Nỗ lực vì công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

08:45 | 04/01/2022
(LĐTĐ) Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, nhưng các cán bộ, thầy thuốc ngành Y tế đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tạo môi trường an toàn góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân Thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Bảo vệ sức khỏe nhân dân là yếu tố tiên quyết

Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Đại dịch đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Với ngành Y tế, thời gian qua thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành.

Nỗ lực vì công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Sự chi viện hỗ trợ chống dịch của các nhân viên y tế Bệnh viện Bưu điện góp phần hồi sinh sự sống của nhiều bệnh nhân mắc Covid-19.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 do văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, cùng một lúc, ngành Y tế phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ như thần tốc chống dịch Covid-19, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vắc xin cho người dân. Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 lan sâu, rộng trong năm qua khiến hệ thống y tế trải qua giai đoạn khốc liệt, ngành Y tế đã phải thực hiện các biện pháp chưa từng có nhằm ngăn chặn tổn thất nhân mạng và sức khỏe cho nhân dân. Nhất là tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh số ca mắc và tử vong liên tục tăng cao, ngày 24/7, Bộ Y tế hiệu triệu tất cả lực lượng tham gia chống dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế và theo “tiếng gọi từ trái tim”, hơn 80.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch, trong đó gần 25.000 y, bác sĩ khắp nơi cả nước đến chi viện thành phố mang tên Bác và các tỉnh phía Nam. Đây là lần huy động nhân lực y tế lớn nhất từ trước đến nay, trong khi, đợt dịch ở Đà Nẵng hay Hải Dương trước đó, mỗi lần số nhân viên y tế hỗ trợ chỉ vài nghìn người.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, khó có thể kể hết những nỗ lực phi thường mà đội ngũ thầy thuốc đã thực hiện trong đợt dịch Covid-19 lần này. Các bệnh viện tuyến Trung ương trong thời gian ngắn kỷ lục đã thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, huy động lực lượng y tế tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân nặng và nguy kịch; đồng thời hướng dẫn các bệnh viện cấp quận/huyện kỹ năng điều trị để kịp thời xử trí những trường hợp chuyển nặng, giảm tối đa số ca tử vong. Đa số các trung tâm hồi sức tích cực đều được xây dựng từ số không, nhưng với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, tất cả vì sinh mạng của người bệnh, chỉ sau ít ngày các trung tâm hồi sức đều đã thực hiện được những kỹ thuật cấp cứu hiện đại, nhiều kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Trong cuộc chiến chống dịch khốc liệt, đội ngũ nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. “Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường nguy cơ lây nhiễm và căng thẳng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Nhưng những khó khăn đó đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc với phương châm coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, vượt lên mọi khó khăn, đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh. Hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế đã bị nhiễm Covid-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến.

Tăng tốc tiêm phủ vắc xin

Cùng với nỗ lực chống dịch, việc xác định vắc xin là vũ khí hiệu quả nhất để nhất chống Covid-19, Việt Nam đã thực hiện "chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử quốc gia". Đến hết ngày 30/12/2021, cả nước đã tiêm 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, tỷ lệ sử dụng đạt 86,2% số vắc xin phân bổ 112 đợt. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đại dịch Covid-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát bệnh truyền nhiễm. Ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với chiến lược "Chủ động ngăn chặn - phát hiện sớm - cách ly kịp thời - khoanh vùng gọn - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả".

Các hoạt động giám sát, xét nghiệm, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân đã được triển khai hiệu quả với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch. Đặc biệt đã thực hiện tiếp cận các nguồn vắc xin phòng Covid-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12/2021, toàn quốc sẽ bảo đảm bao phủ mũi 1 vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều vắc xin cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, cùng với việc bảo đảm tỷ lệ bao phủ mũi 1 và 2, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên. Hiện, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, nhưng thời gian qua ngành Y tế đã đạt được kết quả trên nhiều lĩnh vực khác. Trong công tác khám chữa bệnh, ngành đã có những bước chuyển biến rất căn bản, chất lượng khám chữa bệnh ngày một nâng lên. Hệ thống khám chữa bệnh từ xa ra đời đã giúp cho người dân ở tuyến cơ sở được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao.

Đơn cử, được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, nền tảng khám chữa bệnh từ xa (telehealth) đã kết nối hơn 30 bệnh viện Trung ương với hơn 1.600 cơ sở y tế tuyến dưới, bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đến nay, đã có nhiều buổi hội chẩn và đào tạo được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Kể từ ngày 6/8/2021, nền tảng khám chữa bệnh từ xa được kết nối tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện trong cả nước, góp phần xóa bỏ giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid- 19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Như vậy, trước đại dịch, ngành Y tế càng khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khoẻ của người dân. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên y tế càng trưởng thành, về bản lĩnh, ý chí, kiến thức chuyên môn và nhất là tình đồng bào, nghĩa đồng chí lớn lao thể hiện qua công việc. Đối với ngành Y tế, khó khăn luôn là phép thử hiệu quả để gặt hái được thành công. Những bài học của năm qua sẽ là bước đà để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong năm mới, tiến tới khống chế và đẩy lui đại dịch Covid-19 hiệu quả./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này