Cản trở quyền thăm nuôi con là vi phạm luật

21:26 | 13/01/2022
(LĐTĐ) Những ngày gần đây, câu chuyện bé N.T.V.A (8 tuổi, trú tại thành phố Hồ Chí Minh) bị vợ chưa cưới của bố bạo hành dẫn đến tử vong khiến dư luận hết sức bất bình. Xung quanh sự việc đau lòng này, có nhiều vấn đề pháp lý đáng bàn để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, trong đó có vấn đề quyền được thăm nom, chăm sóc con của các cặp vợ chồng sau ly hôn.
Quyền nuôi con khi ly hôn?

Chồng cũ ngăn cản gặp con

Sau khi bé V.A mất, mẹ bé là chị N.T.H đã gửi đơn đến Viện Kiểm sát nhân dân và Công an thành phố Hồ Chí Minh tố cáo chồng cũ vì sau khi ly hôn đã cấm chị gặp con. Sau hơn một năm ly hôn, chị H. chỉ được gặp con 2-3 lần, lần cuối cùng là khoảng tháng 12/2020…

Cản trở quyền thăm nuôi con là vi phạm luật
Đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị khởi tố về tội Giết người và Hành hạ người khác.

Trong thực tế, không ít cặp đôi ly hôn trong hòa bình, họ vẫn có thể xem nhau như bạn bè, tôn trọng nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, sau ly hôn, bao nhiêu “ấm ức” về nửa kia lúc còn chung sống bị họ trút lên đầu những đứa con chung.

Có thể người vợ/chồng không muốn ly hôn vì sĩ diện, vì mất chỗ dựa, vì nhiều lý do khác nhau. Sau ly hôn, một trong những tranh chấp mà nhiều cặp vợ chồng gặp phải là giành quyền nuôi con, thăm con. Nhiều người đã bằng mọi cách chứng minh mình yêu thương, có thu nhập, nhà ở, điều kiện chăm sóc con… tốt hơn hẳn vợ/chồng cũ, để giành bằng được quyền nuôi con, mặc dù trước đó họ không thật sự quan tâm, thậm chí bỏ bê con cái. Họ làm vậy như một cách để “trả thù” người cũ. Hậu quả là những đứa con, nhẽ ra cần được quan tâm, yêu thương hơn vì thiệt thòi khi không có một gia đình hoàn chỉnh, thì lại trở thành nơi trút giận của bố mẹ, thậm chí cả ông bà, người thân.

Trong thực tế, sau khi giành được quyền nuôi con, nhiều cha/mẹ đã bằng mọi cách ngăn cản quyền thăm nuôi con của đối phương sau ly hôn. Không chỉ bản thân ngăn cản, họ còn kêu gọi cả gia đình, người thân, rồi yêu cầu nhà trường nơi con học làm đồng minh, tìm mọi cách ngăn đối phương thăm nuôi con, rồi nói xấu người kia với đứa trẻ…

Để thực hiện được quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con cái sau ly hôn - một quyền lẽ ra rất đương nhiên này, nhiều ông bố, bà mẹ đã phải khởi kiện ra Tòa. Tuy nhiên, một thẩm phán chia sẻ, có những vụ việc, không phải cứ có phán quyết của Tòa là người cha/người mẹ có thể thực hiện được quyền chăm nuôi con của mình, dù họ đã đeo đuổi việc này nhiều năm. Có vụ việc, bản án có hiệu lực, nhưng thi hành không đơn giản vì người chồng vẫn không thay đổi, anh ta, mẹ đẻ và em gái cố tình chống đối, liên tục thay đổi nơi ở, giấu đứa trẻ đi, thậm chí không cho bé đi học để không cho người mẹ gặp con vì “đòi bỏ chồng là phải ra đi tay trắng”…

Hành vi phạm pháp

Pháp luật về hôn nhân gia đình và trẻ em đã quy định chi tiết, cụ thể về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn. Tìm mọi cách để ngăn cản con không cho gặp cha/mẹ sau khi ly hôn không chỉ làm tổn thương người làm cha/mẹ, mà quan trọng hơn, còn khiến những đứa con mất đi cái quyền được chăm sóc, được thương yêu. Đồng thời cũng quy định vợ/chồng phải tôn trọng quyền được nuôi con của người được Tòa giao nuôi con, quyền được thăm con và nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con.

Với những kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định bổ sung khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội Giết người (trước đó Trang đã bị khởi tố về tội Hành hạ người khác) và Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái về tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi phạm tội của Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và xâm phạm tính mạng con người và đặc biệt tính mạng trẻ em, là người yếu thế không những được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ mà còn được các Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo vệ. Còn Nguyễn Kim Trung Thái, sự vô cảm và đồng lõa với người tình của mình, đã tiếp tay cho Trang hại chết con đẻ… Hành vi của hai đối tượng này chắc chắn sẽ phải chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Minh Long - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho hay, khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định rõ về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Cụ thể, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con. Đồng thời cha/mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Việc ngăn cản con gặp cha/mẹ khi người này không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cũng là một trong các hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Còn tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Khoản 1 Điều 28 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ… Đồng thời, người bị cản trở quyền thăm nuôi con có quyền gửi đơn đến cơ quan Thi hành án hoặc Công an nhờ can thiệp. Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị ngăn cản thăm nom chăm sóc giáo dục con chung và có đủ chứng cứ chứng minh sự ngăn cản này ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của con chung thì có quyền gửi đơn đến Tòa án yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.

Bên cạnh đó, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho trẻ em, pháp luật cũng quy định cha/mẹ không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó…

Như vậy, có thể nói, hành lang pháp lý để bảo vệ quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của bố/mẹ sau ly hôn đối với con khá đầy đủ. Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều cần được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ để trưởng thành. Chẳng ai mong cuộc hôn nhân của mình đổ vỡ, nhưng khi đã không cho các con được một gia đình đầy đủ, các ông bố/bà mẹ nên bỏ qua “cái tôi” cá nhân để vì quyền lợi của con, hành xử văn minh và không vi phạm pháp luật. Rõ ràng, chuyện đau lòng với bé V.A rất có thể đã không xảy ra, nếu mẹ đẻ của bé được thường xuyên thăm con, biết được tình hình của con… /.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này