“Tăng tốc” lắp camera trên phương tiện kinh doanh vận tải: Không thể chần chừ mãi

15:21 | 30/12/2021
(LĐTĐ) Nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, phương tiện xe kinh doanh vậ̣n tải phải hoàn thành lắp đặt camera giám sát. Đáng chú ý, từ 1/1/2022, tất cả phương tiện chưa hoàn thành nghĩa vụ trên đều sẽ bị xử phạt.
Xử lý nghiêm xe vận tải không lắp camera giám sát hành trình Ôtô không lắp camera giám sát sẽ bị từ chối đăng kiểm Kiến nghị lùi thời gian lắp camera giám sát hành trình

Buộc phải lắp camera giám sát

Theo đó, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1/7/2021. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp thiết bị này đến hết ngày 31/12/2021.

Như vậy, từ ngày 1/1/2022, phương tiện là ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

“Tăng tốc” lắp camera trên phương tiện kinh doanh vận tải: Không thể  chần chừ mãi
Sau 31/12/2021, tất cả xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt. Ảnh: Giang Nam

Theo tìm hiểu, hiện cả nước có khoảng 200.000 phương tiện phải lắp camera, trong đó có khoảng 80.000 phương tiện là xe đầu kéo, container và 120.000 xe khách. Tuy nhiên, hiện tiến độ lắp camera vẫn chưa được như mong đợi. Theo đó, tính riêng tại Hà Nội, đến hết 15/12/2021, tỷ lệ xe kinh doanh vận tải lắp camera giám sát hành trình trên địa bàn thành phố mới đạt khoảng trên 30%. Trước vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội liên tục có văn bản đôn đốc về việc lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải. Theo đó, các xe kinh doanh vận tải bắt buộc phải được lắp đặt camera gồm xe vận tải hành khách có sức chứa từ 9 người trở lên, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo. Sở GTVT Hà Nội cũng nhấn mạnh, từ 1/1/2022, nếu các đơn vị vận tải nào chưa thực hiện, các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm.

Mới đây, để đảm bảo thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ (được tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi quy định tại: Điểm p Khoản 5 Điều 23; Điểm c Khoản 3 Điều 24; điểm o, p Khoản 26 Điều 28 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt - PV), Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ kể cả người lái), xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo) trên địa bàn Thành phố khẩn trương thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô theo quy định.

Đáng chú ý, Sở GTVT Hà Nội cũng giao Phòng Quản lý vận tải đề xuất các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố, đề xuất tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính đối với các đơn vị vận tải không nghiêm túc thực hiện các quy định. Sở GTVT Hà Nội giao Thanh tra Sở GTVT kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định và thời gian đã được quy định tại Nghị quyết số 66/NQ-CP đối với các phương tiện, đơn vị vi phạm.

Khó khăn nhiều nhưng lợi ích lớn hơn

Thực tế, ngoài Sở GTVT Hà Nội thì các đơn vị quản lý khác cũng có thái độ quyết liệt với yêu cầu phải lắp đặt camera giám sát trên phương tiện kinh doanh vận tải. Chẳng hạn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cũng đã bày tỏ thái độ cứng rắn và quan điểm dứt khoát đối với những chủ phương tiện không hoàn thành lắp camera giám sát trước ngày 31/12/2021 sẽ bị xử lý theo đúng quy định.

Căn cứ theo Điểm p khoản 5 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trong trường hợp: Không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera); Có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.

Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 -12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera); Sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử nghiêm xe ôtô kinh doanh vận tải nhưng không lắp camera giám sát theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, quy định lắp camera cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên được Chính phủ giữ lập trường trong suốt 3 năm dự thảo. Đầu năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP nhằm nâng cao an toàn giao thông, trật tự xã hội, bảo vệ hành khách và hậu kiểm. Điều này được dư luận ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gặp “khó” bởi chi phí cao 10-12 triệu đồng/xe, lại chưa có tiêu chuẩn nên khó chọn và kiến nghị xin lùi thời hạn lắp camera. Mặt khác, trong thời gian này, sản lượng vận tải được tổng hợp từ các đơn vị kinh doanh vận tải cho thấy giảm liên tục từ 30-50%, trong khi đó họ phải gánh chịu nhiều chi phí như: Thuê bến, bãi đỗ xe, chi các khoản lương nhân viên, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, thuế, phí bảo hiểm tai nạn dân sự, bảo hiểm vật chất thân xe, trả nợ gốc, lãi ngân hàng và một số chi phí khác.

Để tháo gỡ khó khăn cũng như đề ra lộ trình thực hiện, Chính phủ họp bàn và ra Nghị quyết 66/NQ-CP có nội dung cho lùi thời hạn lắp camera. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về camera vào ngày 4/11/2021, để các doanh nghiệp vận tải chủ động lựa chọn. Dẫn như vậy để thấy, việc yêu cầu lắp camera giám sát đã được xem xét và cân nhắc phù hợp với các điều kiện thực tế.

Cũng cần phải nói thêm rằng, lợi ích của việc lắp camera giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải như xe tải nặng và xe khách là tương đối rõ ràng. Chẳng hạn, mọi dữ liệu, hình ảnh trong suốt quá trình phương tiện tham gia lưu thông sẽ được truyền về máy chủ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định. Hình ảnh ghi lại từ camera giám sát sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được hoạt động của tài xế và các nhân viên… cùng đó cũng giúp các đơn vị quản lý kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật giao thông đường bộ như không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; chạy lấn làn, vượt ẩu; nghe điện thoại trong khi lái xe; chở khách quá số người quy định… từ đó có cơ sở để xử lý vi phạm. Đặc biệt, thông qua hình ảnh camera giám sát ghi lại sẽ giúp cơ quan nhà nước có các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông, giảm thiểu được thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra./.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này