Cân nhắc bổ sung danh hiệu “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”

21:00 | 18/01/2022
(LĐTĐ) Ngày 18/1, trong chương trình Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 6, cho ý kiến sửa đổi 8 luật Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét một số cơ chế, chính sách phòng, chống dịch Covid-19

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai. Qua thảo luận, các đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật.

Cân nhắc bổ sung danh hiệu “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung thảo luận. (Ảnh: VPQH)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo về 6 nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; tổng kết khen thưởng thành tích kháng chiến; vấn đề khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng.

Về việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không bổ sung hình thức khen thưởng này; một số ý kiến đồng ý bổ sung như quy định trong Dự thảo Luật.

Có ý kiến đồng ý với Dự thảo Chính phủ trình và đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng phù hợp với những nhóm đối tượng khác cũng tham gia kháng chiến (du kích, dân công hỏa tuyến). Có một số ý kiến đồng ý bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” nhưng chỉ áp dụng đối với đối tượng đã tham gia các cuộc kháng chiến.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cân nhắc phương án không quy định hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang". Ủy ban Xã hội cho rằng, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Thông báo số 120-TB/TW ngày 18/01/2013 về Đề án đổi mới công tác thi đua - khen thưởng cần “giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước”.

Ngoài ra, cân nhắc bổ sung riêng hình thức khen thưởng này nếu đối chiếu với nguyên tắc của khen thưởng “không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”; tính công bằng với việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Cân nhắc bổ sung danh hiệu “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo về 6 nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: VPQH)

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng nhìn nhận, việc bổ sung danh hiệu thi đua ở phạm vi cấp xã là phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, người lao động trực tiếp. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì xã, phường, thị trấn là một đơn vị hành chính nên tên gọi danh hiệu thi đua là “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” là phù hợp.

Việc bổ sung tiêu chuẩn dẫn đầu cấp huyện, một số tiêu chuẩn cụ thể và quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với danh hiệu này bảo đảm phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, địa phương và bảo đảm tính khả thi.

Qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 97 điều, giảm 1 điều so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, bỏ 2 điều (Điều 70 về Huy hiệu; Điều 94 về Khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng), bổ sung 1 điều về quy định chuyển tiếp.

Dự thảo cũng đã bổ sung đối tượng được tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”; nêu rõ về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; tiêu chuẩn tặng thưởng Huân chương Hữu nghị; bổ sung tiêu chuẩn cá nhân được nhận “Giải thưởng Nhà nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”.

Cho ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các thành tích, công lao của lực lượng thanh niên xung phong được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, khẳng định trong nhiều báo cáo. Dù có nhiều lý giải, nhưng nếu khi bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật mà tốt hơn xét cả về mặt chính trị, cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của hàng vạn thanh niên xung phong thì nên bổ sung.

Cân nhắc bổ sung danh hiệu “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VPQH)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đồng tình nên có hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang", nhưng điều chỉnh đối tượng, phạm vi hẹp lại, tiêu chuẩn cao hơn để phân biệt với hình thức kỷ niệm chương.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường, cần mở rộng xem xét bổ sung hình thức khen thưởng phù hợp với những nhóm đối tượng khác cũng tham gia kháng chiến như: Du kích, dân công hỏa tuyến… vào trong Dự thảo Luật, để đảm bảo tính công bằng và tránh phải sửa đổi nhiều lần.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp này, các đại biểu đã thảo luận về tiêu chuẩn, các danh hiệu thi đua, thẩm quyền đề xuất khen thưởng, hồ sơ khen thưởng, lĩnh vực khen thưởng trong khu vực tư nhân, doanh nghiệp, vấn đề khen thưởng của Quốc hội, khung hướng dẫn chung…

Để hoàn chỉnh Dự thảo Luật, Ủy ban Xã hội cần tiếp tục chủ động phối hợp với Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi, bảo đảm chất lượng Dự án Luật để trình tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này