Hệ thống Tổ chức tín dụng một năm vững vàng “vượt bão”

15:44 | 06/01/2022
(LĐTĐ) Hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam đã trải qua một năm "vượt bão" ngoạn mục khi các nền tảng năng lực tài chính mạnh lên rõ rệt, quy mô vốn điều lệ cải thiện nhiều so với những năm trước; nhiều ngân hàng thương mại tiếp cận các chuẩn mực cao hơn và chính sách tiền tệ giữ được ổn định trên nhiều mặt trận.
Quyết liệt ngăn chặn ''tín dụng đen'' Ngăn ngừa “tín dụng đen” ẩn náu trên không gian mạng!

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một trong những cơ quan chức năng phản ứng một cách nhanh nhất về cơ chế hỗ trợ. Theo đó, ngay tháng 1/2020, khi đại dịch mới chỉ bắt đầu “nhen nhóm” tại Việt Nam, NHNN đã xây dựng Thông tư 01, tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ cấu lại nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà không phải chuyển nhóm.

Hệ thống Tổ chức tín dụng một năm vững vàng “vượt bão”
Hệ thống NHTM có một năm phát triển tốt nhất trong nhiều năm qua đối với kết quả tăng vốn điều lệ.

Khi đợt dịch bùng phát lần thứ tư trong năm 2021 với tác động sâu và rộng hơn cũng đồng nghĩa với việc cơ chế hỗ trợ cũng cần được thay đổi cho phù hợp, để có thể phát huy tác dụng một cách thực chất hơn. Theo đó, Thông tư 01 đã được sửa đổi tới 2 lần, với quy mô cũng như độ bao phủ đối tượng rộng hơn, sâu hơn. Cập nhật số liệu mới nhất từ NHNN cho biết, đến 20/12/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, chỉ trong năm 2020, NHNN đã có tới 3 lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,5-2,0%/năm đối với các loại, được nhìn nhận là một trong những mức độ điều chỉnh mạnh trong khu vực.

Năm 2021, NHNN tiếp tục tạo điều kiện nới lỏng khi duy trì trạng thái vốn khả dụng dồi dào cho hệ thống, gián tiếp bình ổn lãi suất ở vùng thấp. Thông qua các đợt mua ngoại tệ khối lượng lớn, NHNN đã bơm hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền cung ứng mà suốt từ khi đại dịch xảy ra đến nay đã không trung hòa hút bớt tiền về như thông thường. Bên cạnh đó, Nhà điều hành cũng có nhiều đợt tăng hạn mức tín dụng nhằm tạo điều kiện cho các NHTM có năng lực tạo cung tín dụng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2021.

Năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam đã giảm bình quân khoảng 0,82%/năm so với cuối 2020, trong khi mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh tác động của đại dịch kéo dài, điểm "đáng kinh ngạc" là nguồn lực và an toàn vốn của các ngân hàng vẫn không ngừng được củng cố năm qua.

Trước hết, nút thắt về vốn tại nhóm "Big 4" NHTM có vốn Nhà nước chi phối căng thẳng từ năm 2016 đến nay đã từng bước được tháo gỡ. Agribank đã được cấp vốn bổ sung; Vietcombank, VietinBank và BIDV đã lần lượt tăng mạnh vốn điều lệ qua cơ chế được trả cổ tức bằng cổ phiếu. Với ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế khi thị phần tín dụng chiếm tới gần 50% toàn hệ thống, quy mô vốn của nhóm trên được tăng lên tạo điều kiện quan trọng cho thúc đẩy tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh cần thêm nguồn lực để phục hồi.

Đáng chú ý hơn, chính trong bối cảnh đại dịch, hệ thống NHTM Việt Nam lại có một năm phát triển tốt nhất trong nhiều năm qua đối với kết quả tăng vốn điều lệ. Đặc biệt khối cổ phần, mô hình năng động và linh hoạt hơn, đến tháng 9/2021 đã đạt tốc độ tăng vốn điều lệ tới gần 10% so với cuối 2020, và chưa dừng lại khi một số thành viên tiếp tục thực hiện trong quý 4. Ấn tượng này gắn với sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, loạt NHTM nắm thời cơ phát hành thêm tăng vốn. Chính kết quả trên góp phần quan trọng thúc đẩy nhiều NHTM tiếp tục tiến thêm một bước trong nâng cao chuẩn mực hoạt động theo Basel II và thậm chí với Basel III. Và qua đó có thêm điều kiện để có thể hỗ trợ khách hàng trong đại dịch.

Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Cùng đó, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

Cũng là lĩnh vực chịu tổn thương lớn bởi Covid-19, song hệ thống ngân hàng Việt Nam năm qua cho thấy sự vững vàng, thậm chí mạnh mẽ hơn để đảm bảo vai trò huyết mạch trong thanh toán và thúc đẩy nguồn vốn phục vụ nền kinh tế. Ngành Ngân hàng Việt Nam đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong suốt một năm qua.

Năm 2021, tỷ giá USD/VND đang hướng đến bước giảm nhẹ trên tất cả các thị trường. NHNN đã có tới 3 lần hạ mức giá mua vào USD khá mạnh trong các tháng 6, 8 và 11 năm nay. Nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam duy trì trạng thái tích cực, đến từ cán cân thương mại thặng dư, dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối, và đặc biệt có phần chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ trong dân cư sang VND. Trước dòng chảy thuận lợi này, NHNN tiếp tục có một năm mua ròng ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Theo dự liệu cập nhật của một số tổ chức quốc tế, đến đầu tháng 11, dự trữ ngoại hối quốc gia đã đạt khoảng 105 tỷ USD - mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục của Việt Nam. Nguồn lực trên vô cùng quan trọng, vừa góp phần củng cố vị thế quốc gia, vừa tạo thêm chủ động cho điều hành chính sách tiền tệ trong một thế giới đầy biến động.

Năm 2021 chứng kiến những đợt sóng lớn nhỏ của giá vàng thế giới theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 cùng các quyết sách lớn từ các nền kinh tế đầu tàu. Giá vàng trong nước cũng đã tăng khoảng 9,5% so với cuối 2020. Giá vàng miếng SJC thường phản ứng khá nhanh với các nhịp tăng của thị trường thế giới. Giá kim loại quý này lập vùng đỉnh 61,1-61,82 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào-bán ra vào ngày 18/11 khi giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.870 USD/ounce, cùng tình hình làm phát ở các quốc gia tăng cao, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hẹp chính sách nới lỏng và hướng tới tăng lãi suất...

Tuy nhiên, với các nhịp điều chỉnh, giá vàng trong nước lại gần như duy trì đi ngang, đôi khi còn chuyển động ngược chiều. Điều này khiến cho khoảng cách giá giữa hai thị trường ngày càng được nới rộng, hiện đang ở mức cao kỷ lục, quanh 11 triệu đồng/lượng. Khi chênh lệch quá lớn này không còn mang tính thời điểm, mà trở nên kéo dài đã định hình một bất cập lớn trên thị trường. Còn về tình hình chung, trong năm 2021 thị trường vàng tương đối ổn định, không có nhiều xáo trộn xét ở khía cạnh tạo hiện tượng người dân xếp hàng đi mua vàng như giai đoạn trước đây.

Năm 2021, thị trường liên tiếp chứng kiến hàng loạt các thương vụ sang tay công ty tài chính tỷ đô giữa các NHTM với nhà đầu tư nước ngoài. Các thương vụ diễn ra trong cuộc khủng hoảng Covid-19, bối cảnh mà các công ty tài chính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, song những kết quả bước đầu cho thấy tiềm năng lớn ở lĩnh vực này.

Mặt khác, lợi nhuận ngân hàng năm qua tiếp tục cho thấy kết quả của hướng dịch chuyển mạnh sang tín dụng bán lẻ, sang tăng thu dịch vụ (đặc biệt có đóng góp lớn của kinh doanh ngoại tệ với chênh lệch rất lớn giữa giá mua vào bán ra USD, khoảng gấp đôi giai đoạn trước), cũng như có sự tranh thủ cơ hội bùng nổ trên thị trường chứng khoán.../.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này