2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã thay đổi ngành hàng không thế nào?

16:48 | 30/12/2021
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 kéo dài đã đẩy du lịch rơi vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” nhưng cũng mang lại nhiều bài học thực tế để du lịch nhận thức rõ hơn về các hoạt động kinh doanh. Trong đó, ngành hàng không đang chứng kiến những sự thay đổi rõ rệt trước tác động lâu dài của đại dịch.
Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không
2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã thay đổi ngành hàng không thế nào?
(Ảnh minh họa: ST)

Công ty tư vấn phát triển du lịch Outbox ngày 29/12 dẫn báo cáo mới nhất từ CarTrawler (công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành du lịch toàn cầu có trụ sở tại Ireland), phối hợp với Công ty IdeaWorks để cùng thực hiện, kết quả khẳng định, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể cách thức vận hành của ngành hàng không theo nhiều khía cạnh về lâu dài, cũng như mang lại triển vọng đến từ một sản phẩm cốt lõi mà các hãng hàng không cần tập trung nghiên cứu, đó là điểm đến.

Theo những nhận định từ báo cáo, “trước thời kỳ đại dịch, chúng ta đều mặc định rằng, du lịch là “một giếng nước ngầm” sẽ duy trì nguồn cung cấp nước cho sự sống của ngành hàng không và khách sạn với tốc độ phát triển không ngừng. Tuy nhiên, đại dịch đã dạy chúng ta một bài học rằng, có sự cạnh tranh về chi tiêu cho đường hàng không giữa những hành khách đi công tác và giải trí”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc mở cửa biên giới tại điểm đến và giá trị cảm xúc đến từ các dịch vụ sẵn có trên máy bay dành cho hành khách.

1. Tập trung vào phân khúc khách nghỉ dưỡng

Báo cáo của CarTrawler chỉ ra, những chuyến bay đường dài được công bố gần đây, bao gồm chuyến bay của hãng United Airlines di chuyển đến các điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Na Uy, đã cho thấy hãng bay này đang nắm bắt và khai thác thị trường khách có nhu cầu giải trí cao.

Hơn nữa, diện tích của các khoang hành khách trên máy bay, đặc biệt là khoang hạng thương gia được thiết kế theo hướng tối giản với ít không gian hơn và được lắp đặt các thiết bị công nghệ phù hợp với nhu cầu giải trí của khách công vụ. Để nắm bắt và thấu hiểu hành khách với nhu cầu giải trí ngày càng gia tăng này, các hãng hàng không cần hạn chế việc sử dụng các nền tảng website giao dịch với các yêu cầu như bắt buộc khách phải nhập thông tin cá nhân, điểm đến và ngày khởi hành của họ, thay vào đó, các hãng hàng nên ứng dụng các công cụ đề xuất cá nhân hóa trong quy trình đặt vé để thu hút lượng khách nhiều hơn.

2. Nhu cầu của hành khách trên chuyến bay đều thay đổi

Báo cáo cũng cho biết sự sụt giảm nghiêm trọng của phân khúc khách công vụ đã thúc đẩy các hãng hàng không chuyển hướng hoạt động quảng bá khoang hạng thương gia sang khách du lịch nghỉ dưỡng thông thường. Mặt khác, những khủng hoảng kinh tế kéo dài cũng đã khiến nhiều du khách công vụ nhạy cảm hơn với mức giá của các loại vé hạng thương gia truyền thống.

Do vậy, bằng cách tạo ra một giá vé “hạng thương gia cơ bản” (basic business) đi kèm với dịch vụ gọi món theo yêu cầu (a la carte), các hãng hàng không có thể thu hút khách hạng thương gia với nhu cầu sử dụng dịch vụ trọn gói truyền thống cũng như những du khách có nhu cầu chi tiêu ít hơn.

Thí dụ, hãng hàng không Finnair đã cung cấp các dịch vụ như vậy khi hãng giới thiệu giá vé hạng thương gia “Business Light” bao gồm các dịch vụ như tính phí hành lý ký gửi, ấn định chỗ ngồi trên máy bay, quyền sử dụng phòng chờ và quyền truy cập internet; hãng bay Emirates cung cấp giá vé hạng thương gia có tính phí cho dịch vụ sử dụng phòng chờ. Ngoài ra, hạng phổ thông cao cấp (premium economy) sẽ trở thành sự lựa chọn phổ biến đối với nhiều du khách có nhu cầu giải trí cao cấp và khách công vụ với mong muốn chi tiêu tiết kiệm.

