Quyết liệt giảm ca tử vong do Covid-19

12:03 | 18/01/2022
(LĐTĐ) Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, những ngày qua trên địa bàn Thành phố, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số lượng ca F0 đứng đầu cả nước. Bằng nhiều biện pháp, chiến lược cụ thể, ngành Y tế Thủ đô đã chủ động kiểm soát dịch bệnh, với mục tiêu chăm sóc tốt cho F0 điều trị tại nhà, đặc biệt là giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tầng, bệnh nhân chuyển nặng và tử vong do Covid-19.
Ngày 15/1: Hà Nội ghi nhận thêm 2.810 ca F0, 18 ca tử vong do Covid-19 Hà Nội tiếp tục các giải pháp giảm tử vong do Covid-19

Hà Nội gần chạm mốc 3.000 ca F0 trong ngày

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội trong tuần vừa qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Thành phố liên tục tăng cao. Trong đó, có những ngày Thành phố gần chạm mốc 3.000 ca/ngày. Đơn cử, ngày 13/1 Hà Nội ghi nhận 2.969 ca, hay ngày 14/1 với 2.993 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 16/1, toàn Thành phố có 50.188 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Riêng trường hợp theo dõi cách ly tại nhà là 39.567 người. Trong ngày, số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 5 người; số ca tử vong trong ngày là 14 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 351 người.

Quyết liệt giảm ca tử vong do Covid-19
Nhân viên y tế cấp phát thuốc cho những trường hợp điều trị Covid-19 tại nhà.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, thời gian qua, Thành phố vẫn tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Trọng tâm ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương triển khai cũng như đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân với các hoạt động như: Giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà…

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Y tế lên phương án sẵn sàng ứng phó với trường hợp có 100 nghìn ca F0 tại Thành phố. Với phương án đó, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng và phân tầng điều trị. Bởi điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với F0 khi phát hiện là phải nhanh chóng phân tầng bằng phần mềm quản lý F0 tại nhà.

Hiện, Hà Nội đang chia làm 3 tầng điều trị. Cụ thể, tầng 1 điều trị tại nhà cho những trường hợp trẻ tuổi, đã tiêm đủ vắc xin, không có bệnh nền và không có yếu tốt nguy cơ. Và những trường hợp đó hiện đang chiếm khoảng 60% bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn Thành phố.Các bệnh nhân cũng yên tâm khi điều trị tại nhà và được chăm sóc y tế tại địa phương.

Còn với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì Sở Y tế đã bố trí cơ sở thu dung tuyến quận, huyện để tiếp nhận theo dõi chăm sóc. Những trường hợp ở tầng 1 nhưng có yếu tố nguy cơ cao hơn, có thể trở nặng, Sở Y tế có bố trí cơ sở thu dung cấp Thành phố để các bệnh nhân đó được theo dõi.

“Chính vì vậy tầng 1 chiếm khoảng 92% bệnh nhân F0 và được phân thành 3 cấp gồm: Cơ sở thu dung cấp Thành phố đối với trường hợp tầng 1 có nguy cơ cao cần theo dõi sát hơn; cơ sở thu dung cấp quận/huyện dành cho F0 tầng 1 mà gia đình không có điều kiện chăm sóc tại nhà; còn các trường hợp nhẹ điều trị tại nhà”, ông Nguyễn Đình Hưng thông tin.

Tầng điều trị số 2 dành điều trị cho các trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao. Hiện, Sở Y tế bố trí 29 bệnh viện tuyến quận/ huyện với năng lực là 7.000 giường để đáp ứng điều trị tầng 2. Đối với F0 tầng 2 chiếm số bệnh nhân khoảng 5- 6%.

Riêng tầng 3 dành điều trị cho các trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, Sở Y tế đã bố trí 1.000 giường tại các bệnh viện đa khoa Thành phố gồm: Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện Đức Giang; Bệnh viện Xanh Pôn; Bệnh viện Đa khoa Hà Đông; Bệnh viện Sơn Tây. Đây là những tầng điều trị hồi sức tích cực bệnh nặng có thể thở máy, lọc máu,…để cứu sống người bệnh.

