Huyện Gia Lâm: Xe chở cát có dấu hiệu quá khổ, quá tải ngày đêm “băm nát” đê sông Hồng

15:34 | 19/01/2022
(LĐTĐ) Những ngày cuối năm, hàng trăm xe tải chở cát được gắn logo, tên công ty có dấu hiệu quá khổ, quá tải rầm rộ ngày đêm đua nhau “băm nát” đê sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội), hướng về một công trình lớn đang thi công trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Điều đáng nói, mặc dù hàng trăm xe tải chở cát ngang nhiên chạy cả ngày lẫn đêm, nhưng dường như không thấy lực lượng chức năng xử lý, hoặc nếu có chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Tăng cường phối hợp xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải trên các tuyến đê Bao giờ hết “cày xới” những cung đường? Hà Nội tăng cường xử lý xe quá khổ, quá tải

Xe quá khổ hoạt động "như chốn không người"

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại khu vực tuyến đê Tả sông Hồng, đoạn từ chân cầu Thanh Trì đi xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), từ tháng 12/2021 đến nay, mỗi ngày đoạn đê này phải oằn mình “cõng” những dòng xe tải chở cát có dấu hiệu quá khổ, quá tải chạy rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Những đoàn xe chở cát này không chỉ phóng nhanh, vượt ẩu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mà còn gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường đê, bất chấp việc đoạn đường đê này đã được huyện Gia Lâm gắn biển cấm các xe có trọng tải trên 18 tấn lưu thông.

Ghi nhận trực tiếp tại khu vực Bãi Lời (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm); bãi tập kết cát ngay chân cầu Thanh Trì và bãi cát tại cửa khẩu lối ra Đền Thiên Vương Thịnh (xã Đông Dư, Gia Lâm) không khó để nhận thấy, tại các bãi tập kết cát này có nhiều xe tải chở cát, xe bồn bê tông chạy rầm rộ. Một người là chủ bãi cát khu vực sông Hồng cho biết, những chiếc xe tải chở cát này thường dài từ 3-6 chân, có tải trọng khi chở cát lên đến 40-50 tấn.

Đặc biệt, các xe chở cát trên đều được gắn logo của các nhà xe như: PTH, PTT, Minh Tâm, xe bồn chở bê tông Việt Úc… thời gian vận chuyển trung bình cách nhau khoản từ 5-10 phút/chuyến. Điều đáng nói, các xe chở cát này không chỉ vận chuyển rầm rộ vào ban ngày, mà ban đêm, lượng xe chở cát thậm chí còn nhiều gấp đôi.

undefined
Xe chở cát quá khổ, quá tải ngày đêm “băm nát” đê sông Hồng khu vực địa bàn xã Đông Dư, huyện Gia Lâm

Cũng trong thời điểm ghi nhận thực tế của phóng viên, cụ thể trong ngày 8-9/1/2022, mặc dù xuất hiện lực lượng Cảnh sát huyện Gia Lâm tại chân cầu Thanh Trì, tuy nhiên, các xe chở cát tại khu vực bãi tập kết chân cầu Thanh Trì và khu vực bãi tập kết khu vực cửa khẩu Đền Thiên Vương Thịnh vẫn vận chuyển tấp nập. Đáng nói, sau khi phát hiện có phóng viên ghi hình, lực lượng Cảnh sát này ngay lập tức đã yêu cầu một chiếc xe tải chở cát từ khu vực bãi tập kết chân cầu Thanh Trì dừng lại để kiểm tra.

Trong khi đó, chỉ cách chân cầu Thanh Trì không xa (hướng đi xã Bát Tràng khoảng 200m), ngay cửa khẩu lối vào Đền Thiên Vương Thịnh, hàng chục xe chở cát có dấu hiệu quá khổ, quá tải, xe bồn chở bê tông Việt Úc vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng tại khu vực này.

Cơ quan chức năng có buông lỏng quản lý?

