Đô thị vệ tinh thông minh không còn xa

09:31 | 03/02/2022
(LĐTĐ) Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Mê Linh đang chuẩn bị mọi tâm thế để trở thành những đô thị vệ tinh hoặc mô hình thành phố trong thành phố để góp phần đưa Thủ đô nói riêng, Vùng Thủ đô nói chung ngày càng phát triển.
Hạ tầng liên kết vùng tiếp tục là yếu tố tạo hấp lực cho BĐS đô thị vệ tinh Sớm trở thành đô thị vệ tinh Phát triển huyện Quốc Oai gắn với đô thị vệ tinh Hòa Lạc

Sớm đưa Sóc Sơn trở thành đô thị vệ tinh

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg. Quyết định được ban hành với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Đô thị vệ tinh thông minh không còn xa
Sóc Sơn có dư địa cho phát triển thành phố trong Thành phố hoặc đô thi vệ tinh (Ảnh: Một góc thị trấn Sóc Sơn)

Về việc phát triển hệ thống đô thị, Quyết định nêu rõ định hướng phát triển đối với từng khu vực. Cùng với 4 đô thị khác, huyện Sóc Sơn được quy hoạch là đô thị vệ tinh phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo. Là đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân - Nội Bài.

Để đưa Sóc Sơn trở thành đô thị vệ tinh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của năm 2021 được huyện tích cực triển khai ngay từ đầu năm. Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Sóc Sơn, đã tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Sau 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh một số thành tựu, đến nay một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các sở, ngành tiến hành nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch chung phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô. Trong đó, về cơ bản các huyện Sóc Sơn, Mê Linh vẫn sẽ là những đô thị vệ tinh của Thủ đô.

Dự kiến đến hết năm 2021, huyện có 16/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch Thành phố giao như: Thu ngân sách Nhà nước, giảm số hộ nghèo, tỷ lệ gia đình văn hóa, tỷ lệ thôn/làng văn hóa, tỷ lệ tổ dân phố văn hóa. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế của huyện duy trì tăng trưởng. Công tác an sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Cùng với đó, huyện cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được quan tâm chỉ đạo, tình hình an ninh trên địa bàn được giữ vững.

Nhằm cụ thể hóa quy hoạch Thủ đô, ngày 29/6/2015, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đến năm 2030 tại Quyết định số 2966/QĐ-UBND. Đây cũng là cơ sở để huyện xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển theo hướng đô thị vệ tinh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, để hiện thực hóa mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch đề ra, UBND huyện đã xây dựng đề án phát triển đô thị đến năm 2030 với nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, huyện tập trung phát triển kinh tế - tạo động lực phát triển đô thị trong đó phát triển du lịch, dịch vụ là ưu tiên hàng đầu. Thông qua đó, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, là điều kiện cho các ngành nghề liên quan phát triển, nâng cao vị thế du lịch của huyện Sóc Sơn. Song song với phát triển du lịch, dịch vụ thì lĩnh vực công thương, nông nghiệp cũng được chú trọng phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Một trong những hoạt động được huyện chú trọng là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó, huyện tập trung xây dựng các công trình trọng điểm, thực hiện đầu tư xây dựng theo nội dung các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng đô thị Sóc Sơn; hoàn thiện đề án phát triển đô thị để huy động các nguồn lực, kinh phí đa dạng tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị. Thực hiện các dự án trọng điểm như: Trường đua ngựa tại xã Tân Minh, Phù Linh; triển khai dự án Trường quay ngoài trời Đài Truyền hình Việt Nam tại xã Phù Linh; dự án mở rộng sân bay; các dự án khu đô thị, làng đại học, khu nghỉ dưỡng, các dự án xây dựng công viên, quảng trường, các dự án phát triển hệ thống hạ tầng khung trên địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính. Tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, mạnh dạn giao quyền tự chủ và quản trị doanh nghiệp theo cơ chế doanh nghiệp. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, nhân dân nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư.

