Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động

22:16 | 19/12/2021
(LĐTĐ) Với mong muốn tạo sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, mang đến một môi trường làm việc an toàn cho người lao động, bà Chu Thị Xuân Hảo - Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất triển khai nhiều giải pháp truyền thông hiệu quả, để người lao động và người sử dụng lao động “nhận diện” rõ hơn về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, qua đó cùng nâng cao trách nhiệm, tuân thủ pháp luật.
Bài 2: Cùng vun đắp giá trị bền vững của doanh nghiệp Bài 1: Khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam đã có bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Chia sẻ về tình hình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, bà Hảo cho biết: Toàn tỉnh có trên 230.000 CNVCLĐ, trong đó tỷ lệ nữ chiếm khoảng 60%. Thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật lao động cho CNVCLĐ, nhất là lao động nữ về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng mô hình tuyên truyền tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (nơi có gần 5.000 lao động) và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển TDT (có trên 1.000 lao động), trong đó lao động nữ chiếm 80%.

Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động
Một buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân lao động về phòng, chống quấy rối tình dục do Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên tổ chức. (Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch).

Đặc điểm chung của 2 doanh nghiệp trên là phần lớn lao động đang ở độ tuổi kết hôn và nuôi con nhỏ, lao động trực tiếp trong các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, được bố trí làm việc theo ca… Thực tế triển khai tuyên truyền cho thấy, phần lớn lao động chưa được phổ biến và chưa hiểu rõ thế nào là hành vi quấy rối tình dục, còn cảm thấy e ngại, xấu hổ về hành vi bị quấy rối…

“Trong quá trình truyền thông, chúng tôi đã xây dựng bộ phim ngắn để phát cho công nhân xem, tổ chức diễn đàn, in các tờ rơi, bố trí thời gian hợp lý để tuyên truyền tới các tổ đội sản xuất… Một số công nhân đã chia sẻ, được cán bộ Công đoàn phổ biến, chúng em mới biết thế nào là các hành vi quấy rối tình dục, mà trước đó, bản thân họ đã từng bị quấy rối, nhưng không nhận biết được”, bà Hảo chia sẻ.

Cũng theo bà Hảo, điều đáng mừng là hiệu quả tuyên truyền không chỉ tạo chuyển biến trong nhận thức của người lao động, mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện nội quy lao động tại đơn vị. Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển TDT, từ khi chưa quy định về xử lý các hành vi quấy rối tình dục, thì nay nội dung này đã được đưa vào nội quy của công ty để áp dụng thực hiện. Còn tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, cũng đã xây dựng được cơ chế, chính sách phòng, chống quấy rối tình dục để áp dụng trong đơn vị.

Cùng cộng đồng trách nhiệm

Từ thực tế triển khai tại cơ sở, theo bà Chu Thị Xuân Hảo, phải chú trọng nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động, đó là người lao động - người sử dụng lao động - tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Song trước hết là phải nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, bởi một trong những trách nhiệm không thể thiếu của nhà tuyển dụng là phải xây dựng được môi trường làm việc an toàn. Đây không chỉ là nghĩa vụ pháp lý, mà còn là quyền lợi cho tập thể trong môi trường kinh doanh. Nếu công ty để việc quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc thì nhiều khả năng sẽ phải trả giá đắt vì: Tinh thần nhân viên xuống thấp dẫn đến năng suất lao động không cao; tổn thất về tiền cũng như thời gian phát sinh cho các vụ kiện tụng, hạ thấp uy tín, hình ảnh của công ty.

Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Nâng cao trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, có một “chuyền may chế độ” dành cho lao động nữ đang mang bầu (từ tháng thứ bảy trở đi), lao động đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và lao động là người khuyết tật với những chính sách ưu đãi riêng.

“Giải pháp quan trọng là vận động các doanh nghiệp vào cuộc một cách cụ thể, trước hết bắt đầu từ việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân hiểu và coi trọng việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo an toàn cho lao động nữ như một chính sách quan trọng thu hút nguồn nhân lực, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tùy theo điều kiện, các cấp Công đoàn có hình thức biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nếp sống văn hóa của công ty, đơn vị”, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, hiện Bộ luật Lao động năm 2019 đã cụ thể hóa về các hành vi quấy rối tình dục. Do đó, theo bà Hảo cần xây dựng kế hoạch truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ công, đội ngũ báo cáo viên Công đoàn các cấp về chuyên đề này; truyền thông trên trang thông tin điện tử, trang nội bộ Công đoàn các cấp; truyền thông về cách ngăn chặn quấy rối tình dục cho cấp quản lý và công nhân lao động…

Bà Hảo cũng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, theo đó, các nội dung liên quan đến lao động nữ, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc cần được triển khai tuyên truyền rộng khắp đến các đơn vị. Vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên đã tuyên truyền đến khối công chức, viên chức và thu hút được sự quan tâm của khối này, do đó, cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tới CNVCLĐ các đơn vị, các khối, để mọi người cùng nâng cao ý thức, hướng tới xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, một xã hội văn minh, ứng xử có văn hóa.

Quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những điểm mới, được quy định rõ trong Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.

Cụ thể: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng đã đặt ra yêu cầu đối với người sử dụng lao động trong việc quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, gồm các nội dung cơ bản như:

a) Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

c) Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

d) Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

đ) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này