Sẵn sàng ứng phó với chủng mới

15:27 | 30/12/2021
(LĐTĐ) Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron là người nhập cảnh. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch trong môi trường thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19, không chỉ trông chờ vào các giải pháp từ phía chính quyền và cơ quan chức năng mà cần thiết và quyết định nhất vẫn là ý thức, hành động từ phía người dân.
Hà Nội tiếp tục các giải pháp giảm tử vong do Covid-19 Tăng cường giá trị “vắc xin tinh thần” trong phòng, chống dịch Covid-19

Ghi nhận ca biến chủng Omicron

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) tới 28/12 trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 43.277 ca mắc Covid-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 15.440 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 27.837 ca. Đặc biệt, những ngày gần đây, số ca mắc mới liên tục tăng nhanh.

Sẵn sàng ứng phó với chủng mới
Tiêm phủ vắc xin vẫn là một trong những giải pháp phòng dịch Covid-19 hữu hiệu được ngành Y tế đẩy mạnh.

Đơn cử ngày 27/12, Thành phố ghi nhận 1948 ca mắc mới với 658 ca cộng đồng; ngày 29/12, ghi nhận 1.920 ca mắc mới, trong đó có 499 ca ngoài cộng đồng. Các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất Thành phố. Theo thông báo mới nhất của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 8 quận và 67 xã, phường ở cấp độ 3 (màu cam) - nguy cơ cao…

Điều này cho thấy tình hình dịch tại Hà Nội đang vô cùng phức tạp, khó lường. Đáng lo ngại, vừa qua, Bộ Y tế đã có thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam là hành khách trở về từ Anh. Cụ thể, ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp là hành khách K.V.H.M trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú. Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là trở về từ Anh quốc, ngày 20/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành giải trình tự bộ gen SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới. Kết quả nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.

Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12, Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân K.V.H.M. Kết quả được xác định bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529). Theo tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân này được chẩn đoán mắc Covid-19 không triệu chứng, nguy cơ thấp. Hiện bệnh nhân đang được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Ý thức, trách nhiệm người dân là “chìa khóa” phòng, chống dịch

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca bệnh không ngừng tăng cao như hiện nay, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; đồng thời thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Liên quan đến biến chủng Omicron, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần sĩ Tuấn cho biết: Theo nghiên cứu của các tổ chức và chuyên gia trên thế giới chủng Omicron lây lan nhanh hơn các chủng cũ, nhưng nhẹ hơn, ít diễn biến nặng và tử vong hơn Delta, vì vậy mọi người cần bình tĩnh. Vấn đề của Việt Nam bây giờ là tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện tốt hơn nữa việc thực hiện 5K. Đồng thời, tăng tốc phủ vắc xin cho người dân, điều mà Việt Nam vốn đang làm rất tốt trong thời gian qua. Chú trọng tiêm bổ sung mũi 3 cho những người đến thời hạn. Bởi đến thời điểm hiện tại vắc xin vẫn có tác dụng giảm lây nhiễm, chuyển nặng và tử vong không những với biến chủng Delta mà cả với Omicron. Bên cạnh đó, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn lưu ý, ngành Y tế cần theo dõi, quản lý, điều trị sớm cho đối tượng trên 50 tuổi và có bệnh nền, giúp giảm bệnh nhân chuyển nặng và tử vong.

Bởi, bất chấp những nỗ lực từ phía chính quyền và các lực lượng chức năng, một bộ phận người dân vẫn có biểu hiện chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch, như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, vẫn tụ tập đông người để vui chơi, ăn uống. Đơn cử, trên địa bàn thành phố Hà Nội có một số người dân sống ở vùng đang ở cấp độ 3 về dịch Covid-19 (bị cấm ăn uống tại quán) di chuyển sang vùng cấp độ 2, cấp độ 1 để ăn uống…

Nhiều người còn cho rằng, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là miễn nhiễm với Covid-19 nên vô tư, thoải mái “quên” yêu cầu 5K phòng, chống dịch. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm đủ hai mũi vắc xin là giúp bản thân người đã tiêm nếu không may nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng, khả năng tử vong thấp. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, những người đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Chính sự chủ quan, coi thường dịch bệnh của nhiều người sẽ khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ y tế và chính quyền cơ sở. Vắc xin phòng Covid-19 dù có được tiêm phủ khắp, nhưng nếu người dân không phát huy tinh thần tự giác, nâng cao trách nhiệm, chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng thì dịch bệnh sẽ không thể bị ngăn chặn và đẩy lùi. Do đó, điều quan trọng nhất trong lúc này đó là mỗi cá nhân cần tăng cường cho bản thân “vắc xin ý thức”.

Đặc biệt, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương, các đơn vị tăng cường hệ thống giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể.…). Trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; bảo đảm tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này