Cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

21:20 | 31/12/2021
(LĐTĐ) Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021, về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét một số cơ chế, chính sách phòng, chống dịch Covid-19

Cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19

Bên cạnh việc kịp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 còn là cơ sở pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa.

Nghị quyết quy định về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch, bao gồm: Điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch Covid-19.

Cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch Covid-19
Ngân sách Nhà nước thanh toán hoàn trả các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ảnh minh họa).

Việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19; bình ổn giá trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch; điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19.

Theo Nghị quyết, chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập (bao gồm cả tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật) được bảo đảm từ ngân sách Nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Ngân sách Nhà nước thanh toán hoàn trả các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phân công của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi thanh toán theo quy định từ nguồn ngân sách Nhà nước mà cơ sở y tế công lập đã sử dụng từ nguồn tài chính của đơn vị (không bao gồm nguồn tài trợ, viện trợ).

Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15. Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không bóc tách được chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 và các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định của Chính phủ.

Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân do chính quyền địa phương cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc sức khỏe, điều trị Covid-19 được thực hiện theo mức thanh toán của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng cao nhất đóng trên địa bàn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19. Người hành nghề và cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định, thực hiện phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải được thực hiện bởi người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng thông tin. Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết điều này và việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về dược cho mục đích khác để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19.

Cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch Covid-19
Trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (ảnh: VGP)

Trường hợp thiếu thuốc phòng, điều trị Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc sử dụng miễn phí thuốc sản xuất trong nước thuộc lô được sản xuất để phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19 nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây: Được sản xuất theo đúng quy trình sản xuất trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành; đáp ứng tất cả các nội dung như hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt; được sự đồng ý của cơ sở sản xuất thuốc.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Cũng theo Nghị quyết, người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được hưởng tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước, trong đó Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước chi trả phần còn lại.

Đồng thời, được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian điều trị Covid-19. UBTVQH cũng giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 30/12/2021, trong đó, các quy định về kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19; về chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19 của Nghị quyết này được áp dụng từ ngày 1/1/2021.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này