Ý thức của người dân là “lá chắn thép” chống dịch

13:20 | 30/12/2021
(LĐTĐ) Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, chính quyền tại một số quận, huyện ở Hà Nội có cấp độ 3 đã siết chặt nhiều hoạt động trong đó có việc tạm dừng kinh doanh ăn uống tại chỗ. Tuy nhiên, khi một số địa phương thực hiện nghiêm ngặt việc này thì tại một số địa bàn giáp ranh đã có tình trạng người dân “vùng cam” di chuyển sang “vùng vàng” tụ tập ăn uống. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Hà Nội tiếp nhận hơn 48 nghìn cuộc gọi về công tác phòng, chống dịch Quận Bắc Từ Liêm: Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới

Siết chặt kinh doanh ăn uống

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất, Hà Nội có 8 quận ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao), gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ đã siết chặt nhiều hoạt động phòng, chống dịch. Cụ thể, để tăng cường công tác phòng, chống dịch theo cấp độ mới, quận Tây Hồ đã cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ lây nhiễm cao như: Cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc), khu vui chơi, giải trí, quán bar; karaoke (kể cả karaoke loa kéo, quán hát cho nhau nghe), game, massage, phố đi bộ.

Ý thức của người dân là “lá chắn thép” chống dịch
Lực lượng chức năng quận Đống Đa tuyên truyền, ký cam kết với chủ cơ sở kinh doanh. Ảnh: Minh Phương

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ cũng không cho phép tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR. Ngoài ra, quận cũng dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tương tự quận Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm cũng đã điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng chống dịch Covid-19, áp dụng các biện pháp này kể từ 12h ngày 26/12. Còn quận Ba Đình áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 về phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 12h ngày 27/12.

Theo ghi nhận, trong vài ngày qua, tại các địa bàn này các cơ sở kinh doanh ăn uống đều thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tự giác chấp hành việc bán hàng mang về. Cùng với đó, lực lượng chức năng của các phường thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.

Tại quận Ba Đình, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh, chủ cửa hàng ăn Thắng Quỳnh chia sẻ, việc chỉ bán hàng mang về so với khách được ngồi tại chỗ khiến doanh thu của quán giảm hẳn đi. “Việc kinh doanh vô cùng ảm đạm. Chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên cửa hàng nay đóng mai mở, chúng tôi vẫn đang nỗ lực để cửa hàng duy trì buôn bán. Tuy quyết định này ảnh hưởng lớn đến những cửa hàng như chúng tôi nhưng hy vọng việc làm này sẽ khiến dịch bớt đi sớm để quán lại được mở bình thường”, anh Quỳnh nói.

Theo anh Quỳnh, người làm kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống sẽ có 3 nguồn thu: Khách ăn tại quán, khách đến mua mang về và bán mang đi qua shipper. Tuy nhiên, nguồn thu từ việc bán mang về không thể bằng được nguồn thu khi phục vụ khách tại chỗ. “Đặc biệt trong bối cảnh dịp cuối năm, khách hàng ăn uống tại quán sẽ là lượng khách đem lại doanh thu nhiều nhất. Phải tạm dừng kinh doanh các nhà hàng sẽ tiếp tục thiệt hại. Tuy nhiên, để ngăn chặn dịch bệnh, chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm quy định của Thành phố”, anh Quỳnh nhìn nhận.

Công tác phòng, chống dịch phải đặt lên hàng đầu

Theo ghi nhận thực tế, khi những địa bàn trên đóng cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ, một bộ phận người dân đã tìm sang quận, phường khác cách nhau chỉ vài chục mét để ăn uống. Chẳng hạn như ở đường Trường Chinh, phía bên này là quận Đống Đa vắng vẻ vì chỉ bán mang về, phía bên kia là quận Thanh Xuân lại đông đúc khách. Còn trên địa bàn quận Cầu Giấy, vào giờ cao điểm buổi trưa và buổi tối những hàng xe dường như được nối dài hơn tại các khu vực có đông nhà hàng quán ăn như phố Quan Hoa, Trung Hòa, Nghĩa Tân, Hoàng Đạo Thúy...

Ý thức của người dân là “lá chắn thép” chống dịch
Lực lượng chức năng phường Vĩnh Tuy kiểm tra, xử lý hàng quán ăn uống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, vi phạm quy định phòng, chống dịch.

Theo chị Hoàng Trang (Thanh Xuân, Hà Nội), việc cấm hàng quán ở quận “vùng cam” nhưng không cấm hoặc chưa tiến hành hạn chế ở các địa phương “vùng vàng” chỉ khiến khách hàng như chị tìm đến hàng quán ở quận “vùng vàng” nhiều hơn. “Mấy hôm nay tôi di chuyển về phía quận Cầu Giấy để ngồi khi các quán quen ở quận Đống Đa hay, Hoàn Kiếm đã đóng cửa”, chị nói.

