Thành phố Hồ Chí Minh cần gì để vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm?

16:06 | 08/01/2022
(LĐTĐ) Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng rất nhiều do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong năm 2021, Thành phố vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng và ghi nhận.
Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận di chứng phổi, tim mạch, tâm thần hậu Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh trở thành "vùng xanh" sau hơn 3 tháng mở cửa F0 tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn cách ly tại nhà 10 ngày

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng 8/1, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dưới tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 với biến thể Delta đã tác động nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực của Thành phố. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chủ đề năm diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn, thách thức và chưa từng có tiền lệ.

Trong bối cảnh đó, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự đoàn kết của người dân, sức chịu đựng cũng như tiềm năng của kinh tế Thành phố đã được khẳng định với nhiều điểm sáng.

Thành phố Hồ Chí Minh cần gì để vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm?
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTBC

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Mãi cho biết, thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh từ cuối tháng 9 và đến nay đã hoàn thành việc tiêm liều vắc-xin cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên cũng như đang khẩn trương tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định…

Đối với việc thực hiện chủ đề năm 2021 "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, mặc dù bị ảnh hưởng rất nhiều do tác động của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng trân trọng và ghi nhận.

Cụ thể, về xây dựng chính quyền đô thị, Thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp các phường, thành lập thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thành công bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Về cải thiện môi trường đầu tư, Thành phố đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19; tổ công tác theo dõi, chỉ đạo hoạt động các tổng công ty 100% vốn nhà nước; nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI... Từ đó, các Tổ công tác đã giúp tháo gỡ nhanh chóng, thực chất khó khăn cụ thể của các doanh nghiệp.

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, ông Mãi cho biết, trong điều kiện vô cùng khó khăn của dịch bệnh, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,5% dự toán năm 2021. Hoạt động tín dụng - ngân hàng tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 12,9% so với cùng kỳ. Đầu tư FDI đạt 7,23 tỷ USD, tăng 38,48% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.

Thành phố Hồ Chí Minh cần gì để vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm?
Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng 8/1. Ảnh: TTBC

"Những kết quả này đã giúp thành phố hoàn thành 14/29 chỉ tiêu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 mà Hội đồng nhân dân Thành phố đề ra. Tuy nhiên, Thành phố dự kiến chưa hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, 2/29 chỉ tiêu phải đợi Trung ương đánh giá", ông Mãi cho biết.

Ngoài ra, ông Mãi cho biết, thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chủ đề năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh”. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thành phố đặt ra 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 6% - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.

"Để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021, đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6% - 6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế Thành phố", ông Mãi cho biết.

Cũng theo ông Mãi, vấn đề rất quan trọng để đạt được các mục tiêu của năm là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực - hiệu quả của chính quyền cơ sở; mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là ở các lĩnh vực: Tài nguyên môi trường, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thuế; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cấp chính quyền.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này