Trước phản ánh của người dân địa phương, cũng như trực tiếp thấy thực trạng xe chở cát có dấu hiệu quá khổ, quá tải chạy rầm rộ ngày đêm trên khu vực đê Tả sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Nhật – Chủ tịch UBND xã Đông Dư để phản ánh vấn đề này . Ông Nhật cho biết, thực trạng này chính quyền đã nắm được, tuy nhiên, chức năng nhiệm vụ của xã chỉ là báo cáo lên huyện và việc xử lý vi phạm, xử phạt thuộc trách nhiệm của lực lượng chức năng chuyên môn (cụ thể là lực lượng Công an huyện Gia Lâm).

Huyện Gia Lâm: Xe chở cát có dấu hiệu quá khổ, quá tải ngày đêm “băm nát” đê sông Hồng
Lực lượng chức năng xử lý 1 xe chở cát có dấu hiệu quá khổ, quá tải tại chân cầu Thanh Trì. Tuy nhiên cách đó khoảng 200m, ngay khu vực cửa khẩu đi ra hướng Đền Thiên Vương Thịnh (xã Đông Dư), hàng chục xe chở cát quá tải tương tự "thản nhiên" chạy rầm rộ. (Ảnh cắt từ Clip)

Tiếp tục liên hệ làm việc với Công an huyện Gia Lâm về thực trạng xe quá khổ, quá tải “băm nát” tuyến đê sông Hồng trên địa bàn huyện, chúng tôi được ông Phạm Văn Hậu – Trưởng Công an huyện cho biết, Công an huyện đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Trường, Phó trưởng Công an huyện xử lý. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp văn bản chỉ đạo cũng như thời hạn xử lý triệt để thực trạng trên, thì không nhận được bất kỳ thông tin nào từ lực lượng Công an huyện Gia Lâm.

Trước đó, nhằm hạn chế tình trạng xe quá khổ, quá tải… ngày 15/3/2021, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 1146/KH-C08-P8 về việc tuần tra, kiểm soát, xử lý, vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn và tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ (từ 20/3 đến 31/12/2021).

Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 100/2019, ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông... Tuy nhiên, từ thực trạng trên dường như tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn huyện Gia Lâm vẫn chưa thể xử lý triệt để; thậm chí còn có dấu hiệu tăng lên, đặc biệt là vào thời điểm những tháng cuối năm.

Được biết, hàng năm, UBND thành phố Hà Nội phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ để duy tu, sửa chữa các tuyến đường để cho nhân dân lưu thông thuận tiện. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn có những tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, khiến ngân sách của Thành phố hàng năm cứ bị vơi đi, trong khi đó, thực trạng xe quá khổ, quá tải “băm nát” đê sông Hồng không được xử lý dứt điểm, thậm chí còn trở thành cơ hội làm giàu cho nhiều cá nhân, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, vận tải trong lĩnh vực này.

Huyện Gia Lâm: Xe chở cát có dấu hiệu quá khổ, quá tải ngày đêm “băm nát” đê sông Hồng
Bãi tập kết cát khu vực xã Đông Dư còn hoạt động rầm rộ vào ban đêm

Trong khi đó, một số cơ quan chức năng được phân công nhiệm vụ như: Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão; các Hạt quản lý đê điều; UBND các quận, huyện; Cảnh sát giao thông; Thanh tra giao thông các quận, huyện để xử lý tình trạng này, nhưng dường như xử lý “không xuể”. Cứ thế, những con đê này theo thời gian vẫn phải oằn mình “cõng” các xe chở cát quá khổ, quá tải mà không bị xử lý triệt để; trong khi đó, người dân vẫn phải hứng chịu thảm cảnh ô nhiễm môi trường, khói bụi...

Từ thực trạng trên thiết nghĩ, Bộ công an cần đánh giá việc thực hiện chuyên đề một cách nghiêm túc để khen thưởng những đơn vị làm tốt, kiểm điểm, phê bình những đơn vị yếu kém nhằm thực hiện tốt hơn trong những năm tới. Đồng thời, chính quyền các phường, xã, huyện, tỉnh, thành phố… cần quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên thanh, kiểm tra để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; tránh để thực trạng trên kéo dài, gây bức xúc dư luận.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này