Cần có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh

10:55 | 28/12/2021
(LĐTĐ) Báo chí là những cơ quan truyền thông mà nhiệm vụ chính là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh đấu tranh chống những luận điểm sai trái để bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cổ vũ cái tốt để át cái xấu trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu như hiện nay thì cần có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh là giải pháp đúng đắn.
Báo chí thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội Bộ Y tế phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sức khỏe nhân dân” Tổ chức giải “Báo chí viết về ngành Giao thông vận tải lần thứ III năm 2021-2022”
Cần có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh
Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc mới diễn ra, chia sẻ về một số vấn đề trong quản lý, phát triển báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng muốn báo chí tự chủ được thì phải có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh. Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) phải là đầu mối của các cơ quan báo chí làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ ngành để giao nhiệm vụ, “đặt hàng” báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách.

Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động. Trước sự cạnh tranh của thông tin trên mạng xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng báo chí cần được thông tin minh bạch một cách nhanh nhất có thể về những “điểm nóng” hay sự cố vừa phát sinh.

Qua theo dõi, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, Bộ TTTT cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam để chủ động hơn trong dự báo, cảnh báo và phối hợp, đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin sớm nhất, chính xác cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm. Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất thì nhân dân, công luận sẽ nghe theo.

Như chúng ta đều biết, bất kỳ cơ quan báo chí nào ở nước ta đều có cơ quan chủ quản. Song không phải cơ quan báo chí nào cũng được ngân sách Nhà nước, ít nhất là quỹ lương chi cho cán bộ, phóng viên, người lao động. Trừ hệ thống báo Đảng và một số cơ quan, còn lại đa số các cơ quan báo chí đều phải hoạt động dựa trên nguyên tắc lấy thu bù chi. Nguồn thu chủ yếu từ hoạt động truyền thông, quảng cáo và phát hành.

Nhưng với báo in, do giá đầu vào liên tục tăng cao, hệ lụy của báo mạng nên càng phát hành càng lỗ; nguồn thu trên báo điện tử thì bị các mạng xã hội hầu như “hút hết”, nên doanh số không cao. Trong khi đó, mỗi cơ quan báo chí phải thực hiện đúng tôn chỉ hoạt động của mình, không được phép thương mại hóa, không được phép hoạt động sai tôn chỉ mục đích dẫn đến lượng bạn đọc không nhiều.

Vượt qua khó khăn cả về chủ quan lẫn khách quan, bất luận hoàn cảnh nào, báo chí Việt Nam vẫn là nền báo chí cách mạng; là binh chủng trên mặt trận tư tưởng bảo vệ nền tảng, quan điểm của Đảng, bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bởi thế, cần có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh như đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là vấn đề mang tính thời sự mà các bộ chuyên môn phải sớm có cơ chế phối hợp để triển khai.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này