Tòa án nhân dân Tối cao: Không bỏ lọt án tham nhũng

16:15 | 14/01/2022
(LĐTĐ) Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong năm 2022, Tòa án nhân dân Tối cao đã đề ra 6 nhóm giải pháp, trong đó có tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của nhân dân đối với Tòa.
Ông Tất Thành Cang lĩnh án 10 năm tù Ông Tất Thành Cang bị đề nghị mức án 12-14 năm tù Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội: Xét xử hàng loạt vụ án liên quan tới tham nhũng

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, trong năm 2021, các Tòa án thụ lý 537.577 vụ việc, đã giải quyết được 436.660 vụ việc (đạt 81,2%). Số vụ việc đã thụ lý giảm 64.675 vụ việc, đã giải quyết giảm 107.944 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,81% (giảm 0,25%), đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Về giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật; đặc biệt đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Công ty Gang thép Thái Nguyên,… Trong năm 2021, ngành Tòa án đã đưa ra xét xử 136 vụ, với 177 bị cáo liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.

Về giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự.

Tòa án nhân dân Tối cao: Không bỏ lọt án tham nhũng
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty gang thép Thái Nguyên.

Các Tòa án đã tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tính đến ngày 30/9/2021, các Tòa án nhận được 197.279 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại; trong đó, các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại là 28.004 đơn, đã hòa giải, đối thoại thành 13.279 vụ việc, đạt 58,31%. Tuy nhiên, do luật mới có hiệu lực và ảnh hưởng của dịch bệnh nên cũng làm hạn chế đến kết quả hòa giải.

Đặc biệt, đối với giải quyết các vụ án hành chính, các Tòa thụ lý hơn 10.700 vụ; đã giải quyết gần 5.700 vụ (đạt tỷ lệ hơn 53%). Tính đến ngày 30/9/2021, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan, không có bản án, quyết định hành chính phải giải thích hoặc kháng nghị do tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, chất lượng trả lời đơn được bảo đảm. Việc kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Cấp cao được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, có căn cứ, đúng pháp luật. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng, tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm có căn cứ, khách quan, thận trọng và trách nhiệm. Các Tòa án đã giải quyết 4.942/5.211 đơn khiếu nại quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt 94,8%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tòa án nhân dân Tối cao cũng chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót trong năm qua. Cụ thể, tỉ lệ giải quyết các loại vụ việc và tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu của tòa án đề ra. Tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa vẫn còn cao. Còn để quá hạn giải quyết nhiều vụ việc do nguyên nhân chủ quan của tòa; chưa khắc phục triệt để việc tuyên không rõ…

Cạnh đó, tổ chức bộ máy chưa thực sự tinh gọn, cơ cấu đội ngũ công chức Tòa án nhân dân các cấp còn thiếu. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc ở nhiều đơn vị, đặc biệt là cấp huyện còn khó khăn. Một số công chức Tòa án chưa chấp hành nghiêm kỷ luật công vụ dẫn đến bị xử lý kỷ luật…

Nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho Tòa khi thực hiện nhiệm vụ. Mỗi năm trung bình Tòa thụ lý hơn 600.000 vụ việc, trong khi số lượng biên chế chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu; chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Tòa án nhân dân Tối cao đã đề ra sáu nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể gồm: Các nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các tòa; xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức, cán bộ; tăng cường công khai, minh bạch và sự giám sát của nhân dân đối với tòa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này