với quyết tâm cao nhất, không nề hà hy sinh, vất vả. Họ đã hy sinh những lợi ích của bản thân, xa gia đình, đơn vị để toàn tâm, toàn ý tham gia chống dịch. Những tình cảm và nghĩa cử cao đẹp đó sẽ lưu mãi trong lòng người dân thành phố”

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khi chia tay các đoàn chi viện.

Dù lực lượng hùng hậu là vậy, nhưng có nhiều thời điểm, lực lượng y tế vẫn không đủ nhân lực để chăm sóc bệnh nhân. Nhưng sự cố gắng, hy sinh không biết mệt mỏi của đội ngũ tuyến đầu, tỷ lệ bệnh nhân tử vong đã bắt đầu giảm.

Từ ngày 21/6, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tiêm phủ vắc xin. Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, đây là địa phương được Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc xin nhiều nhất.

Với thông điệp “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”, thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực cung ứng vắc xin đến gần dân nhất, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố, tính đến ngày 24/12/2021, thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được hơn 15,2 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, Thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin mũi 3 bao gồm cả liều bổ sung và nhắc lại.

Có thể nói, thời gian thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội là những ngày tháng của một cuộc chiến thực sự và đến tận bây giờ, khi cuộc chiến phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam và cả thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang diễn ra, chúng ta có quyền tự hào vì những gì đã làm được.

Cuộc sống bình thường đang trở lại

Từ 1/10/2021, thành phố Hồ Chí Minh chính thức được nới lỏng giãn cách xã hội, dần dần bước vào cuộc sống “bình thường mới” sau 4 tháng phải gồng mình lên chống lại cơn bão lớn.

Trên đường, xe cộ đã lưu thông nhộn nhịp ở các tuyến phố trung tâm, người dân được tự do qua lại nhiều khu vực sau khi các chốt kiểm soát được tháo dỡ.

Hồi sinh sau “cơn bão lớn”
Thành phố đã khôi phục lại nhịp sống đông đúc, sôi động sau 4 tháng ảm đạm vì Covid-19.

Đến thời điểm này, người dân đã bắt nhịp lại cuộc sống thường nhật, thích ứng với hoàn cảnh mới. Các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí… trên địa bàn đã trở nên nhộn nhịp đúng với tên gọi “Thành phố không ngủ”.

Ngày lễ Giáng sinh, người dân Thành phố đã tập trung tới một số nhà thờ, các điểm vui chơi công cộng ở trung tâm Thành phố để chụp ảnh, đón Noel. Các địa điểm này đã được trang trí Giáng sinh với cây thông, đèn, tiểu cảnh… để đón dòng người đổ về chụp ảnh, vui chơi.

Tại Thảo Cầm Viên (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày đầu năm mới, dòng người đông đúc, nhộn nhịp đổ xếp hàng mua vé vào cổng, tạo ra khung cảnh không khác gì như đang đi trẩy hội. Đây là cảnh hiếm thấy trong năm 2021, khi phong tỏa xã hội khiến Thảo Cầm Viên như một cảnh hoang tàn.

Ở những địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ… khung cảnh đông đúc quen thuộc đã trở lại. Những tiếng cười nói, chào hỏi, trêu đùa vang vọng tạo ra một không khí vui tươi, xoá đi sự u ám, buồn bã mà đại dịch Covid-19 đã để lại cho Thành phố năm 2021.

Đặc biệt đối với ngành Du lịch gần như bị “tê liệt” sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh cũng đã bắt đầu “hồi sinh” trở lại.

Hồi sinh sau “cơn bão lớn”
Các gia đình đưa con đi chơi ngày lễ Noel.

Sáng 1/1, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ đón khách du lịch tại khu vực ga đến quốc nội, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong không khí rộn ràng. Những khách du lịch “xông đất” thành phố Hồ Chí Minh được chọn ngẫu nhiên trên chuyến bay của 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air. Các vị khách được tặng các vé bay nội địa miễn phí và các voucher mua hàng thời trang hoặc trải nghiệm các tour du lịch.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về chương trình thí điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, trong tháng 1/2022, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Định chính thức được đón khách quốc tế, bên cạnh 5 địa phương trước đó là Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ninh.

Về lĩnh vực vận tải, nhiều địa phương khu vực miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung mở lại hoạt động vận tải hành khách với thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu đi lại, cũng như về quê đón Tết của người dân.

Cùng với đó, các chợ truyền thống, kênh phân phối hàng hóa cũng mở cửa trở lại để phục vụ người dân. Tất cả đều tuân thủ phương châm 5K và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Có thể nói, chúng ta đã tìm thấy đường đi và được dẫn đường bởi những trái tim của trách nhiệm, của nghĩa tình đồng bào. Để rồi khi vượt qua khó khăn, Thành phố kinh tế hàng đầu cả nước quay lại đúng nhịp sống của nó, tiếp tục làm đầu tàu đưa đất nước phát triển.

Tân Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này