Xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô lớn mạnh phải gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội

16:31 | 23/12/2021
(LĐTĐ) Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, sự lớn mạnh của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng đội ngũ này lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, hội nhập kinh tế quốc tế.
Công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện Khát vọng của thanh niên gắn với tầm nhìn phát triển Thủ đô

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Vận dụng sáng tạo một số vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã đóng góp tham luận về “Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn mới”.

Công đoàn Thủ đô không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, LĐLĐ thành phố Hà Nội hiện đang quản lý trực tiếp 638.436 đoàn viên Công đoàn. Theo số liệu thống kê, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động trên địa bàn Thành phố ước tính khoảng 4,8 triệu người (trong đó 37,59% số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).

Hà Nội hiện có khoảng 303.000 doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp đang hoạt động khoảng 200.000) với trên 2,5 triệu lao động, chiếm 52% tổng số lao động của Thành phố; có 9 khu công nghiệp tập trung thu hút 678 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 161.000 lao động; đóng góp gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp, gần 60% kim ngạch xuất khẩu toàn Thành phố, nộp ngân sách trên 2.200 tỷ đồng/năm.

Quán triệt và nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của giai cấp công nhân theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 32-Ctr/TU, ngày 4/4/2008 Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy CNVCLĐ làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đất nước.

Xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô lớn mạnh phải gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, sự lớn mạnh của CNVCLĐ Thủ đô là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn chung, đội ngũ công nhân lao động Thủ đô có bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, tinh thần yêu nước, tư tưởng ổn định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, luôn đi đầu trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, một số vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân như: Nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ... chưa được giải quyết kịp thời.

Những năm gần đây, sự phát triển nhanh của các loại hình doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế đã làm dịch chuyển lao động từ các tỉnh và khu vực nông thôn tham gia vào lực lượng lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, nên một bộ phận công nhân lao động trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề, kiến thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật còn thấp; điều kiện sống, sinh hoạt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở và điều kiện để được hưởng các chính sách xã hội; tình trạng doanh nghiệp phá sản, thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, dẫn đến một bộ phận người lao động mất việc, thiếu việc làm; tệ nạn xã hội có diễn biến phức tạp.

Trong khi đó các thế lực thù địch đã và đang có nhiều âm mưu lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc, “diễn biến hòa bình” để chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc... làm cho các cấp Công đoàn gặp không ít khó khăn trong công tác tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân lao động.

Xây dựng CNVCLĐ Thủ đô lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Về quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn mới, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cho rằng sự lớn mạnh của đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Việc xây dựng đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc xây dựng đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn thành phố Hà Nội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Thành ủy và quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố có vai trò quyết định.

Xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô lớn mạnh phải gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong công nhân, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của công nhân và Công đoàn.

Cụ thể, về giải pháp thực hiện, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cho rằng: Thứ nhất, cần phải tăng cường đầu tư sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô. Phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo của Thành ủy và hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền để các cấp Công đoàn Thủ đô, cùng với Hội Nông dân và đội ngũ trí thức Thành phố, tăng cường liên minh công nhân - nông dân - trí thức, thực sự là nền tảng nguồn nhân lực xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Tăng cường lãnh đạo quản lý của các cấp chính quyền Thành phố trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật để xây dựng đội ngũ CNVCLĐ lớn mạnh; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của công nhân lao động. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng trong công nhân, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của công nhân và Công đoàn, tôn trọng và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của tổ chức Công đoàn. Chú trọng lãnh đạo, tạo điều kiện để Công đoàn phát huy tốt vị trí, vai trò của mình.

Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước trí thức hóa đội ngũ công nhân lao động Thủ đô thông qua đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân từ nông dân, công nhân nữ, nhằm phát triển về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, để có một đội ngũ công nhân có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Quy hoạch nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp mới, hiện đại... Có chính sách để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các cơ sở đào tạo nghề với phương tiện kỹ thuật hiện đại, khuyến khích liên kết các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp trong đào tạo, đào tạo lại…

Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho đội ngũ công nhân lao động Thủ đô. Thành phố cần đầu tư và có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư (được tính vào giá trị đầu tư và hạch toán vào chi phí sản xuất) xây dựng và hoạt động của các nhà văn hóa lao động, nhà văn hóa thanh niên, câu lạc bộ công nhân, hệ thống truyền thông đại chúng, nơi sinh hoạt của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ ở các khu công nghiệp tập trung.

Thứ tư, thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật về đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Xây dựng và thực hiện nghiêm hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đời sống, nâng cao thể chất cho công nhân. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng cho công nhân.

Tiếp tục đề cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chăm lo lợi ích, đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Từng bước thực hiện chính sách tiền lương bảo đảm đời sống cho người lao động và có tích lũy từ tiền lương; đồng thời, mở rộng cơ hội cho công nhân mua cổ phần trong doanh nghiệp, nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công trong doanh nghiệp…

Thứ năm, các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung đổi mới hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về cơ sở và người lao động; nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp hoạt động, bám sát cơ sở, hướng về người lao động, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở mới, đồng thời làm tốt hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô” nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho công nhân lao động và năng suất lao động tại các doanh nghiệp…

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này