“Cùng với các vấn đề trên, huyện sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, quản lý để đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu trong giai đoạn tới. Cụ thể, huyện khuyến khích các cơ sở, mọi thành phần kinh tế mở các lớp dạy nghề, đào tạo lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thường xuyên rà soát trình độ năng lực cán bộ, công chức đảm bảo tiêu chuẩn hóa và thực hiện việc tinh giản biên chế nâng cao chất luợng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng bắt buộc kiến thức, kỹ năng chuyên ngành hàng năm”, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh nhấn mạnh.

Phát triển Mê Linh theo hướng thông minh, xanh và bền vững

Cùng với huyện Sóc Sơn, ngày 16/12/2014, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 6694/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh, tỷ lệ 1/10.000. Theo đó, mục tiêu hướng đến là khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng và tài nguyên của huyện cũng như những thuận lợi từ bên ngoài nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Xây dựng huyện Mê Linh trở thành vùng đô thị dịch vụ công nghiệp phía Tây Bắc của đô thị trung tâm Hà Nội, là vùng đô thị xanh với đặc trưng là các đô thị hoa, vùng trồng hoa và nông nghiệp công nghệ cao.

Đô thị vệ tinh thông minh không còn xa
Gần sân bay Nội Bài, cả Sóc Sơn và Mê Linh đều có tiềm năng khai thác các dịch vụ liên quan đến hậu cần hàng không.

Về thế mạnh và tiềm năng, có thể nói, huyện Mê Linh có vị trí địa lý rất thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa, xã hội; có Khu công nghiệp Quang Minh, có những cánh đồng trồng hoa, rau màu với diện tích lớn. Là nơi tập trung các công trình đầu mối giao thông, trung tâm thương mại, dịch vụ, y tế cấp vùng phía Bắc Thành phố. Bên cạnh đó, huyện có lợi thế về du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái nông nghiệp… Đó là những tiềm năng để Mê Linh từng bước hình thành đô thị mới hiện đại, thông minh, xanh, phát triển hài hòa, bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường.

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp về điều chỉnh quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, một số chuyên gia đề xuất nên áp dụng mô hình thành phố trong thành phố đối với các huyện Sóc Sơn, Mê Linh... như thành phố Hồ Chí Minh áp dụng cho thành phố Thủ Đức. Còn chuyên gia kinh tế, GS Hà Tôn Vinh đề xuất trong quá trình quy hoạch, Hà Nội nên phân thành các nhóm vùng để phát huy lợi thế cạnh tranh. Ví như Sóc Sơn, dư địa chí đất tự nhiên nhiều thì nên xây dựng thành phố hoặc đô thị vệ tinh gắn với chuỗi công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp hàng không vì có lợi thế gần sân bay Nội Bài.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, trong năm 2021, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể nhân dân huyện Mê Linh, trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội huyện vẫn có những điểm sáng. Phát huy thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thuận lợi, chăn nuôi ổn định. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 1.871,4 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tăng 3,6% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao như: Trồng dưa, rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới tại các xã Tam Đồng, Tiền Phong; mô hình trồng hoa lan, hoa chậu, hoa cắt cành ứng dụng công nghệ cao tại xã Liên Mạc; mô hình trông cây dược liệu (cây bồ kết) tại xã Kim Hoa; mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao tại xã Tam Đồng và các mô hình tổng hợp vườn, ao, chuồng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cụ thể, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố xây dựng các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Thành phố; đăng ký đề xuất 2 nhóm sản phẩm, 1 dịch vụ đặc thù dự kiến đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong năm 2021-2022.

Cùng với việc đặt ra các mục tiêu cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, huyện Mê Linh cũng chú trọng việc phát triển và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Đây cũng là một trong những kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực của huyện được nêu rõ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của huyện Mê Linh.

Theo đó, huyện tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, gắn với siết chặt kỷ luật kỷ cương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị, trật tự xây dựng, văn minh đô thị. Cùng đó, tổ chức rà soát, phối hợp với các sở, ngành trong quá trình lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tập trung hoàn thành công tác lập nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện; công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch như phân khu đô thị; chuyên ngành, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển khu dân cư của huyện và các xã để làm cơ sở tổ chức phát triển kinh tế - xã hội theo các định hướng mới.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này