Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Rất cần tập trung đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân

18:38 | 06/01/2022
(LĐTĐ) Ngày 6/1, bên lề phiên thảo luận tổ của Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đã trao đổi với báo chí về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đang được Chính phủ trình Quốc hội. Trong đó, theo đại biểu, gói hỗ trợ cũng rất cần quan tâm vào đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh trục lợi và bội chi ngân sách Trình Quốc hội gói giải pháp tài khóa 291 nghìn tỷ đồng để phục hồi kinh tế - xã hội Nhà ở cho công nhân

- Ông đánh giá như thế nào về gói chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội?

- Ông Hoàng Văn Cường: Đây là nội dung chính của Kỳ họp, cũng là điều mà xã hội, doanh nghiệp rất quan tâm. Về nội dung gói này, điểm tôi đánh giá rất cao là sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

Vì, nguồn lực tài khóa không còn nhiều, tuy rằng tỷ lệ nợ công còn khá thấp và dư địa có thể nâng nợ công lên còn khá nhiều, nhưng mục tiêu của ta là ưu tiên ổn định vĩ mô, nên nếu huy động nguồn lực thông qua tăng nợ công quá lớn thì rất có thể sẽ dẫn đến những bất ổn về kinh tế vĩ mô, có thể ảnh hưởng kiểm soát lạm phát, nên phải kết hợp cả tài khóa và tiền tệ.

Từ đó, một mặt sử dụng dư địa về tăng nợ công, nhưng đồng thời cũng sử dụng chính nguồn ngân sách đó để tác động sang chính sách tiền tệ, không phải buộc các ngân hàng hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận lãi suất thấp nhờ hỗ trợ lãi suất từ gói tài khóa. Đồng thời, như thế ta có khả năng huy động được tốt hơn vốn nhàn rỗi trong dân.

Khi lượng tiền được đưa vào lưu thông nhiều, thì đồng thời chính sách tài khóa như phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ thu hút dòng tiền đó vào, sẽ hỗ trợ cho nhau để kiểm soát lạm phát. Cách thiết kế của gói tài khóa tiền tệ đi liền với nhau rất hợp lý. Đó là cơ sở để chúng ta kỳ vọng rằng gói này được triển khai thì sẽ không gây bất ổn về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tăng chỉ số nợ công, vay trả nợ, lạm phát…

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Rất cần tập trung đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân
Ông Hoàng Văn Cường trả lời báo chí bên lề phiên họp ngày 6/1

Điều tôi đánh giá cao thứ hai là nhờ kết hợp nên trong đó có nhiều chính sách chúng ta đã thực hiện từ 2020, nay tiếp tục thực hiện, thành nguồn hỗ trợ, kết hợp những chính sách tài khóa mới như là miễn, giảm thuế giá trị gia tăng 2%, hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô…

- Theo đại biểu, danh mục các dự án được ưu đãi từ gói phục hồi đã thật sự phù hợp hay chưa?

- Ông Hoàng Văn Cường: Tổng quy mô hỗ trợ là hơn 400 nghìn tỷ đồng, nhưng thực tế đều nằm ẩn trong các chính sách như là miễn, giãn, hoãn thuế, còn phần tiền mới đưa vào chỉ còn khoảng 176 nghìn tỷ đồng. Rõ ràng đây không phải là việc đưa lượng tiền quá nhiều vào nền kinh tế.

Tôi cho rằng không nên coi đây là “bơm tiền” vào nền kinh tế, đừng gọi đây là “bơm tiền” vào nền kinh tế. Nếu ta quan niệm đây là bơm tiền, thì sẽ gây tâm lý cho rằng lượng tiền vào lưu thông nhiều, sẽ gây lạm phát, mất giá đồng tiền, rồi đổ xô đầu tư bất động sản, chứng khoán… rất nguy hiểm. Vì thực tế, chỉ có 176 nghìn tỷ đồng trong 2 năm và có thể kéo dài hơn, như vậy mỗi năm chỉ khoảng hơn 80 nghìn tỷ đồng, là quá nhỏ so với vốn đầu tư công vẫn được giải ngân hàng năm.

Chính vì thế, gói này cần tập trung vào những lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, hoặc đang đặt những vấn đề cấp bách cho phòng, chống dịch để phục hồi kinh tế. Chứ nếu với nguồn vốn nhỏ, mà ta dàn trải ra nhiều dự án, thì sẽ không mang lại hiệu quả phục hồi đúng nghĩa, hoặc lại đưa vào quá dài, không chỉ trong 2 năm, mà lại rải ra đến 2025, thì khi đó, không phát huy được hiệu quả, không mang lại ý nghĩa cho phục hồi. Chính vì thế, điều đầu tiên quan trọng là xác định rõ ưu tiên đầu tư vào đâu, lĩnh vực nào cần sử dụng đầu tư trong 176 nghìn tỷ đồng này.

Khi xem danh mục các dự án dự kiến, tôi thấy có nhiều lĩnh vực đã được ưu tiên, như những dự án thuộc lĩnh vực đầu tư phòng, chống dịch như trung tâm kiểm soát dịch ở các vùng, hay một số các cơ sở y tế ở vùng đông dân cư, rõ ràng phải tăng cường. Hay ưu tiên cho một số ngành bị tác động mạnh bởi đại dịch như du lịch, vận tải, nếu không có ưu tiên thỏa đáng thì khó quay trở lại phục hồi.

Hoặc những lĩnh vực như đầu tư nhà ở cho công nhân, các khu công nghiệp vừa qua chịu tác động rất mạnh của việc không có khu nhà ở công nhân, nên ảnh hưởng đến đời sống công nhân, và ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho khu công nghiệp. Đây là vấn đề cũng rất cần tập trung.

Hoặc một số trung tâm trung chuyển logistic. Khi dịch xảy ra, đi lại khó khăn, hàng hóa ứ đọng bởi không có các trung tâm về phân phối trung chuyển hàng hóa ở các vùng. Nếu có các trung tâm đó, dù có khoanh vùng các tỉnh, thì hàng hóa vẫn về trung tâm, từ trung tâm đó kết nối để phân phối về các địa bàn nhỏ thì không bao giờ xảy ra tình trạng đứt gãy.

Nó sẽ giải quyết vấn đề nữa là khi có trung tâm logistic vùng, công suất sử dụng của các phương tiện vận tải sẽ tăng cao. Đặc biệt, đại dịch xảy ra đứt gãy cung ứng thế giới, các khu cửa khẩu, đường bộ, đường biển, cả thế giới ảnh hưởng. Rõ ràng Việt Nam có cơ hội rất tốt về phát triển dịch vụ logistic cho đường biển, chúng ta cũng phải đặt ra những vấn đề cần phải chú trọng ưu tiên. Đó là những điểm trong danh mục cũng có đề xuất đến, có những cái đủ, nhưng có những cái còn nhẹ.

Bên cạnh đó, cũng có những dự án được đưa vào danh mục mà chưa liên quan nhiều lắm. Trong bối cảnh nguồn lực ít, mà đầu tư vào những dự án đó sẽ bị phân tán nguồn lực, không mang lại tác dụng phục hồi mong muốn.

Điển hình như trong lĩnh vực giao thông, trong 176 nghìn tỷ đồng, giao thông chiếm 103 nghìn tỷ đồng. Giao thông quan trọng nhưng phải chỉ ra khâu nào là điểm thắt, điểm nút, chứ không phải tất cả các dự án giao thông đều đưa vào chương trình phục hồi, mà phải đưa vào đầu tư công…

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này