Khi người dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới

14:16 | 11/01/2022
(LĐTĐ) Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã và đang quyết tâm huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực từ sức dân trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, từng bước hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Hà Nội: 100% xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới Nông thôn mới nâng cao, nhìn từ huyện Đan Phượng

Bức tranh làng quê khởi sắc

Đến thị xã Sơn Tây không ít lần song mỗi dịp ghé thăm, cảm xúc của tôi với vùng đất này lại mỗi lần mỗi khác. Bởi ngoài nét chân chất, hồn hậu của người dân nơi đây, hiện đời sống vùng xứ Đoài mây trắng cũng dần được nâng cao, nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Khi người dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới
Người dân chung sức xây dựng, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm tại huyện Ba Vì. Ảnh: Giang Nam

Về Kim Sơn - xã đầu tiên trên địa bàn thị xã Sơn Tây được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đi trên những con đường khang trang, sạch đẹp rợp bóng cờ hoa, trong hơi ấm của mùa xuân, xã Kim Sơn như bừng lên sức sống mới từ kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao mang lại.

Ít ai biết, xuất phát điểm của Kim Sơn tương đối thấp. Kim Sơn là xã cuối cùng của thị xã Sơn Tây về đích nông thôn mới năm 2018. Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, xã Kim Sơn đã từng bước đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tính riêng quãng thời gian từ năm 2018 - 2020, xã Kim Sơn đã huy động gần 19 tỷ đồng nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó nguồn vốn xã hội hoá từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đạt gần 3,4 tỷ đồng. Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, từ kinh nghiệm thực tiễn thành công trong công tác xây dựng nông thôn mới cho thấy, khi nhân dân đã hiểu được những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng đắn thì việc triển khai thực hiện không còn là chuyện khó. Công cuộc xây dựng nông thôn mới suy cho cùng đích đến vẫn là nâng cao được chất lượng sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để khẳng định vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự tiên phong của tổ chức Đảng.

Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xét cho cùng là nâng cao đời sống người nông dân. Nắm bắt được tinh thần này, nhiều địa phương dù có xuất phát điểm không cao nhưng đã biết khéo léo tận dụng thế mạnh vốn có để phát triển. Xã Thanh Mỹ là ví dụ. Theo tìm hiểu, Thanh Mỹ từng có xuất phát điểm là xã khó khăn nhất của thị xã Sơn Tây. Với địa hình trung du, đồi gò, đất khô cằn sỏi đá, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, trong khi nông dân chủ yếu trồng sắn, ngô, lạc nên thu nhập thấp (18,8 triệu đồng/người/năm), đời sống còn nhiều khó khăn, toàn xã có tới hơn 300 hộ nghèo (8,7%)… Trong khi đó, mỗi hộ nông dân ở Thanh Mỹ có từ 7 - 18 mảnh ruộng nhỏ, rải rác ở các khu đồng, trên đồi, giao thông nội đồng là đường đất, kênh mương thủy lợi chưa được kiên cố...

Được biết, sau 5 năm nỗ lực 2011 - 2016 Thanh Mỹ hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tiếp đà, cho đến nay Thanh Mỹ vẫn đang tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tương tự Sơn Tây, tại huyện Ba Vì, với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn đã và đang quyết tâm huy động sức mạnh tổng hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, nội lực từ sức dân trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Năm 2021, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, huyện Ba Vì đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công, nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Từ những đóng góp của nhân dân các địa phương đã góp phần tích cực mở rộng đường giao thông nông thôn, đường làng ngõ xóm; đường nội đồng; sửa chữa và xây mới các công trình trường học và một số công trình khác đang tiếp tục được hoàn thiện để đạt tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đem lại lợi ích bền vững

Một điểm đáng chú ý là, tại những vùng quê đang “chuyển mình” cũng có sự năng nổ, nhanh nhẹn “chuyển mình” của người nông dân. Không thụ động trông chờ vào các ban, ngành chức năng, không ít người nông dân nơi ngoại thành cũng chủ động trong công cuộc chuyển dịch cây trồng, con giống sao cho đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Khi người dân đồng thuận xây dựng nông thôn mới
Lực lượng đoàn thanh niên ra quân dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan ở Sơn Tây. Ảnh: Giang Nam

Tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, phong trào phát triển chăn nuôi đà điểu đang mang lại thu nhập cao cho người chăn nuôi nơi đây. Anh Nguyễn Văn Trung - một trong những người tiên phong nuôi “chim khổng lồ” ở vùng đất này cho biết, thời gian đầu mới bắt tay vào chăn nuôi, do chưa hiểu biết nhiều về đặc tính của đà điểu nên anh Trung gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, với ý chí quyết tâm, vừa học, vừa làm cũng như nhận được sự giúp đỡ của cán bộ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, anh Trung dần nắm bắt được một số kiến thức cơ bản. “Thịt đà điểu có nhiều giá trị dinh dưỡng nên giá bán tốt. Da, lông, xương đà điểu đều có thể chế biến thành các sản phẩm khác nhau… Với những lợi thế này mang lại, nếu phát triển nuôi với số lượng lớn thì hiệu quả kinh tế sẽ mang lại cao hơn nhiều lần so với các cây, con giống truyền thống” - anh Trung nhận định.

Tương tự, tận dụng thế mạnh tự nhiên, nhiều hộ dân thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh đã phát triển nghề trồng cây cảnh thành ngành kinh tế chủ đạo, từ đó nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tại thôn An Hòa, có rất nhiều hộ dân đã bén duyên với nghề trồng mai và có cuộc sống ổn định từ nghề này. Với tổng số 252 hộ trong thôn thì có tới 180 hộ đều tham gia trồng cây mai. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm. Được biết, có nhiều lao động trong thôn không tham gia trồng mai mà chỉ nhổ cỏ thuê cho các vườn cũng có thu nhập trên 200.000 đồng/ngày công. Tính bình quân thu nhập tại thôn An Hòa đạt trên 85 triệu đồng/người/năm. Từ nguồn thu này người dân đã có nhiều kinh phí để tích cực thực hiện công tác xã hội hóa những phần việc trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở không ít địa phương cho thấy, nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của người dân cùng với Nhà nước và địa phương thực hiện các tiêu chí nông thôn mới thì đều sớm đạt đích và ngược lại. Ở thị xã Sơn Tây hay các địa phương của huyện xa Thủ đô như Ba Vì bài học kinh nghiệm được rút ra là để huy động được nguồn lực từ phía nhân dân, thì Đảng bộ, chính quyền trước hết phải làm cho dân hiểu xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của chính nhân dân chứ không ai khác. Và hiển nhiên, khi người dân hiểu thì tinh thần đoàn kết, nội lực từ sức dân sẽ được phát huy tối đa. /.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này