Tiếp tục xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

21:25 | 13/01/2022
(LĐTĐ) Mới đây nhất, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã đặt ra nhiệm vụ: Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hoá truyền thống trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hoá cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh Tọa đàm trực tuyến nâng cao văn hóa cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Trong quản lý xã hội ở Việt Nam hiện nay được điều chỉnh bằng luật pháp và hương ước, quy ước- đang tồn tại song song và được xem như là những chuẩn mực của xã hội. Nếu như pháp luật là hệ thống các quy tắc ứng xử có tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành theo một trình tự, thủ tục thống nhất và bảo đảm các biện pháp thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ổn định cho sự phát triển của xã hội, thì hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Tiếp tục xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Phụ nữ phường Mỹ Đình 1 chăm sóc cây hoa, xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn.

Dưới góc độ pháp lý, hương ước, quy ước được coi là một công cụ quan trọng góp phần quản lý xã hội trong phạm vi thôn, làng. Bên cạnh hệ thống luật pháp hiện nay, hệ thống các quy phạm xã hội như hương ước, quy ước, phong tục, tập quán… của cộng đồng dân cư tuy không mang tính cưỡng chế, bắt buộc chung, phải tuân thủ cao như quy phạm pháp luật, song nó vẫn có giá trị bởi có sự kết hợp giữa cưỡng chế với sự tự nguyện, xử phạt với giáo dục, răn đe và thuyết phục. Dưới góc độ văn hóa, hương ước, quy ước góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, thôn, làng và cao hơn nữa là truyền thống dân tộc, bảo vệ thuần phong mỹ tục, tinh thần tương trợ, tương thân tương ái… Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ.

Trên địa bàn toàn quốc, tính đến năm 2018, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, đã rà soát được 106.383 thôn, làng, có 99.073 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 93,1%).

Trên địa bàn Thành phố, tính đến tháng 7/2021, đã có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước (đạt tỷ lệ 87,5%), trong đó có 1.232 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã góp phần mang lại một số hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; giữ gìn, phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương, dân tộc; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn Thành phố đã quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan hành chính Nhà nước phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Việc xây dựng các hương ước, quy ước được gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn; việc phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường ở cơ sở. Nội dung các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.

Nhiều bản hương ước, quy ước đã thể hiện được tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư như khôi phục, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của thôn, làng, dòng họ; bài trừ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được đã nói trên, việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn Thành phố cũng còn có những hạn chế cần phải được điều chỉnh, khắc phục. Ví như, một số hương ước có nội dung chưa đúng quy định pháp luật; xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nhiều hương ước sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại chính sách, pháp luật, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương. Việc xây dựng, thực hiện hương ước ở một số địa phương còn hình thức; nhiều nơi việc xây dựng, thực hiện hương ước không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà chủ yếu là để chạy theo bệnh thành tích…

Tại Hội nghị “Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp” vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu cho Thành phố có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong việc xây dựng hương ước, quy ước phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, từng cụm dân cư, phát huy vai trò của dòng họ; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với định hướng chung, đồng thời, thể hiện được những nét riêng biệt, đặc thù của từng cộng đồng dân cư. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, Ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn cần huy động sự tham gia tích cực, trách nhiệm của cộng đồng dân cư; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện hương ước, quy ước, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên./.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này