2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã thay đổi ngành hàng không thế nào? -0

3. Sức thu hút từ các mức giá vé linh động

Theo báo cáo, việc kết hợp hài hòa các yếu tố như giá vé hợp lý, danh sách niêm yết các tiện nghi dịch vụ đầy đủ và giao diện màn hình đặt vé đẹp mắt đã thu hút khoảng 55% hành khách đưa ra lựa chọn cho loại vé “tốt hơn’’ hoặc loại vé với mức giá trung bình, trong khi có khoảng 5% khách lựa chọn loại vé cao cấp để tận hưởng đầy đủ các dịch vụ tiện ích.

“Quả thật giá vé được phân cấp sẽ mang lại điều kỳ diệu cho các hãng hàng không - cũng như có khả năng khuyến khích khách hàng chi tiêu cao hơn mức giá thấp nhất”, báo cáo nêu rõ. Ngoài ra, mỗi loại vé dành cho khách nên bao gồm các trang thiết bị tiện nghi thiết yếu và giới hạn một số yêu cầu đặt thêm món ăn trong quá trình đặt vé.

4. Cải thiện dịch vụ gọi món trên máy bay

Mặc dù đại dịch đã khiến nhiều hãng hàng không phải loại bỏ hoặc cắt giảm các tiện nghi dịch vụ đồ ăn thức uống trên máy bay, nhưng việc tái khởi động lại các dịch vụ này là tín hiệu cho thấy “sự quay trở lại trạng thái bình thường” đối với hành khách.

Theo đó, hãng hàng không nổi tiếng Lufthansa đã giới thiệu nhiều lựa chọn dịch vụ ăn uống trên máy bay dành cho thị trường khách châu Âu như các đồ ăn thức uống có thương hiệu và xuất xứ từ địa phương nhằm mục tiêu ủng hộ và nâng cao việc sử dụng thực phẩm tươi ngon và bền vững. Do vậy, đối với giá vé “thương gia cơ bản” đã đề cập, các hãng hàng không có thể bổ sung thêm các dịch vụ gọi món theo yêu cầu với nhiều lựa chọn hấp dẫn dành cho khách ở khoang hạng thương gia.

5. Cần bảo vệ khách hàng khỏi tính bất ổn do đại dịch

Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp diễn, rất nhiều người tiêu dùng ngày càng cảm thấy bối rối và tỏ ra thận trọng hơn với những rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, cũng như quan tâm nhiều hơn đến bảo hiểm du lịch và những chính sách của các hãng hàng không. Trong những giai đoạn đầu khi đại dịch bùng phát, đa số các hãng hàng không đã hứa sẽ thực hiện chính sách hoàn tiền, thẻ tín dụng du lịch hoặc loại bỏ phí thay đổi chỗ, nhưng hầu hết những chính sách bảo vệ quyền lợi của khách đã không được các hãng hàng không thực hiện, và gánh nặng lại đổ dồn lên người tiêu dùng. Do vậy trong thời điểm hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi nhiều hành khách có tâm trạng bối rối và dè dặt luôn lưỡng lự trong việc đặt vé máy bay. Những hành khách này có xu hướng chuyển sang tìm kiếm những hãng hàng không với chính sách vé linh hoạt để tiếp tục các chuyến bay trong thời gian tới.

Theo báo cáo, ngành hàng không nên tham gia vào cuộc đua dài hạn bằng việc triển khai những chiến lược dự đoán biến động của thị trường trong từng lộ trình phục hồi. Hơn nữa, việc thực thi chính sách vé máy bay linh hoạt như có thể thay đổi thời gian và điểm đến miễn phí, đến việc cắt giảm phí phạt, cung cấp đầy đủ các khoản tín dụng du lịch và hoàn tiền cho việc hủy vé đều là những chính sách phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm của hành khách. Ngoài ra trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn, việc cung cấp bảo hiểm du lịch cho tất cả các hành khách cũng là một phương pháp hấp dẫn nhằm giảm thiểu những rủi ro và bất trắc xuyên suốt chuyến đi.

6. Chuẩn bị tình huống tiếp tục đóng cửa biên giới

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch, các hãng hàng không cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đối mặt với viễn cảnh của việc đóng cửa biên giới ở nhiều nước. Theo đó, “việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế và đóng cửa biên giới một cách đột ngột là một điều chưa có tiền lệ trước đây và cách thức tiếp cận này được xem là một “công tắc đèn” vì sự thay đổi khó lường.

“Thực tế này càng thúc đẩy nhu cầu bảo vệ hành khách trước những hạn chế đi lại không chắc chắn và thay đổi chóng mặt. Để làm được điều này, các doanh nghiệp lữ hành và hãng hàng không thế giới phải nỗ lực hơn nữa trong việc hạn chế đóng cửa biên giới như một phương án sau cùng bởi vì điểm đến đại diện cho tính năng nổi bật nhất của sản phẩm hàng không”.

Theo Hải Bình/nhandan.vn

https://nhandan.vn/cam-nang/2-nam-qua-dai-dich-covid-19-da-thay-doi-nganh-hang-khong-the-nao-680395/

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này