Chiến lược đánh chặn chuyển tầng

Để hạn chế việc chuyển tầng, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, Hà Nội đã có nhiều chiến lược cụ thể. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng: Chiến lược điều trị Covid-19 của Hà Nội trong giai đoạn này là đánh chặn từ tầng thứ nhất. Vì vậy tất cả bệnh nhân khi được phân vào tầng thứ nhất được quản lý, chăm sóc, theo dõi trên hệ thống phần mềm.

“Trong hệ thống phần mềm chúng tôi đều cảnh báo, khi bệnh nhân đăng nhập và khai báo thông tin; cũng như nhân viên y tế kích hoạt các Tổ hỗ trợ chăm sóc Covid cộng đồng sử dụng phầm mềm thì nhân viên y tế sẽ biết ngay bệnh nhân đó đang ở tình trạng bệnh màu nào. Nếu ở màu xanh yên tâm; đối với màu vàng cần theo dõi, đối với màu da cam cần sự hỗ trợ của Tổ chăm sóc Covid-19 cộng đồng; còn đối với màu đỏ thì cần chuyển khẩn cấp tới bệnh viện”- ông Nguyễn Đình Hưng phân tích.

Mới đây, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đã chính thức thành lập Fanpage trên mạng xã hội Facebook với tên: “Trạm y tế online - Phường Trúc Bạch”, đường dây nóng: 039.885.6892. Đây là trạm y tế online đầu tiên tại Thành phố Hà Nội. Theo ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết, thành viên của “Trạm y tế online” gồm cán bộ phường, trạm y tế phường, các y bác sĩ tình nguyện... Fanpage này cung cấp các bài luyện tập thể chất, tinh thần, hướng dẫn chăm sóc người bệnh, công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đối với các bệnh nhân F0 khi có chỉ định dùng thuốc chống kháng vi rút đều được cấp phát miễn phí. Như vậy ngành Y tế đã và đang cố gắng đặt mục tiêu phải làm tốt ngay từ tầng đầu tiên, để hạn chế chuyển bệnh nhân từ tầng 1 lên tầng 2. Đồng thời, khi đã chuyển bệnh nhân lên tầng 2, hay tầng 3 Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện và chuyên khoa Thành phố tích cực điều trị, để hạn chế việc chuyển tầng cũng như hạ tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Song song với đó, ngành Y tế còn có chiến lược hạ tầng điều trị. Theo đó, các bệnh nhân khi đang điều trị tại tầng 2 hoặc tầng 3, các y, bác sĩ sẽ cố gắng điều trị cho bệnh nhân tốt nhất, khi đủ điều kiện sẽ hạ tầng điều trị cho bệnh nhân…làm sao vừa đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, vừa đảm cơ số giường để tiếp nhận các bệnh nhân nặng.

Đặc biệt nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã làm việc với Bộ Y tế, các bệnh viện Trung ương bộ ngành trên địa bàn và các bệnh viện Hà Nội.

“Chúng tôi đã xây dựng bộ quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế, bệnh viện Trung ương trên địa bàn cùng tham gia vào phòng, chống dịch trong giai đoạn này. Và các bệnh viện tuyến Trung ương cũng sẵn sàng chuẩn bị cơ số giường điều trị tầng 2, tầng 3 để đáp ứng công tác tiếp nhận và điều trị bệnh nhân”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, với sự phối hợp chặt chẽ của Trung ương và địa phương, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND, và sự vào cuộc cuộc của Sở Y tế cũng như tất cả cán bộ y tế trên địa bàn thì dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt.

Bên cạnh đó, trong hệ thống y tế đã tổ chức ứng trực đường dây nóng, cũng như tổng đài 1022 để hỗ trợ tất cả những trường hợp người dân cần giải đáp thắc mắc. Sở Y tế cũng tiến hành phân vùng cho 4 bệnh viện đa khoa hạng 1 chỉ đạo tầng 3 sẽ chỉ đạo toàn diện các bệnh viện đa khoa hạng 2 theo khu vực được phân công cũng như trung tâm y tế quận huyện…

“Chúng tôi phân làm 4 vùng để kết nối liên thông giữa các tuyến với nhau trong vấn đề điều trị cũng như chuyển tuyến; đồng thời lập 4 nhóm zalo gồm: Lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện tầng 2, tầng 3, cùng giám đốc các trung tâm y tế quận/ huyện hàng ngày báo cáo số liệu 3 lần và trong số liệu đó có cả số liệu bệnh nhân đang chờ để chúng tôi xử lý ngay” – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này