Trước đó, tình trạng chồng chéo trong quản lý giữa “vùng cam” và “vùng vàng” cũng được thể hiện rõ tại phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng. Theo ghi nhận, quán phở Thìn, phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, thuộc “vùng cam – vùng nguy cơ cao” chỉ được phép phục vụ bán mang về. Tuy nhiên, trước nhu cầu của thực khách, quán đã “kết hợp” với một quán cafe ở phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm cách đó vài chục mét nhưng thuộc “vùng vàng” được phép ngồi ăn tại chỗ sau đó hướng dẫn khách sang để phục vụ. Nhờ cách làm này, quán phở Thìn ở vẫn rất đông khách đến ăn, nhân viên của quán tất bật chạy đi chạy lại qua ngã tư để phục vụ khách…

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng việc cấm bán tại chỗ ở một phạm vi nhất định sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn nếu ý thức trong phòng dịch của người dân kém. Việc phòng, chống dịch ngoài căn cứ theo địa giới hành chính cần căn cứ thêm nhiều yếu tố khác để đem lại hiệu quả. Đơn cử như khi có 2 quận nằm cùng trên một trục đường, khi một quận cấm, một quận chưa cấm thì người dân sẵn sàng sang quận chưa cấm để ăn uống, sử dụng dịch vụ tại chỗ, lúc này, việc chống dịch theo địa giới hành chính sẽ không đem lại hiệu quả.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, việc lây nhiễm Covid-19 là do quá trình tiếp xúc gần giữa người với người, và việc người dân không tuân thủ quy tắc 5K tại các cửa hàng, quán ăn. Thực tế trong thời gian qua, sau khi Hà Nội ngừng giãn cách xã hội, nhiều trường hợp các nhà hàng, quán ăn để xảy ra tình trạng “mất kiểm soát dịch”, khi liên tiếp phát hiện nhiều F0 đến ăn uống, làm lây nhiễm, hay các nhà hàng, quán cà phê, quán ăn không có đủ các biện pháp phòng dịch dẫn tới chính quyền phải quy định cấm hàng quán ăn không được hoạt động. Chính vì vậy, việc đảm bảo công tác chống dịch tại các hàng quán là rất quan trọng, không thể chủ quan.

Từ thực trạng này, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc cấm hàng quán hoạt động tại từng địa phương, địa bàn ở thành phố Hà Nội có thể nghiên cứu thêm theo hướng linh hoạt hơn, tùy thuộc vào mức độ quản lý của chính quyền nơi đó. “Cần có sự linh hoạt, nếu địa phương nào không quản lý được các hàng quán thì người dân phải chấp nhận việc ngừng kinh doanh sau tại chỗ, thậm chí đóng cửa nhà hàng không đảm bảo quy định việc phòng, chống dịch. Việc này tùy thuộc vào từng địa phương, địa bàn... sao cho hợp lý, vừa đảm bảo phòng chống dịch, mà vừa đảm bảo an sinh xã hội, nhưng phải đặt công tác phòng chống dịch lên hàng đầu” - PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định.

Người dân cần nâng cao ý thức

Trước làn sóng dịch Covid-19 mới với tốc độ lây lan rất nhanh, Hà Nội đã triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch nhưng những ngày qua, dịch bệnh vẫn tiếp tục xuất hiện trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương có ca dương tính trong cộng đồng đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, dập dịch. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, ngành chức năng từ Thành phố đến cơ sở đã huy động mọi nguồn lực, nhanh chóng xác định cụ thể từng trường hợp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Việc đánh giá cấp độ dịch được các tỉnh, thành thực hiện hàng tuần theo Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 để có biện pháp phòng chống dịch, bệnh thích hợp. Các tiêu chí đánh giá gồm: Tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin; khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Ngoài 8 quận thuộc “vùng cam”, Hà Nội hiện có một huyện “vùng xanh” và 21 quận, huyện “vùng vàng”.

Tuy nhiên, những thành quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hoàn toàn có thể “lãng phí”, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng rất lớn nếu như vẫn còn những trường hợp thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm, thiếu tự giác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành Y tế, thậm chí cố tình vi phạm các quy định, như: Không tuân thủ 5K, tụ tập đông người, khai gian trong hồ sơ khai báo y tế...

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, do đó, mọi người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, có những biện pháp bảo vệ phù hợp, kịp thời nhất là trong bối cảnh chúng ta vẫn đang tìm cách “sống chung” với dịch.

Mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh cần gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, như: Không tụ tập ăn uống đông người, không tổ chức liên hoan, sinh hoạt tập thể, chủ động phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời đến chính quyền địa phương những trường hợp người về từ vùng dịch không khai báo, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh tại nơi cư trú. Ý thức người dân sẽ là những “lá chắn thép” để cùng hệ thống chính trị địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19./.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này