Cần sớm ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức

16:24 | 18/12/2021
(LĐTĐ) Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, cần nghiên cứu để sớm ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Đề xuất các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp để thi hành án hiệu quả Tăng cường công tác truyền thông trong thi hành án dân sự, hành chính

Trong khuôn khổ dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), Bộ Tư pháp vừa phối hợp với Liên minh Châu Âu và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tổ chức Diễn đàn pháp luật thường niên với chủ đề “Công tác thi hành án dân sự trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Đồng chủ trì Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn có đại biểu các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các Chương trình hợp tác pháp luật và tư pháp tại Việt Nam. Đại biểu trong nước có sự tham dự của đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, một số bộ, ban, ngành, Tổng cục Thi hành án dân sự, một số cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương…

Cần sớm ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người đứng đầu, công chức, viên chức
hứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định, việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, trọng tài là một phần cơ bản của việc bảo đảm xây dựng một xã hội dựa trên pháp quyền. Thời gian qua, công tác thi hành án dân sự đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thể chế, pháp luật về thi hành án dân sự ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, kết quả thi hành án dân sự ngày càng thực chất, bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, kết quả thi hành các bản án cả về việc và tiền vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; thời gian, chi phí thi hành án vẫn cần tiếp tục được cải thiện; năng lực của các cơ quan và cán bộ thi hành án dân sự cần được tăng cường để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng với điều kiện bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tham luận tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, có những vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được luật định, dẫn đến vướng mắc, gây chậm tiến độ, khó thu hồi được tài sản như: Chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để giải quyết đồng thời các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau, còn khoảng trống về kiểm soát tài sản cá nhân, thiếu các quy định liên quan đến thu hồi tài sản…

Bên cạnh đó, nhiều đương sự phải thi hành án cố tình chây ỳ, khiếu nại, tố cáo kéo dài, cản trở việc thi hành án; chống đối quyết liệt lực lượng thi hành án.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2021, thi hành án về việc đạt 75,82%, thi hành án về tiền đạt 31,21%. Về kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong 4.503 việc, thu hơn 18.246 tỷ đồng. Riêng về kết quả thi hành án dân sự đối với những vụ án về kinh tế - tham nhũng, đã thi hành xong 2.697 việc, thu được hơn 4.094 tỷ đồng.

Cần sớm ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người đứng đầu, công chức, viên chức
Toàn cảnh Diễn đàn.

Tham luận tại Diễn đàn, bà Đào Thị Hoài Thu, Phó Vụ trưởng, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, cho rằng, kết quả thi hành án dân sự đối với những vụ án về kinh tế - tham nhũng vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng. Hàng nghìn tỷ đồng ở các vụ án tham nhũng không được thu hồi, đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, của nhân dân đã bị mất đi.

Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng có làm tốt bao nhiêu, bản án có nghiêm minh đến đâu nhưng việc thi hành không đạt hiệu quả, kết quả đạt được thấp, nhất là việc truy thu lại cho ngân sách Nhà nước không đạt thì cũng coi như chưa đạt mục tiêu, hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm chưa đáp ứng được.

Để khắc phục các bất cập này, theo bà Thu, cần nghiên cứu để sớm ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Trong đó, cần có cơ chế cho việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án, không phải chờ khởi tố bị can và đến khi phiên tòa diễn ra, mà có thể vận dụng linh hoạt ở bất cứ giai đoạn nào, kể từ khi tiếp nhận tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố vụ án, điều tra, truy tố và xét xử. Bên cạnh đó, cần mở rộng phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội tham nhũng kinh tế.

Cùng với đó, sớm hoàn thiện và ban hành Luật Đăng ký tài sản; có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt; bổ sung Luật Thi hành án dân sự một số quy định về cơ chế ủy thác xử lý tài sản, tạo cơ sở cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý đồng thời tài sản ở các địa phương khác nhau… Đồng thời, cơ quan điều tra cũng cần sớm cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản của đương sự có nghĩa vụ thi hành án cho cơ quan thi hành án để chủ động có kế hoạch, phương án thu hồi kịp thời.

Phương Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này