Gặp nghệ nhân làng cây cảnh Vị Khê

13:28 | 18/01/2022
(LĐTĐ) Trong tiết trời se lạnh những ngày giáp Tết, làng nghề cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) xanh ngát cả một góc trời. Có cơ duyên gặp gỡ ông Vũ Văn Hoa - nghệ nhân cây cảnh gắn bó với nghề hàng thập kỷ, chúng tôi được lắng nghe những tâm sự, câu chuyện thú vị đằng sau công việc trồng cây cảnh.
Độc đáo tượng hổ Nhâm Dần của một nghệ nhân 8x Nghệ nhân Tò he chuyển mình trong đại dịch Nghệ nhân tạo sức bật cho làng quất Tứ Liên

Trồng cây cảnh là nghề gia truyền của làng Vị Khê, đến đời con cháu của nghệ nhân Vũ Văn Hoa đã trải qua khoảng 800 năm. Đình Vị Khê thờ Thái úy Tô Trung Tự - ông tổ nghề trồng hoa cây cảnh.

Theo ngọc phả đình làng Vị Khê, năm 1211, quan Thái úy đến Nguyễn Gia Trang, thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đất phù sa màu mỡ, dân cư thuần phác nên đã cho lập Hành Cung để đi lại. Thái Úy còn cho đào con sông nhỏ vào phía Nam chợ để thuyền buôn đi lại dễ dàng.

Gặp nghệ nhân làng cây cảnh Vị Khê
Nghệ nhân Vũ Văn Hoa chăm sóc vườn cây cảnh.

Về sống tại đây, ngoài việc khuyến khích sản xuất mở rộng nghề nông trang, ông còn dạy nhân dân địa phương trồng hoa cây cảnh làm kế sinh nghiệp. Từ đó, cha truyền con nối từ đời này qua đời khác, nghề trồng cây cảnh đã gắn với kế sinh nhai của nhân dân làng Vị Khê.

Nghệ nhân Vũ Văn Hoa chia sẻ, từ bé, ông đã được làm quen, tiếp xúc với cây cảnh, hoa lá, quá trình chứng kiến bố và các bác tỉ mỉ chăm sóc cây, tham gia lễ hội hoa cây cảnh, tình yêu với nghề truyền thống của gia đình đã thấm dần vào tâm thức ông từ lúc nào không hay.

Kết thúc chương trình phổ thông và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 21 tuổi, ông Hoa chính thức bước vào nghề. Ông Hoa cho biết: “Để phát triển như ngày hôm nay, làng Vị Khê cũng trải qua biết bao thăng trầm, nhất là trong những năm tháng khói lửa chiến tranh. Lúc ấy, mọi nguồn lực tập trung cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc và đảm bảo lương thực cung cấp cho tiền tuyến nên có lúc nghề cây cảnh phai nhạt ít nhiều. Nhưng sau khi trải qua những năm tháng khó khăn ấy, dân làng lại tập trung với nghề truyền thống, càng say mê và mang đến nhiều giá trị cống hiến cho đất nước”.

Cũng như bao công việc khác, những bước đầu tiên vô cùng gian nan. Khi mới bắt đầu học cách uốn cây, chăm cây, ông Hoa gặp rất nhiều khó khăn vì để thành thạo không thể trong ngày một, ngày hai. “Có lúc, cụ nhà tôi bảo tôi không uốn được đâu, lúc đó tôi càng cố gắng, quyết tâm, học hỏi từ các cụ, các chú nhiều hơn, cuối cùng thành phẩm đầu tiên của tôi bán được những 200 triệu”, ông Hoa nhớ lại.

Từ thành tựu đầu tiên đó, nghệ nhân Vũ Văn Hoa càng tin tưởng vào đôi tay khéo léo của mình, ông sẽ kế thừa truyền thống và tiếp tục sáng tạo trong công việc ươm, trồng cây cảnh.

Nghệ Nhân Vũ Văn Hoa chia sẻ, dáng cây đẹp không thể có trong một sớm, một chiều, cây phải trải qua thăng trầm, có độ tuổi nhất định mới tạo nên giá trị. “Nhà tôi có những cây đến tôi là đời thứ 5, được làng công nhận là cây cổ nhất”, ông Hoa tươi cười giới thiệu về cây đã trải qua hơn hai trăm năm tuổi, độ tuổi càng cao, dáng cây càng săn chắc, vững vàng.

Theo ông, điều quan trọng nhất để cây có hình thù đẹp đẽ, sức sống dẻo dai là năng khiếu, bởi không phải ai cũng có tài chăm cây cảnh, sau đó cần học hỏi nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là cần hình dung ra cả quá trình uốn nắn cây, cẩn thận từng chút một để cây nên hình, nên thế...

Đặt chân đến làng Vị Khê những ngày này, du khách như lạc vào chốn cây cảnh với hàng trăm loại cây với các thế, các dáng khác nhau. Thân đứng thẳng, ngạo nghễ là thế trực, hai cây ghép đôi là song trụ, ngoài ra còn được uốn, nắn thành các thế ngọa long, giao long. Mỗi thế cây ở đây là một tích truyện, là lời các bậc tiền nhân răn dạy con cháu cần biết sống lễ nghĩa, nhân hậu, trung thực, yêu thương lẫn nhau.

Gặp nghệ nhân làng cây cảnh Vị Khê
Một góc khu vườn cây cảnh.

Nhìn vào các thế cây trong các gia đình sẽ biết gia đình đó mong ước, coi trọng điều gì. Ví dụ như, thế Song thụ là đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc; thế Long giáng là triều đình có rồng giáng xuống có điều may mắn cho gia đình; thế Huynh đệ đồng khoa: Hai anh em cùng học một lớp, cùng đỗ một khoa; thế Phụ tử tương tùy là sự dìu dắt của người cha đối với con trai đang dấn bước trên đường đời chông gai… Chính những giá trị chân - thiện - mĩ đó đã khiến cây cảnh mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn, thể hiện sự tài nghệ của các nghệ nhân tâm huyết, tỉ mỉ, uốn, tỉa tạo dáng cho từng chồi, từng nhánh.

Đằng sau nghệ thuật tạo tác cây cảnh cũng có nhiều câu chuyện thú vị. Có những nghệ nhân từ nhỏ đã bắt đầu gắn bó sâu sắc với cây cảnh, cũng có nghệ nhân từng đi khắp bốn bể năm châu và cuối cùng trở về với nghề truyền thống của làng. Có lẽ cái duyên kì diệu này chỉ có người làng nghề mới hiểu. Duyên nghề và bí kíp gia truyền được trao từ thế hệ này qua thế hệ khác đã tạo nên làng Vị Khê không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những nơi cung cấp cây cảnh lớn trên cả nước…

Không khí Tết đã lan tỏa khắp mọi nẻo đường, nhà nhà, người người đang rạo rực trong không khí xuân ấm áp. Một mùa Xuân nữa lại về trên làng Vị Khê, mỗi cây cảnh lại già thêm một tuổi, càng có giá trị sau bao thăng trầm thời gian. Và nghệ nhân làng Vị Khê vẫn miệt mài, cần mẫn, góp phần nhỏ bé trong công cuộc làm đẹp cho đất nước, quê hương./.

Hải Thủy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này