Thị trường tiêu thụ hàng Tết “ấm” dần sau nỗ lực kích cầu

08:55 | 27/12/2021
Ngoài đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp, các siêu thị cũng áp dụng hàng loạt chương trình khuyến mại, kích cầu cuối năm.
Sôi động thị trường đồ trang trí Giáng sinh Cơ hội chiếm lĩnh thị trường cho sản phẩm OCOP
Nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được áp dụng để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Thanh Tân
Nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được áp dụng để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Thanh Tân

Xúc tiến tiêu thụ nội địa để giảm tình trạng nông sản bị “tắc biên”

Tình trạng “tắc biên” tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã tác động đến giá hàng hóa nông sản trong những ngày cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đang đẩy mạnh các chương trình kết nối thương mại để tìm đầu ra cho nông sản giúp bà con nông dân. Theo ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT), nhu cầu mua sắm hàng hóa, nhu yếu phẩm đặc biệt là hàng nông sản của người tiêu dùng trong dịp Tết cổ truyền rất lớn. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, hiện tình trạng ùn ứ số lượng lớn hàng hóa, nông thủy sản tại các cửa khẩu liên thông với thị trường Trung Quốc đang rất nghiêm trọng.

Nhiều mặt hàng được giảm giá sâu để kích cầu. Ảnh: Vũ Long
Nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống được giảm giá sâu để kích cầu. Ảnh: Vũ Long

“Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ, tiêu dùng nội địa trong thời điểm hiện nay là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và đời sống của nông dân. Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố giới thiệu về tiềm năng và năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của địa phương” – ông Đào Văn Hồ nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp - cho biết: Tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại trái cây trong dịp Tết, đặc biệt là xoài, quýt, nhãn, mít, chanh... Đồng Tháp đã rải vụ và dự kiến tổng sản lượng hoa quả trong 3 tháng 12.2021 là 19.000 tấn, tháng 1.2022 là 22.000 tấn và tháng 2.2022 là 35.000 tấn. Bên cạnh hoa quả, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng hiện hơn 3.000 tấn.

Ông Điền cũng kêu gọi doanh nghiệp, kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp đầu tư vào Đồng Tháp.

Hàng loạt siêu thị giảm giá hỗ trợ người tiêu dùng

Nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỉ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.

Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2–3 lần. Trong đó, phần lớn ngân sách ưu tiên đầu tư cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Saigon Co.op cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này.

Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, nhằm tích cực đồng hành cùng những khó khăn của người tiêu dùng sau dịch, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá trong giai đoạn cuối năm. Đặc biệt, thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn hàng nghìn sản phẩm Tết và 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân, duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng để kích "cầu"

Ngoài ra, những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Bên cạnh các mặt hàng truyền thống đặc trưng cho ngày Tết, điểm mới năm nay của Saigon Co.op là kịp thời bổ sung hơn 200 mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng để tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng trong mùa dịch.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam - cho biết: Phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hệ thống đại siêu thị GO, Big C, và chuỗi siêu thị Tops Market (thuộc tập đoàn Central Retail) đã tăng thêm 20% sản lượng thịt lợn, 25% sản lượng thịt gà so với Tết 2021. Go, Big C cũng đưa ra hàng loạt chương trình kích cầu mua sắm hấp dẫn để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, chương trình “Giá luôn luôn thấp” được áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu; chính sách “Khóa giá”, GO, Big C cam kết không tăng giá bán Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, áp dụng với hàng ngàn sản phẩm...

Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Hanoi Co.opmart cho biết, hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đã được chuẩn bị hoàn tất, tăng từ 10-30% tùy từng mặt hàng. Hanoi Co.opmart cam kết đảm bảo ổn định giá bán để hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo Vũ Long/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-te/thi-truong-tieu-thu-hang-tet-am-dan-sau-no-luc-kich-cau-988641.ldo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này