Ngành Giáo dục Hà Nội một năm nhìn lại: Chủ động thích ứng để hoàn thành nhiệm vụ

08:32 | 04/01/2022
(LĐTĐ) Năm học 2021-2022 được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã, đang chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ “kép” vừa duy trì dạy tốt, học tốt, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Lan tỏa những tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo Ngành GD&ĐT Hà Nội tri ân các nhà giáo nhân ngày 20/11

Gỡ khó cho học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên cùng với cả nước, ngành GD&ĐT Thủ đô triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã, đang triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá để không làm gián đoạn việc học tập của học sinh; đồng thời giúp đỡ, chia sẻ với học sinh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo thêm động lực giúp các em cố gắng vươn lên học tập tốt.

Ngành Giáo dục Hà Nội một năm nhìn lại: Chủ động thích ứng để hoàn thành nhiệm vụ
Trao thiết bị học tập trực tuyến cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ghi nhận, từ việc chỉ được coi là giải pháp tình thế, đến nay, việc dạy - học trực tuyến đã trở thành phương pháp dạy - học tối ưu khi học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, ở một số địa bàn của Hà Nội, vẫn còn một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn thiếu thiết bị để học trực tuyến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và chỉ đạo của Thành phố “trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, ngay từ đầu năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành GD&ĐT hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ủng hộ thiết bị đã sử dụng hoặc chưa sử dụng (gồm máy tính, laptop, điện thoại thông minh, ipad…) để hỗ trợ học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến.

Thời gian qua, các đơn vị, trường học và nhiều nhà hảo tâm trên địa bàn Thành phố tích cực hưởng ứng chương trình và đã kịp thời trao tặng thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em duy trì tốt việc học trực tuyến trong điều kiện chưa thể đến trường học trực tiếp. “Đến thời điểm này, toàn ngành đã tổ chức trao được hơn 6.900 thiết bị gồm máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng với tổng kinh phí ước tính gần 23 tỷ đồng. Sự hỗ trợ kịp thời đã giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học trực tuyến, không bị gián đoạn việc học tập” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin.

Nhận được hỗ trợ từ chương trình, Hoàng Nhật Anh (học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Đống Đa, quận Đống Đa) xúc động cho biết, năm 2012, bố em phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Từ đó đến nay, bố em thường xuyên đến bệnh viện chạy thận, cộng thêm nhiều bệnh nền nên ốm đau triền miên. Mẹ em là trụ cột trong gia đình nhưng không có việc làm ổn định. Phần lớn chi phí đều dồn cho việc chữa bệnh của bố nên gia đình em rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bản thân em không có điều kiện học tập trực tuyến như các bạn học khác vì thiếu thiết bị.

“Là một trong những học sinh may mắn được nhận món quà vừa mang ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần, em cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đây là động lực khích lệ em tiếp tục nỗ lực, chinh phục những ước mơ của mình trong tương lai” - Nhật Anh chia sẻ.

Duy trì nếp học, linh hoạt hình thức kiểm tra

Theo kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành, kết thúc học kỳ I của cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào ngày 14/1/2022, cấp tiểu học vào ngày 13/1/2022, giáo dục thường xuyên (trung học cơ sở và trung học phổ thông) vào ngày 7/1/2022. Thời điểm này, các trường trung học cơ sở ở 18 huyện, thị xã và các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đủ điều kiện an toàn thuộc thành phố Hà Nội đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Học sinh các cấp học còn lại học trực tuyến. Nhìn chung, công tác tổ chức dạy học của các nhà trường được triển khai có chất lượng và bảo đảm an toàn.

Là một trong những đơn vị có quy mô giáo dục lớn nhất Hà Nội, từ đầu năm học 2021-2022, xác định dịch bệnh có thể kéo dài, các trường học trên địa bàn quận Hà Đông đã mua thêm dung lượng đường truyền Internet, lắp đặt trang thiết bị dạy học, bổ sung kho học liệu điện tử... Đến nay, học sinh các cấp học đã đáp ứng tốt với chương trình, phương pháp học, không còn bỡ ngỡ như năm học trước.

Còn tại huyện Mê Linh, dù dạy học theo hình thức nào, các trường học trên địa bàn vẫn luôn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh. Cùng đó, Phòng GD&ĐT huyện cũng tăng cường giám sát các trường đang tổ chức dạy học trực tiếp về việc duy trì những tiêu chí an toàn trường học, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý học sinh, tránh lây lan dịch bệnh.

Hiện tại, các trường học trên địa bàn Thành phố đang tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập học kỳ I. Để tăng hỗ trợ, giảm áp lực cho học sinh, ngành GD&ĐT cùng các nhà trường tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), theo Hiệu trưởng Đoàn Minh Châu, trường có gần 2.100 học sinh, trong đó có gần 700 học sinh lớp 12.

Dù học sinh lớp 12 đã được đến trường học, song thời gian học trực tiếp chưa nhiều. Nhằm bảo đảm an toàn và tạo thuận lợi nhiều nhất, nhà trường đã quyết định tổ chức kiểm tra học kỳ I trên hệ thống học và thi trực tuyến (http://study.hanoi.edu.vn), thời gian từ ngày 23 đến ngày 31/12/2021. Từ đầu năm học đến nay, mỗi học sinh đều có tài khoản truy cập vào hệ thống, thường xuyên tự học, tự kiểm tra nên đã thành thạo.

Tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông), nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá trực tuyến cho học sinh từ sớm. Giáo viên các lớp đã cho học sinh, kể cả học sinh lớp 1, 2 tiến hành kiểm tra thử để xem mức độ nhận thức của các em tới đâu. Qua khảo sát từ các lớp, nhà trường nhận thấy học sinh đã làm quen được với công nghệ và hoàn thành bài làm của mình với kết quả tích cực. Theo quy định, học sinh phải bật camera và micro trong suốt quá trình làm bài. Với học sinh lớp 1, phụ huynh có thể ngồi cạnh hỗ trợ con về mặt thao tác kỹ thuật nhưng không được nhắc bài cho con.

Nhà trường sẽ cho học sinh kiểm tra học kỳ các môn từ đầu tháng 1/2022. Trước đó, giáo viên các lớp đã họp phụ huynh để xin ý kiến về hình thức tổ chức kiểm tra học kỳ. Kết quả cho thấy, 100% phụ huynh học sinh đồng ý phương án kiểm tra trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Nội dung học của các em tới đâu nhà trường sẽ kiểm tra tới đó, không cho bài quá khó hoặc các phần chưa học/nội dung thuộc diện giảm tải vào đề thi. Chủ yếu đề thi ra theo phạm vi kiến thức cơ bản để học sinh làm bài. Vào giờ thi, giáo viên chia mỗi lớp làm hai phòng Zoom khoảng 20 em để dễ dàng quản lý.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, các nhà trường có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến phù hợp với kế hoạch dạy học thực tiễn của đơn vị và Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Đối với học sinh lớp 1, cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để có biện pháp hỗ trợ tối đa, không gây áp lực. Để tổ chức kiểm tra trực tuyến tốt, các nhà trường cần rà soát thiết bị học tập của học sinh. Còn các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tiếp phải thực hiện đúng quy định về kiểm tra, đánh giá và tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19./.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này