Test nhanh dương tính tại nhà, người dân không tự ý vào viện

09:57 | 16/12/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, không ít người dân đã tự trang bị kit test nhanh tại nhà. Khi có kết quả dương tính, họ không thông báo cho chính quyền địa phương mà đến thẳng bệnh viện. Điều này gây ra nguy hiểm cho cộng đồng vì khả năng lây nhiễm hoàn toàn xảy ra khi bệnh nhân di chuyển quãng đường dài mà không có các biện pháp ngăn chặn nguy cơ. Bên cạnh đó, lượng người dương tính ồ ạt tới khám sàng lọc cũng gây quá tải cho bệnh viện.
Hà Nội kỷ lục 1.357 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 611 ca cộng đồng Phát hiện 3/753 mẫu test nhanh dương tính với Sars-CoV-2 tại trạm xét nghiệm dã chiến

Nguy cơ lây nhiễm và quá tải

Những ngày gần đây, tại Bệnh viện Thanh Nhàn xuất hiện tình trạng nhiều người dân tự test nhanh SARS-CoV-2 tại nhà cho kết quả dương tính nhưng không báo với địa phương mà đi thẳng đến bệnh viện để khám sàng lọc, gây nguy cơ quá tải cho bệnh viện. Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Có những ngày, có hơn 20 bệnh nhân tự làm test nhanh và tự đến viện khám sàng lọc để chờ làm xét nghiệm PCR, gây quá tải cho khu phân luồng. Thời gian chờ đợi của bệnh nhân tại khu vực này không thể nhanh, do đó, nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly hoàn toàn có thể xảy ra”.

Test nhanh dương tính tại nhà, người dân không tự ý vào viện
Khu khám sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Ảnh: Thành Đạt).

Theo đó, tại khu vực khám sàng lọc của Bệnh viện đã có sự phân luồng, tuy nhiên với mức độ người dân đến ồ ạt thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phân luồng cũng như thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm PCR của người bệnh. Trong khi, 99% bệnh nhân có test nhanh dương tính, khi làm xét nghiệm khẳng định bằng PCR đều cho kết quả trùng lặp. Theo bác sĩ Hường, những trường hợp tự đến bệnh viện sau khi có kết quả test nhanh tại nhà dương tính là những trường hợp có triệu chứng nhưng chưa được khẳng định. Khi bệnh nhân tự đến, Bệnh viện tiếp nhận và cho làm xét nghiệm PCR. Nếu kết quả dương tính, bệnh viện sẽ phân tầng: Nếu bệnh nhân thuộc tầng 1 (mức độ nhẹ) sẽ chuyển tới các cơ sở thu dung bệnh nhân tầng 1; bệnh nhân thuộc diện từ tầng 2, tầng 3 (triệu chứng nặng), bệnh viện vẫn tiếp nhận điều trị như bệnh nhân ở nơi khác chuyển tới.

Hiện Bệnh viện Thanh Nhàn đang điều trị cho khoảng 120 bệnh nhân Covid-19, trong đó có khoảng 20-30 bệnh nhân nặng. Những trường hợp này chủ yếu là bệnh nhân chưa tiêm vắc xin, tiêm chưa đủ liều, hoặc tiêm 2 mũi chưa đủ thời gian sinh kháng thể. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, hiện tầng điều trị thứ 2 tại bệnh viện đang quá tải, phần vì bệnh nhân tự ý đến viện và bệnh viện cũng phải tiếp nhận thêm các trường hợp nặng từ cơ sở y tế khác. "Giai đoạn hiện tại, với công suất đáp ứng điều trị 120 bệnh nhân Covid-19, chỉ có 20 giường điều trị bệnh nhân nặng đã gấp 150% so với công suất và quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố ", bác sĩ Nguyễn Thu Hường cho hay.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng xảy ra tình trạng người dân “vượt tuyến” đến bệnh viện khám sàng lọc khi có kết quả dương tính sau khi tự test nhanh Covid-19. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, một vài ngày gần đây, Bệnh viện thường tiếp nhận các bệnh nhân tự test nhanh Covid-19, phát hiện dương tính và tự tìm đến bệnh viện điều trị. Đây là điều không tốt cho cộng đồng, bởi người dân sau khi dương tính, tự ý di chuyển gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Người dân cần bình tĩnh thông báo cho địa phương

