Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho nữ công nhân lao động gắn với các phong trào thi đua

22:57 | 30/12/2021
(LĐTĐ) Theo Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn cần mở lớp nâng cao nhận thức cho nữ đoàn viên, người lao động; tuyên truyền đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp.
Bàn giao 3 “Mái ấm Công đoàn” tới đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn Nhiều hoạt động thiết thực vì lợi ích đoàn viên

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch 195KH-UBND về “Phổ biến, giáo dục, pháp luật, nâng cao hiểu biết về ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2017-2021” chiều ngày 30/12, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa đã trình bày trình bày tham luận với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật cho nữ công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-CX)”.

Đặc biệt chú trọng phổ biến giáo dục, pháp luật cho nữ CNLĐ

Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, hiện nay số lượng đoàn viên, lao động nữ tại các KCN-CX chiếm tỷ lệ lớn, là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ CNLĐ. Cụ thể, trên địa bàn Thành phố có 145.423 CNLĐ đang làm việc tại 9 KCN-CX, lao động nữ chiếm tỷ lệ gần 70%. Công đoàn các KCN-CX Hà Nội đang quản lý 310 Công đoàn cơ sở với trên 135.460 đoàn viên, trong đó có 88.135 đoàn viên nữ, chiếm tỷ lệ 65%.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 20/10/2016 của UBND Thành phố về “Phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2017-2021”, hằng năm, LĐLĐ Thành phố đều ban hành Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Trong đó tập trung cho nữ CNLĐ tại các KCN-CX Hà Nội bằng các mô hình, cách thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả.

Mỗi năm, các cấp Công đoàn đã tổ chức từ 30-40 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến lao động nữ, tuyên truyền Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình... Tuyên truyền nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong CNVCLĐ Thủ đô” gắn với phong trào đơn vị đạt chuẩn văn hóa; tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Việc triển khai, tổ chức thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các doanh nghiệp, khu nhà ở, nhà trọ công nhân... cũng được thực hiện nghiêm túc, phù hợp, đạt kết quả, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho nữ CNLĐ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Các cấp Công đoàn duy trì hoạt động của 92 Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân và 50 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho nữ CNLĐ gắn với các phong trào thi đua
Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa trình bày trình bày tham luận với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật cho nữ CNLĐ tại các KCN-CX”.

Bên cạnh đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội đã tổ chức 400 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp cho 44.435 nữ CNLĐ và tư vấn tại trụ sở, tư vấn qua điện thoại, qua hộp thư điện tử cho 5.250 nữ CNLĐ về những quy định Bộ luật Lao động năm 2019; chế độ tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và các chế độ chính sách liên quan tới người lao động.

LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện, khai thác, quản lý hiệu quả 339 Tủ sách pháp luật tại 92 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, 50 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, trên 1.000 tủ sách pháp luật tại các doanh nghiệp. Hằng năm, bổ sung trên 50.000 tài liệu tuyên truyền, tờ gấp các loại, tuyên truyền tư vấn pháp luật, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… cho các tủ sách pháp luật. Nhiều doanh nghiệp trong các KCN-CX Hà Nội đầu tư các tủ sách pháp luật với đa dạng đầu sách, báo, tài liệu, bố trí phòng đọc cho lao động nữ…

Báo Lao động Thủ đô đã xuất bản hơn 14.000 tin, bài góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nữ CNLĐ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền phòng chống Covid-19; hoạt động của tổ chức Công đoàn. Trang web LĐLĐ Thành phố bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành phố đăng tin, bài tuyên truyền, phản ánh phong phú, đa dạng, đảm bảo kịp thời, chính xác và khách quan... Cán bộ Công đoàn đã kịp thời lắng nghe, kết nối và giải quyết những phản ánh, kiến nghị của lao động nữ, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho lao động nữ qua trang facebook “Công đoàn Hà Nội”.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác này vẫn còn một số tồn tại. Điển hình là khó khăn trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nữ CNLĐ ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn.

Hình thức tuyên truyền dù đã được đổi mới, thay đổi phương pháp nhưng vẫn cần phải đẩy mạnh hơn những hình thức mới thay thế cho phương pháp giảng dạy, trao đổi truyền thống. Một số ít cán bộ Công đoàn chưa chủ động phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp, chưa chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nữ CNLĐ.

Nhận thức của một bộ phận CNLĐ nhất là người lao động khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, việc am hiểu về chính sách pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tinh thần chịu khó học hỏi phấn đấu vươn lên còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc mở các lớp phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp gặp nhiều hạn chế.

Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho nữ CNLĐ gắn với các phong trào thi đua
Các tập thể và cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố vì có thành tích trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2021.

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho nữ CNLĐ các KCN-CX, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa đã đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

“Trước tiên là phải tăng cường công tác tham mưu chỉ đạo, đôn đốc các Công đoàn các KCN-CX, Công đoàn cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nữ CNLĐ, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng chống tội phạm, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nữ CNLĐ và người sử dụng lao động, ổn định và phát triển sản xuất, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn hoá công nghiệp”, xây dựng “Đơn vị đạt chuẩn Văn hoá”, “Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch - văn minh”…”, đồng chí Đặng Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ Thành phố, các đơn vị phải đẩy mạnh tuyên truyền Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 và các chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến lao động nữ. Tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của thành phố Hà Nội, những quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.

Đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để lan tỏa kịp thời tới nữ CNLĐ về những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của thành phố Hà Nội gắn với các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Sáng kiến Thủ đô”, phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…

Tiếp tục mở các lớp nâng cao nhận thức cho nữ đoàn viên, người lao động; tuyên truyền đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp. Xây dựng, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Cụm văn hóa thể thao. Tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cấp Công đoàn Thành phố với các sở, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, “Chiếu phim phục vụ CNVCLĐ”, tuyên truyền an toàn giao thông...

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này