Thị trường chứng khoán phát triển theo đúng định hướng

11:13 | 11/01/2022
(LĐTĐ) Theo đà phát triển của những năm trước, năm 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Quốc hội về phát triển thị trường tài chính trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Các cấu phần thị trường bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, đạt và vượt các mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu, trái phiếu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ

Chứng khoán thiết lập đỉnh lịch sử mới

Tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính năm 2021 (Bộ Tài chính), đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2021 trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VNIndex nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi chạm mốc 1.500,81 điểm. Tính đến ngày 28/12, VNIndex đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNXIndex đạt mức 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020.

Thị trường chứng khoán phát triển theo đúng định hướng
Các đại biểu thực hiện nghi thức đánh cồng.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 28/12, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1.727.000 tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tính đến cuối tháng 11/2021 các doanh nghiệp phát hành 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020. Quy mô thị trường TPDN riêng lẻ tính đến cuối tháng 11/2021 tương đương 20,4% GDP năm 2020, tăng 27,5% so với cuối năm 2020. Các tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất, chiếm 34,5% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm 27,8%. Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 nhưng đã có bước tăng trưởng tốt và ổn định.

Đối với thị trường Trái phiếu Chính phủ (TPCP), trong năm 2021, Bộ Tài chính thực hiện đúng các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về khối lượng huy động và tỷ lệ phát hành TPCP có thời hạn 5 năm trở lên. Việc huy động kỳ hạn dài góp phần kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân, đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ TPCP. Lãi suất phát hành TPCP đã được điều hành phù hợp cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ.

Cùng với đó, quá trình tái cấu trúc tổ chức thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán được đẩy mạnh và đang phát huy hiệu quả. Hoạt động tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn được tiếp tục triển khai, đã làm giảm số lượng công ty hoạt động yếu kém, nâng cao chất lượng hoạt động công ty hiện có. Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán trên thị trường chứng khoán đã được hiện đại hóa, cho phép rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản thị trường.

Định hướng gắn với cơ cấu lại thị trường

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến 2045 Việt Nam sẽ là một nước phát triển, thúc đẩy sáng tạo, phát triển của người dân và doanh nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển, đó là “Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia; cơ cấu lại, tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính... Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu; quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường, bảo đảm tính thanh khoản cao và an toàn hệ thống. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá năm 2022 tiếp tục là một năm khó khăn do cả thế giới vẫn đứng trước nguy cơ, thách thức của đại dịch Covid-19. Bộ trưởng chỉ đạo ngành chứng khoán cần luôn đổi mới, chủ động để đạt được mục tiêu trong năm tới. Trong đó: Tập trung hoàn thiện thể chế, từ Luật đến Nghị định, chiến lược phát triển của ngành chứng khoán, các thông tư và các quy định pháp luật có liên quan để bịt những lỗ hổng, bảo đảm cho TTCK phát triển một cách lành mạnh, minh bạch, đúng đắn. Sau khi thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cần tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác tổ chức bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả, chất lượng nhất. Tập trung cơ cấu lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chuyên môn hóa cao. Xây dựng hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chuyên nghiệp để thuận lợi cho kinh doanh và trong công tác quản lý. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lí vi phạm, trục lợi trên TTCK.

Trong năm 2021, với bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch bên cạnh việc đảm bảo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đã tập trung phát triển thị trường tài chính thông qua phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư, phát triển; phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thiện chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vi mô, chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Những giải pháp trên đã góp phần phát triển thị trường vốn ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường tài chính ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, giữa thị trường TPCP và thị trường TPDN.

Theo đại diện Bộ Tài chính, để triển khai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phát triển thị trường vốn cần được triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát từ hoàn thiện khung pháp lý, phát triển toàn diện các cấu phần thị trường, đa dạng sản phẩm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ thị trường đến tăng cường quản lý giám sát, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung tổ chức triển khai Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 để vận hành thị trường vốn, TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trên thị trường TPDN. Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu, yêu cầu việc có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu, hướng dẫn cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi giao dịch TPDN riêng lẻ, bổ sung quy định đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN và chuẩn hóa quy định về chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để tổ chức thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này