Đưa đất về đúng giá trị thực

14:41 | 13/01/2022
(LĐTĐ) Việc ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh gửi tâm thư xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) đã trúng thầu trước đó với giá 2,4 tỷ đồng/m2, xét về góc độ giá cũng là tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản.
Tổng Thư ký Quốc hội nói về vụ Việt Á và thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Giá đất tiếp tục tăng với những “tin đồn” về quy hoạch Cần có biên độ cho đấu giá đất!

Lao động Thủ đô từng có bài bình luận “Cần có biên độ về giá đất” liên quan đến sự kiện Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh với mức giá lên tới 2,4 tỷ đồng/m2. Trong đó, nhấn mạnh: Nếu như tác phẩm nghệ thuật như bức tranh, khi mang ra đấu giá, ai ra giá cao nhất sẽ thắng. Giá bức tranh có thể lên tới cả trăm triệu USD cũng không ảnh hưởng, tác động đến xã hội. Song với đất đai, khi bỏ giá quá cao để trúng đấu giá sẽ gây hệ lụy cho xã hội. Nếu một m2 đất dự án được định giá lên tới hàng tỷ đồng sẽ dẫn đến hiệu ứng “domino”- giá nhà đất sẽ tăng theo. Hệ quả, hàng chục ngàn người thu nhập thấp càng khó có cơ hội tiếp cận với nhà ở.

Đưa đất về đúng giá trị thực
Ảnh minh họa.

Đất đai, tài chính, tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế và đời sống xã hội. Chính vì thế, trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng quy định lãi suất cơ bản, trong đó có biên độ dao dịch (+, -). Các ngân hàng thương mại chỉ được phép áp lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi trong biên độ giao dịch cho phép. Đối với lĩnh vực đất đai, Nhà nước cũng áp giá sàn (giá này thường dùng cho việc áp dụng đền bù giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, trên bình diện chuyển nhượng, chào bán thương mại và đặc biệt là đấu giá đất cần có những quy chuẩn nhất định.

Liên quan đến vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, tại phiên họp ở tổ, kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng đấu giá đất lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 sẽ làm nhiễu loạn thị trường. Ngay lập tức, trên không gian mạng, không ít chuyên gia kinh tế lẫn “chuyên gia bàn phím” cho rằng nhận định đó là phiến diện.

Vì đấu giá là do yếu tố thị trường quyết định. Nhà đầu tư có quyền bỏ thầu bao nhiêu là tùy, ngân sách Nhà nước được hưởng lợi chẳng đi đâu mà thiệt. Nhưng có biết đâu, đây chỉ cái gọi là “lợi bất cập hại”, một làn sóng mới sẽ được thiết lập trên thị trường bất động sản dẫn đến hàng trăm ngàn người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng.

Chính vì thế, sau khi Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề liên quan đến đấu giá đất, chiều ngày 11/1 các báo đồng loạt đăng bức tâm thư của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong đó vị Chủ tịch giãi bày: “Sau khi trúng đấu giá với giá cao như vậy, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua. Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung”.

Bản thân người đứng đầu Tân Hoàng Minh đã biết “cái giá” của việc bỏ giá quá cao ảnh hưởng đến xã hội thế nào. Vấn đề này không bình luận. Chỉ nhân vụ việc Tân Hoàng Minh bỏ giá cao để rồi viết tâm thư xin rút lui, mong rằng tới đây các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước cần nghiên cứu chính sách để thiết lập mặt bằng giá đất về đúng giá trị thực. Có như vậy, cơ hội có nhà của hàng vạn người lao động có thu nhập thấp mới thành hiện thực.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này