Thêm cơ chế ủy thác, thuận lợi hơn trong thu hồi tài sản thi hành án

13:02 | 14/01/2022
(LĐTĐ) Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua, Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản, gỡ vướng cho các cơ quan thi hành án dân sự trong thu hồi tài sản thi hành án.
Đề xuất các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp để thi hành án hiệu quả Vì sao tài sản tham nhũng khó thu hồi? Tăng cường công tác truyền thông trong thi hành án dân sự, hành chính

Khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự hiện hành mới chỉ quy định cơ chế ủy thác thi hành án (ủy thác toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thi hành án) mà chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản.

Đồng thời, theo luật, để thực hiện việc ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới thực hiện việc ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tại địa phương khác tiếp tục tổ chức thi hành, chứ không được xử lý đồng thời tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định.

Quy định này đã dẫn đến ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, giảm giá trị tài sản; nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng; đương sự tẩu tán tài sản; tốn kém thời gian…

Để khắc phục bất cập trên, Quốc hội đã sửa đổi, quy định việc ủy thác xử lý tài sản được thực hiện trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau.

Thêm cơ chế ủy thác, thuận lợi hơn trong thu hồi tài sản thi hành án
Một vụ thi hành án dân sự (ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19)

Cụ thể, trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.

Luật sửa đổi cũng quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác; trách nhiệm của cơ quan nơi ủy thác và cơ quan nhận ủy thác; việc dừng xử lý tài sản trong trường hợp đã thu được số tiền đủ để thi hành án và các chi phí liên quan…

Khi thảo luận về nội dung này trên nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, cơ chế ủy thác, xử lý tài sản là một trong những vấn đề ách tắc nhất của Luật Thi hành án dân sự hiện nay.

Nhiều vụ án, nhất là các đại án tham nhũng kinh tế hay là án liên quan đến tín dụng ngân hàng, tài sản phải thu hồi rất lớn và nhiều trường hợp tài sản không chỉ nằm ở một tỉnh mà trải dài ở nhiều tỉnh khác nhau.

Ví dụ như vụ Hứa Thị Phấn, gồm 393 bất động sản và 2 động sản nằm ở 2 tỉnh, hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như gồm có 24 bất động sản và 4 động sản nằm ở 5 tỉnh… Quy định hiện nay phải xử lý tuần tự, tức là sau khi tỉnh thứ nhất xử lý xong tất cả các tài sản thì mới được ủy thác cho tỉnh thứ hai và tỉnh thứ hai xử lý xong tất cả các tài sản thì mới được ủy thác cho tỉnh thứ ba… chứ không được đồng thời thi hành án.

Cách xử lý này dẫn tới thời gian thi hành một bản án kéo rất dài, có những bản án thi hành án 10 năm cũng chưa xong, bởi vì chỉ cần một tài sản bị tắc, vướng là không thể ủy thác cho các tỉnh tiếp theo. Điều này cũng dẫn tới gây thiệt hại trực tiếp cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp được thi hành án.

Bởi vì, có những bất động sản, nếu để lâu còn có thể giữ nguyên được giá trị, nhưng đối với những động sản là nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất mà để lâu, đắp chiếu nhiều năm thì chắc chắn sẽ dẫn đến giảm giá và mất giá trị rất lớn. Trên thực tế có những tài sản sau 10 lần, thậm chí 20 lần giảm giá cũng không thể bán được.

Hệ lụy quan trọng nữa là ảnh hưởng trực tiếp đến người có nghĩa vụ thi hành án. Nếu người có nghĩa vụ thi hành án này là phạm nhân thì họ sẽ bị thiệt thòi trong việc xét giảm án, vì một trong những điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện là phải thi hành xong phần nghĩa vụ về tài sản trong bản án. Trong khi có nhiều người rất tích cực, hợp tác, nhưng do bất cập của luật đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc họ không được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Chính vì vậy, việc Quốc hội quyết định sửa đổi quy định này không chỉ gỡ khó cho cơ quan thi hành và góp phần giảm án tồn đọng, mà còn là đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên liên quan.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này