Tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh trục lợi và bội chi ngân sách

08:20 | 05/01/2022
(LĐTĐ) Chiều 4/1/2022, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sửa đổi 8 luật để "gỡ khó" từ thực tiễn hoạt động đầu tư, kinh doanh Trình Quốc hội gói giải pháp tài khóa 291 nghìn tỷ đồng để phục hồi kinh tế - xã hội

Tránh dàn trải

Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cơ bản các chính sách tài khoá, tiền tệ được trình Quốc hội lần này đã bảo đảm đúng định hướng: Kết hợp cả tài khoá và tiền tệ; tác động cả phía cung và phía cầu; quy mô đủ lớn; thời gian đủ dài; phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo ra được hiệu quả cho nền kinh tế.

Nhấn mạnh đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu Quốc hội quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, rủi ro chính sách là có, nên phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan toả cao.

Tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh trục lợi và bội chi ngân sách
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ. (ảnh: VPQH)

Với thời gian thực hiện chỉ có 2 năm, Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí phải có các cơ chế chính sách khác biệt nhằm bảo đảm giải ngân sớm, hấp thụ nhanh nguồn lực hỗ trợ, nhưng đồng thời phải giữ nguyên tắc, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; vấn đề nào đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mới trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ lần này nặng lắm vì đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phục hồi và phát triển bền vững của đất nước. Trách nhiệm càng lớn thì càng phải thận trọng, kỹ lưỡng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh trục lợi và bội chi ngân sách
Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ chiều 4/1. (ảnh: VPQH)

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chương trình cần tập trung, tránh dàn trải và cần rà soát, ưu tiên cho những lĩnh vực nào, khâu nào bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đề cập đến một số chính sách về hoãn, giãn nộp thuế, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng 176.000 tỷ đồng bổ sung thêm là cần thiết, nhưng cần xem xét lại việc dành nguồn lực lớn cho các dự án giao thông để ưu tiên cho các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch, cần kích cầu khác như hỗ trợ lãi suất, du lịch…

Về gói hỗ trợ lãi suất với 40.000 tỷ đồng, ông Cường lưu ý, không thể “ép” các Ngân hàng giảm lãi suất thấp được, nên nếu mức hỗ trợ chỉ là 2% thì lãi suất thương mại không thể thấp hơn 6-7%. Theo đại biểu, lãi suất doanh nghiệp tiếp cận chỉ quanh 4-5%, doanh nghiệp vay vốn nếu hoạt động không hiệu quả chỉ phải trả phần tương đương lạm phát là phù hợp.

Chú trọng xây dựng nhà ở cho công nhân

Đáng quan tâm, các đại biểu Hoàng Văn Cường, Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) đề nghị đưa chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân là một trong các hoạt động sử dụng các chính sách hỗ trợ, vừa bảo đảm an sinh cho người lao động, vừa bảo đảm an sinh xã hội chung cho người thu nhập thấp. Theo các đại biểu, với mức thu nhập như hiện nay, công nhân lao động rất khó tích lũy để mua được nhà ở, nên cần phải có nguồn vốn ngân sách để xây nhà cho thuê. Đồng thời, các dự án nhà ở cho công nhân phải gắn liền với các khu công nghiệp và được cho thuê dài hạn.

Tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh trục lợi và bội chi ngân sách
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận tại tổ. (ảnh: VPQH)

Cho rằng đại dịch vẫn hết sức khó lường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, chống dịch vẫn phải là mục tiêu số một trong chương trình này. Trong đó, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Đồng thời, đại biểu bày tỏ lo lắng về tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin và cho rằng, cần nghiên cứu, chuyển giao bằng được việc sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng ủng hộ đề xuất cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp, khai thác mỏ khoáng sản để thực hiện dự án…

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) ủng hộ các giải pháp Chính phủ đưa ra và cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là kiểm soát lạm phát và nợ xấu của ngân hàng. Theo đại biểu, gói hỗ trợ 291.000 tỷ đồng là phù hợp với việc hỗ trợ và bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô. Trong đó, việc cải cách thể chế và thủ tục rất quan trọng và việc đột phá vào chính sách chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp.

Tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh trục lợi và bội chi ngân sách
Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, khi triển khai các chính sách phục hồi kinh tế này, cần chú ý kiểm soát lạm phát. (ảnh: VPQH)

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, khi triển khai các chính sách phục hồi kinh tế này, cần chú ý kiểm soát lạm phát, tránh lợi dụng để tăng giá. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần tính toán kỹ các gói hỗ trợ để tránh bội chi ngân sách. Chính phủ cần đánh giá rõ tác động, tính khả thi của từng giải pháp, ưu tiên các dự án quan trọng, có tác động lớn tới nền kinh tế, tạo được nhiều công ăn, việc làm cho người lao động; quan tâm, chú trọng đến công tác triển khai, thực hiện bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm đúng thời gian tiến độ, và hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế…

Nhìn chung, các đại biểu cơ bản nhất trí cần ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi nền kinh tế. Qua đó, góp phần khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này