Kích cầu phục hồi thị trường cuối năm

08:28 | 04/01/2022
Thông lệ, tháng giáp Tết Nguyên đán là thời điểm “vàng” các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm thu nhập của người dân giảm sút khiến sức mua trên thị trường trầm lắng hơn. Để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hàng loạt chính sách kích cầu, ưu đãi mua sắm đang được thành phố Hà Nội triển khai với kỳ vọng giúp hồi phục sức mua của thị trường nội địa dịp Tết Nguyên đán 2022.
Hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng với diễn biến thị trường Thị trường tiêu thụ hàng Tết “ấm” dần sau nỗ lực kích cầu
Kích cầu phục hồi thị trường cuối năm
Khách mua hàng tại siêu thị VinMart trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Đỗ Tâm

Sức mua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Từ những ngày cuối tháng 10-2021, nhiều doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu mua sắm, nhưng lượng khách đến mua rất thưa vắng.

Chị Trần Thị Nhung, nhân viên một cửa hàng thời trang trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) cho biết: "Dù đã giảm giá nhiều mặt hàng nhưng vẫn không thu hút được nhiều khách đến mua sắm. Trong khi vào thời điểm này những năm trước cửa hàng phải tăng thêm nhân viên mới đủ phục vụ". Còn chị Nguyễn Minh Hoa, chủ một cửa hàng tạp hóa trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) thông tin, do sức mua của người dân thấp nên lượng hàng còn tồn nhiều. Cửa hàng chỉ nhập hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng đơn giản.

Về phía người tiêu dùng, bà Hà Hồng Lan (ở ngõ 15 phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, tác động của dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến thu nhập khiến đại bộ phận người dân có tâm lý “thắt chặt hầu bao”, chỉ ưu tiên mua nhu yếu phẩm thiết yếu.

Phân tích về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sức mua trong thời điểm này chưa có được sự bứt phá là do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân của người lao động quý III-2021 thấp hơn đáng kể so với quý II-2020; trong khi quý II-2020, đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, những tháng cuối năm 2021, thành phố Hà Nội đã triển khai kích cầu tiêu dùng, như: Tháng Khuyến mại tập trung, chương trình “Hà Nội đêm không ngủ”, Tháng khuyến mại Hà Nội 2021, các Tuần hàng Việt… Nhờ đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV-2021 tăng cao so với quý III-2021. Song tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,6% so với năm 2020, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Dự kiến sức mua trong tháng cận Tết Nguyên đán cũng sẽ khó tăng đột biến.

Nhiều chương trình kích cầu mua sắm

Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nhận định, dịp cuối năm âm lịch là thời điểm tăng trưởng bứt phá của ngành dịch vụ bán lẻ, thông thường có thể chiếm đến 30% doanh số cả năm. Năm nay, có thể không đạt được con số này do tác động của dịch Covid-19, nhưng thị trường đã ghi nhận những điểm sáng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã đăng ký 18.000 tỷ đồng hàng hóa, hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp đã khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 tăng trung bình 7-15% so với Tết Tân Sửu 2021.

Giám đốc vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho hay, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ sẽ tổ chức các chương trình khuyến mại định kỳ 2 lần/tháng, với nhiều ưu đãi giảm giá lên đến 50% cho hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng, qua đó kích thích sức mua của người dân. Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng nghìn sản phẩm Tết. Ngoài các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử: Sendo, Shopee, Lazada, Tiki… cũng có những chương trình khuyến mại giảm giá.

Còn Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, bên cạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, Chính phủ cần có những giải pháp kích thích sức tiêu dùng qua các gói hỗ trợ giảm thuế, phí để hạ giá hàng hóa một cách thực chất. Từ đó, tạo ra một hiệu ứng tích cực lên các quyết định chi tiêu và mua sắm của người dân; gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng hóa, kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Trần Thị Phương Lan nhận định, các giải pháp kết nối cung cầu, kích cầu nội địa với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp bán lẻ... sẽ tạo sự bứt phá về tổng mức bán lẻ. Tuy nhiên, bên cạnh mức giá khuyến mại ưu đãi cho khách hàng, các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng các mặt hàng khuyến mại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động khuyến mại, góp phần bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả của chương trình, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Thanh Hiền/hanoimoi.com.vn

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1021639/kich-cau-phuc-hoi-thi-truong-cuoi-nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này