Các y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh còn bị nợ lương đến bao giờ?

17:12 | 13/01/2022
(LĐTĐ) Sau 8 tháng bị Bệnh viện Tuệ Tĩnh kéo dài tình trạng nợ lương, từ ngày 11-12/1/2022, một lần nữa các y, bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam) bất đắc dĩ phải cầm băng rôn xuống đường đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng...
Bài 3: Vì sao lãnh đạo “né” báo chí Bài 2: Đề xuất “cầu cứu” chi phúc lợi Bài 1: “Nóng vội” xin tự chủ?

Đề cập đến việc bất đắc dĩ phải cầm băng rôn xuống đường để nhờ sự tác động của dư luận các y, bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, vì quá mệt mỏi và quá khó khăn nên các y, bác sĩ tại bệnh viện mới phải làm như vậy. Bởi thực tế, từ tháng 5 đến tháng 11/2021, cán bộ y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ được nhận 50% lương. Đến tháng 12/2021 thì họ không nhận được bất kỳ đồng lương nào và theo nhận định của các cán bộ, y, bác sĩ tại đây thì dự báo trong tháng 1/2022, việc họ không được nhận lương sẽ lại tiếp diễn bởi thời gian qua bệnh viện không có nguồn thu.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh còn bị nợ lương đến bao giờ?
Sau 8 tháng không được nhân lương, các y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bất đắc dĩ phải cầm băng rôn "xuống đường" đòi quyền lợi để đảm bảo cuộc sống

Bà Lê Thị Bình - Tổ trưởng Tổ Công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh bức xúc cho biết, sự việc cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương kéo dài, cũng như việc người lao động phải cầm băng rôn xuống đường là sự việc chưa từng xảy ra ở Học viện, cũng như Bệnh viện. Thế nhưng, kể từ khi Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đề xuất xin tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh và được thông qua năm 2019 thì các chế độ, phụ cấp của cán bộ, y, bác sĩ tại bệnh viện đã bị cắt hết chỉ còn lại lương. Đặc biệt, phần lương ít ỏi mà các y, bác sĩ có được từ năm 2021 cũng đã không được đảm bảo. Trong khi đó các lãnh đạo, trưởng, phó các khoa tại Bệnh viện và khối cán bộ thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam vẫn được nhận lương, thưởng đầy đủ…

Cùng chung sự bức xúc như bà Bình, nhiều cán bộ, y, bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng cho rằng, việc họ cùng được ký hợp đồng như các đồng nghiệp ở Học viện (chỉ khác vị trí việc làm), nhưng lại bị đối xử không công bằng, bị nợ lương, thậm chí chịu cảnh đói kém là không thể chấp nhận được, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang khiến cuộc sống của mọi người thêm khốn khó. Trong khi đó, hướng giải quyết vấn đề đến thời điểm này dường như vẫn chưa có, bất chấp sự chỉ đạo và vào cuộc của Bộ Y tế và các cơ quan, ban ngành. “Chúng tôi cảm thấy quá sức chịu đựng, nên cực chẳng đã chúng tôi mới phải xuống đường để nhờ cộng đồng lên tiếng”, Dược sĩ Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.

Sau khi sự việc hàng chục y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh mang băng rôn “xuống đường” đòi lương; chiều ngày 12/1, lãnh đạo Bệnh viện đã tổ chức một cuộc họp với các y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhưng không giải quyết được vấn đề. Theo các y, bác sĩ ở đây, việc lãnh đạo Học viện và bệnh viện tổ chức buổi họp chỉ mang tính chất động viên, còn lương và chế độ vẫn bảo chờ, không có lịch cụ thể khi nào trả. Phóng viên đã cố gắng liên lạc với Ban Giám đốc Bệnh viện và Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Được biết, cũng trong chiều ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1.

Cũng liên quan đến những khó khăn, bất cập tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, trước đó, báo Lao động Thủ đô cũng đã có loạt bài viết đề cập đến vấn đề “nóng vội” xin tự chủ của lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam; cũng như những “khuất tất” trong việc khai khống thu – chi để làm hồ sơ xin tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Thậm chí, khi phóng viên đặt lịch làm việc về nội dung này lãnh đạo Học viện, bệnh viện đã tìm mọi cách để “né” báo chí.

Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng của các cấp, các ngành mà cụ thể là Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Đồng thời, cần thanh tra và xử lý nghiêm túc những cán bộ yếu kém, những cán bộ lợi dụng việc tự chủ để trục lợi… có như vậy người lao động mới yên tâm làm việc và quyền lợi của họ mới được đảm bảo, đặc biệt, đây là những lực lượng tuyến đầu trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này