Phát triển ngành công nghiệp văn hoá góc nhìn từ Hàn Quốc

12:02 | 14/12/2021
(LĐTĐ) Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 của Việt Nam là ưu tiên cho một số ngành công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Phóng viên báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Thị Việt Hà, người có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về văn hoá kinh doanh Hàn Quốc, để hiểu hơn sự phát triển công nghiệp văn hoá Hàn Quốc và bài học đối với Việt Nam.
Độc đáo sắc màu văn hóa Hàn Quốc tại Festival nghề truyền thống Huế 2019 Giao lưu nghệ thuật đương đại Việt Nam - Hàn Quốc

PV: Từng nhiều năm sinh sống, học tập và nghiên cứu về văn hoá tại Hàn Quốc, bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa của nước này?

Phát triển ngành công nghiệp văn hoá góc nhìn từ Hàn Quốc
TS. Lê Thị Việt Hà.

TS. Lê Thị Việt Hà: Nói đến công nghiệp văn hoá trước hết là nói đến các lĩnh vực như âm nhạc, truyền hình, phim ảnh, game, xuất bản, hàng thủ công, thời trang... mang lại hiệu quả kinh tế. Khoảng hai thập kỷ gần đây, những sản phẩm văn hoá đại chúng của Hàn Quốc như phim ảnh, âm nhạc đóng vai trò thay đổi tư duy và cách đánh giá của người nước ngoài về Hàn Quốc trước đây - một đất nước nhỏ bé, nghèo tài nguyên, đã từng kiệt quệ về kinh tế sau khi bị chia cắt hai miền Nam-Bắc. Ngành công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc đã trở thành ngành mũi nhọn, có khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể và cũng đóng vai trò quan trọng trong “ngoại giao nhân dân”.

Ví như, nhóm nhạc BTS ngoài doanh thu bán đĩa nhạc, vé xem các buổi hòa nhạc, các sản phẩm phái sinh, việc thu hút số lượng khách du lịch tới Hàn Quốc bởi vì yêu thích nhóm nhạc này cũng tăng mạnh. Trong năm 2017, ước tính khoảng 800.000 du khách vào Hàn Quốc (chiếm 7% trong số lượt khách đến) chỉ bởi vì yêu thích ban nhạc BTS. Các thành viên trong nhóm nhạc BTS được mệnh danh là “Đại sứ du lịch danh dự” của Seoul khi dành được sự quan tâm lớn của du khách đến thành phố thông qua sáng kiến “Live Seoul Like I Do”. Văn hoá lan toả từ những điều giản dị như vậy.

Không chỉ đối với du lịch, công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc đang thực hiện rất tốt vai trò sức mạnh mềm, mở đường giúp các ngành công nghiệp khác thâm nhập thị trường nước ngoài. Ở Việt Nam hiện nay, Hàn Quốc đang đứng đầu về vốn FDI vào Việt Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp Hàn Quốc, số lượng người học tiếng Hàn… đang tăng lên nhanh chóng, chứng tỏ sức hấp dẫn của Hàn Quốc đối với Việt Nam.

PV: Vậy chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách gì để phát triển ngành công nghiệp không khói này?

TS. Lê Thị Việt Hà: Quy mô ngành công nghiệp văn hoá Hàn Quốc không phải tự nhiên có được mà đó là cả một chính sách phát triển qua các đời Tổng thống Hàn Quốc. Họ đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành một trong 5 cường quốc phát triển văn hóa đại chúng và quảng bá hình ảnh quốc gia với thế giới. Với định hướng như vậy, từ thời điểm đó đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc bắt đầu tập trung vào ngành công nghiệp truyền thông và sáng tạo, gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực này. Năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư 5,3 tỷ đô để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo này như: Thành lập các Hiệp hội ngành công nghiệp sáng tạo, Trung tâm văn hoá Hàn Quốc ở các quốc gia, Quỹ trao đổi, giao lưu văn hoá Hàn Quốc và nước ngoài. Bên cạnh đó là sự đóng góp không nhỏ của các công ty giải trí và các công ty truyền thông như: SM, JYP, YG và HYBE.

Chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật nhưng lại chưa có ngành công nghiệp văn hoá đúng nghĩa. Để làm được điều này trước hết chúng ta cần phải thay đổi tư duy, đánh giá đúng vai trò sức mạnh mềm của văn hoá. Văn hoá không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần của nhân dân mà sẽ là các sản phẩm đóng góp lớn vào GDP của đất nước trong tương lai.

Chính sách phát triển văn hoá của Hàn Quốc rất rõ ràng. Không chỉ phát triển văn hoá nghệ thuật đương đại mà họ còn phát triển cả văn hoá truyền thống. Đó là lý do tại sao hiện nay chúng ta thấy giới trẻ và người dân trên thế giới đều biết đến Kimchi (món dưa muối truyền thống), Hanbok (trang phục truyền thống), Samulnori (nhạc cụ truyền thống), Pansori (thể loại hát truyền thống). Ngoài ra là chính sách phát triển văn hoá trong giáo dục. Cụ thể là phát triển ngành Ngôn ngữ tiếng Hàn, ngành Hàn Quốc học, trong đó thúc đẩy nghiên cứu, giảng dạy tiếng Hàn, văn hoá Hàn ở nước ngoài. Trong năm học tới ở Việt Nam, tiếng Hàn sẽ chính thức trở thành ngoại ngữ 1 từ lớp 3 đến lớp 12.