Thời gian qua, nhiều người dân có phản ánh, dù có xét nghiệm dương tính nhưng khi gọi y tế địa phương, họ phải chờ rất lâu mới được đưa đi cơ sở y tế điều trị, nên có người đã có suy nghĩ tự “vượt rào” quy định mà đến viện. Một phần nữa, tâm lý của người bệnh khi mắc bệnh đều muốn đến cơ sở y tế tốt nhất để điều trị.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Nguyễn Thu Hường cho biết, hiện nay hệ thống vận chuyển cấp cứu 115 đang quá tải vì lượng F0 tăng nhanh, vì thế việc đáp ứng vận chuyển bệnh nhân không thể ngay lập tức. Bên cạnh đó, khi khai thác dịch tễ, nhiều trường hợp tự test nhanh tại nhà, khai báo với y tế tại phường, xã về kết quả test nhanh dương tính của mình, nhưng một số cán bộ y tế hướng dẫn tự đến bệnh viện khám mà không hướng dẫn cần ở nhà để lấy mẫu xét nghiệm. “Tôi cho rằng, Sở Y tế Hà Nội cần phải tập huấn cho cán bộ y tế tuyến cơ sở có kiến thức chuyên môn về phân tầng, có tư vấn cho người dân hợp lý để tránh việc người dân tự đến bệnh viện gây khó khăn cho công tác phân luồng người bệnh", bác sĩ Hường bày tỏ.

Test nhanh dương tính tại nhà, người dân không tự ý vào viện
Điều trị bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bên cạnh đó, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn cũng khuyến cáo, với những người test nhanh dương tính tại nhà cần khẩn trương khai báo với y tế phường, Trung tâm Y tế nơi bệnh nhân sinh sống để được báo với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và xử lý phù hợp. Trong thời gian chờ đợi, người bệnh phải liên hệ chặt chẽ với cán bộ y tế phường để xem mình có triệu chứng gì, có nặng hay không để được can thiệp y tế kịp thời. Người dân vẫn phải chờ kết quả PCR, sau đó nếu dương tính, cán bộ y tế phường sẽ hướng dẫn phân tầng, chuyển tới nơi thu dung để bệnh nhân được điều trị đúng tầng, tránh quá tải cho cơ sở y tế.

Trong lúc chờ đợi, mọi người lắng nghe cơ thể và làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế, ví dụ theo dõi nhiệt độ 2 lần/ngày, đo Sp02 (hoặc nếu thấy tức ngực, khó thở) phải báo ngay cơ sở y tế để họ có biện pháp triển khai đưa tới cơ sở y tế. Cũng theo bác sĩ Hường, với các bệnh nhân thể nhẹ, tâm lý khi mắc bệnh họ mong muốn được đến cơ sở y tế tốt để điều trị. Tuy nhiên, với khuyến cáo hiện nay, bệnh nhân ở phân tầng 1 có thể điều trị tại nhà theo quy định, có thể thu dung tại một số cơ sở tuyến dưới. “Việc bệnh nhân tầng 1 mong muốn được vào cơ sở y tế điều trị cũng là gánh nặng rất lớn với ngành Y tế vì nếu phải bố trí số giường điều trị cho tầng 1 quá lớn sẽ làm mất đi cơ hội cứu chữa cho các bệnh nhân nặng ở tầng 3”, bác sĩ Hường cảnh báo thêm.

Trước tình trạng người dân tự xét nghiệm nhanh, dương tính với Covid-19 nhưng không thông báo cho y tế ở địa phương, Bộ Y tế có văn bản khẩn yêu cầu các địa phương rà soát. Theo đó, Bộ Y tế cho rằng một số trường hợp di chuyển đến các bệnh viện sau khi tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính, có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng đặc biệt là tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Bởi vậy, để tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, phối hợp tổ chức liên quan để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trên website của Sở Y tế số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn; tư vấn và hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cho người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn chấp hành các quy định phòng, chống dịch, đặc biết đối với việc triển khai tự xét nghiệm, giúp phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, kịp thời bóc tách, khoanh vùng và dập dịch, đồng thời hạn chế việc lây nhiễm cho cộng đồng./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này