PV: Theo bà Việt Nam có lợi thế gì để phát triển ngành công nghiệp văn hoá?

TS. Lê Thị Việt Hà: Theo tôi nhận thấy thì thực tế trong tương lai chúng ta đang có lợi thế để phát triển hơn so với nhiều nước trong khu vực. Đầu tiên, Việt Nam là một nền văn hoá đa dạng trong thống nhất với 54 dân tộc anh em, trong khi các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ có một dân tộc duy nhất. Bên cạnh đó, chúng ta có thị trường rộng lớn với hơn 90 triệu dân và dân số trẻ, trong khi Hàn Quốc hay Nhật Bản lại là đất nước nhỏ bé đang phải đối mặt với hiện tượng già hoá dân số. Đặc biệt, chúng ta đi sau nên có thể tiếp thu được nhiều kinh nghiệm phát triển văn hoá từ những nước trong khu vực đang rất thành công như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid như hiện nay, tuy thị trường văn hoá, giải trí, du lịch trên toàn thế giới hiện nay khá ảm đảm nhưng chúng ta có thể tận dụng thời cơ này để chuẩn bị kỹ lưỡng cho các sản phẩm văn hoá tung ra sau dịch. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp dành thời gian này để tái cấu trúc và định vị thị trường thì chắc chắc sẽ có bước nhảy vọt mạnh mẽ hậu Covid-19.

Phát triển ngành công nghiệp văn hoá góc nhìn từ Hàn Quốc
Ảnh minh họa.

PV: Dựa vào bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, bà có gợi ý gì để Việt Nam có thể phát triển thành quốc gia công nghiệp văn hoá trong tương lai?

TS. Lê Thị Việt Hà: Chúng ta đang tồn tại tất cả các ngành nghệ thuật nhưng lại chưa có ngành công nghiệp văn hoá đúng nghĩa. Để làm được điều này trước hết chúng ta cần phải thay đổi tư duy, đánh giá đúng vai trò sức mạnh mềm của văn hoá. Văn hoá không chỉ đơn thuần là món ăn tinh thần của nhân dân mà sẽ là các sản phẩm đóng góp lớn vào GDP của đất nước trong tương lai.

Hai là, từ bài học của Hàn Quốc, tôi thấy cần chuẩn bị nền móng về nhân sự cho ngành công nghiệp sáng tạo này. Trước hết đó là việc đào tạo, thu hút nhân tài không chỉ trong mà còn ở cả ngoài nước. Tại sao các công ty giải trí Hàn Quốc tại tuyển thực tập sinh ở nước ngoài về để đào tạo? Lý do là họ muốn thu hút người hâm mộ từ quốc gia của những idol đó, sau mới là tạo tính khác biệt để cạnh tranh cho sản phẩm.

Ba là, xây dựng các công ty giải trí và truyền thông chuyên nghiệp để có thể xã hội hoá các hoạt động biểu diễn. Cũng giống như những ngành khác, không thể có được một nền công nghiệp nếu không có các công ty. Nhà nước sẽ đóng vai trò là bệ đỡ, các công ty giải trí sẽ thực hiện vai trò cụ thể của mình. Mỗi năm, nước ta có hàng chục cuộc thi tài năng nghệ thuật trên truyền hình nhưng những ngôi sao thành danh bước ra từ những cuộc thi như vậy là rất hiếm bởi thiếu bệ phóng là các công ty giải trí chuyên nghiệp. Tôi đã thấy có một vài công ty lăng xê nghệ sĩ thành công nhưng lại không được bền vững bởi văn hoá và đạo đức kinh doanh của họ chưa phù hợp với xã hội Việt Nam. Một điều nữa là trong đại dịch Covid-19 chúng ta càng thấy được vai trò quan trọng của các sản phẩm được số hoá, giúp khán giả tiếp cận nghệ thuật dễ dàng hơn và các công ty cũng giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Nhất là các sản phẩm nghệ thuật nước ngoài đã khiến chúng ta không còn cảm thấy có rào cản biên giới giữa mỗi quốc gia, làm cho chúng ta thấy thế giới đang “phẳng” hơn bao giờ hết.

Bốn là, quảng bá văn hoá Việt Nam ở nước ngoài thông qua các chương trình học tiếng Việt, nghiên cứu Việt Nam học, giao lưu văn hoá; quảng bá hình ảnh Việt Nam qua các kênh truyền hình nổi tiếng như CNN, BBC và mạng xã hội để người nước ngoài biết đến chúng ta nhiều hơn.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Bùi Phương thực hiện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này